Hôm nay (2-4), theo thoả thuận các thành viên Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) sẽ phải đồng loạt thực hiện việc thay đổi quyết định lãi suất để áp dụng mức lãi suất huy động VND tối đa 11%/năm
 |
Dù lãi suất giảm nhưng NH vẫn là kênh đầu tư an toàn, hiệu quả. Ảnh: Internet |
và USD tối đa 6%/năm. Mặc dù nhiều bên lo việc đồng thuận khó thành hiện thực, nhưng tinh thần các NH đã sẵn sàng.
Nỗi lo không chỉ riêng ai
Chưa bao giờ việc các NH thực hiện đồng thuận lãi suất lại được đặc biệt quan tâm như hiện nay. Cuộc đua tăng lãi suất cao chưa từng thấy trong tháng 2 vừa qua đã gây ra sự dịch chuyển vốn lớn kéo theo nhiều hệ lụy cho thị trường tài chính, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất-kinh doanh của khách hàng vay vốn...
Có lẽ các NH là người chịu thiệt hại nhiều nhất vì đã "ôm" một lượng vốn lớn với cái giá quá cao nay lại đang khó khăn đầu ra. Vì vậy, tại cuộc họp của VNBA ngày 20-3, chính các thành viên lại kêu gọi phải đồng thuận giảm trần lãi suất huy động.
Đề xuất này là một bất ngờ, vượt quá kỳ vọng của Ban lãnh đạo VNBA và tất nhiên là VNBA đã nhanh chóng thúc đẩy đồng thuận cả việc hạ lãi suất huy động USD với các thành viên khu vực phía nam và ra thông báo để thực hiện đồng loạt từ ngày 2-4-2008.
Những ngày qua, nhiều bên lo lắng về việc liệu các NH có tự giác thực hiện thoả thuận giảm lãi suất hay không? VNBA lo việc đồng thuận do mình chủ trì không được thực hiện đến nơi, đến chốn. NHNN lo mục tiêu ổn định mặt bằng lãi suất huy động và cho vay theo hướng giảm dần bị ảnh hưởng. Chi nhánh NHNN TP Hồ Chí Minh và Hà Nội lo không có chế tài hoặc căn cứ pháp lý để kiểm tra, giám sát NHTM giảm lãi suất.
NH nàylo NH khác không đồng lòng thực hiện đúng thời điểm, đúng mức thoả thuận thì vốn của mình bị rút sang NH khác, dư luận cũng quan tâm chú ý vì khía cạnh xã hội của tiền gửi NH... Những nỗi lo nàyxuất phát từ hiện tượng đã nhiều lần một số NHTMCP không thực hiện và NHTMNN cũng có biểu hiện "lách" các mức lãi suất đã thỏa thuận.
Còn"nhìn nhau"
Cũng như mọi lần, NHTMNN luôn đi đầu trong việc thực hiện các thoả thuận lãi suất. Ngày 31-3, NHĐT&PTVN là NH đầu tiên thông báo toàn hệ thống giảm lãi suất huy động VND và USD từ ngày 2-4. Ngày hôm qua, một số NHTMNN khác cũng đã ra quyết định điều chỉnh giảm lãi suất.
Các NHTMCP thì đã sẵn sàng về tinh thần, nhưng đến trưa ngày 1-4, nhiều NH còn đang "nhìn nhau". NH nào cũng trong tâm trạng "thủ thế" sợ mình giảm lãi suất thì khách hàng lại rút tiền gửi sang NH chưa giảm.
Tuy nhiên, PGĐ Ban nguồn vốn của một NHTMNN nói: "NH chậm hạ lãi suất ngày nào thì tự gây cho mình thiệt hại vì bối cảnh hạ lãi suất hiện nay không giống như thời điểm phải thực hiện Công điện 02 của Thống đốc NHNN. Lúc đó các NH đang cần phải huy động gấp để bảo đảm khả năng thanh khoản. Nay thì nguồn vốn VND ngắn hạn đang dư thừa, vay dễ dàng trên thị trường tiền tệ liên NH với lãi suất thấp hơn".
Lãi suất có thực dương?
Vẫn còn vài ý kiến băn khoăn nếu giảm lãi suất, NH có đảm bảo thực dương cho người gửi tiền? Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng nên hiểu rằng nguyên tắc lãi suất thực dương là một định hướng, là mục tiêu chứ không phải là mệnh lệnh hành chính.
Xét trong bối cảnh kinh tế Việt Nam hiện nay, vốn NH là nguồn đầu tư chính để các DN, đặc biệt các DNN&V mở rộng kinh doanh. Nếu không có nguồn vốn NH thì các DN không thể phát triển, tạo thêm công ăn, việc làm và nền kinh tế không thể tăng trưởng được.
Theo các cuộc điều tra trước đây, vốn vay NH thường chiếm từ 70% đến 90%, thậm chí 100% vốn hoạt động của nhiều DN Việt Nam. Vì vậy, vừa qua việc NH thiếu vốn cho vay và sau đó là lãi suất cho vay tăng quá cao đã ảnh hưởng rất nặng đến các DN nội địa. Để hỗ trợ các DN, qua đó giúp nền kinh tế vượt qua khó khăn và phát triển thì điều cần thiết phải giảm lãi suất huy động để NH có cơ sở giảm lãi suất cho vay.
Theo Bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký VNBA thì trong điều kiện lạm phát còn diễn biến phức tạp, nguyên tắc thực dương chỉ có thể đạt được trong dài hạn. Dù lãi suất có giảm chút ít thì hiện nay NH vẫn là kênh đầu tư an toàn và hiệu quả hơn một số số kênh đầu tư khác.
Người gửi tiền cũng có thể đồng thời là người vay tiền hoặc là người được hưởng lợi từ việc lạm phát được kiềm chế, kinh tế phát triển. Trong lúc khó khăn thì các bên, thậm chí ngay cả Chính phủ cũng phải phân chia gánh nặng. Mỗi người chịu một ít, người gửi tiền cũng nên chia sẻ để hỗ trợ nền kinh tế.
Đây là thời điểm khá thuận lợi cho các NH giảm lãi suất huy động. Nguồn vốn VND ngắn hạn đang dư thừa. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo NHNN cho vay tái chiết khấu với lãi suất 9%/năm khi NHTM thiếu thanh khoản tạm thời mà không thể đi vay ở các kênh khác với lãi suất 9%/năm. Trước mắt, tình hình huy động vốn cả nội và ngoại tệ của các NH sẽ diễn ra bình thường. Người gửi tiền nói chung là chấp nhận mức lãi suất mới. Lãi suất cho vay nhiều khả năng sẽ được hạ xuống.
Nếu chỉ số giá cả tăng chậm lại, các NH tiếp tục dư thừa vốn khả dụng thì lãi suất trần huy động có thể lại tiếp tục hạ xuống. Nếu lạm phát biến động bất thường thì các thành viên VNBA sẽ xem xét để điều chỉnh mức lãi suất thoả thuận cho phù hợp tình hình cung-cầu vốn.
Tuy nhiên, nếu "đồng hạng" lãi suất thì một số NH nhỏ sẽ khó khăn hơn trong việc thu hút tiền gửi. Vài tháng tới, các NH này có thể căng thẳng vốn VND. Vì vậy, có ý kiến cho rằng VNBA nên ưu tiên để cho một số NH thành viên có mức vốn điều lệ còn thấp (từ 500 tỉ đồng trở xuống) áp dụng mức lãi suất trần huy động (12%/năm) như Công điện 02 của Thống đốc NHNN.
Theo Lao Động