QĐND Online - Thảo luận về dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, sáng 20-1, các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hai luồng ý kiến khác biệt rõ rệt: Ủng hộ đổi mới, bỏ HĐND phường, quận và không ủng hộ, giữ nguyên mô hình tổ chức chính quyền địa phương như hiện nay. Cả hai luồng ý kiến đều chưa thuyết phục được nhau…
Ủy ban thẩm tra ủng hộ đổi mới
Trình bày báo cáo về một số vấn đề lớn xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho hay, mô hình tổ chức chính quyền địa phương là vấn đề được nhiều vị đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận và ý kiến còn rất khác nhau.
Trong số các đại biểu Quốc hội đã phát biểu ý kiến, nhiều ý kiến cho rằng, cả hai phương án của Chính phủ đều chưa thật sự thuyết phục nên đề nghị trước mắt, cần giữ nguyên mô hình tổ chức chính quyền địa phương như hiện nay, cấp nào cũng đều có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Cũng có các ý kiến đề nghị cần có sự phân biệt giữa mô hình tổ chức chính quyền địa phương tại địa bàn đô thị và tại địa bàn nông thôn để phù hợp với đặc điểm và yêu cầu quản lý tại từng địa bàn.
Trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, tham khảo kinh nghiệm của một số nước trên thế giới, Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị hai phương án tiếp thu, chỉnh lý.
Phương án 1 là giữ nguyên mô hình có HĐND và UBND tại tỉnh, huyện, xã, thành phố các cấp, thị xã, quận và đơn vị hành chính tương đương. Còn ở các phường thuộc quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương sẽ chỉ tổ chức cơ quan hành chính để thực hiện nhiệm vụ của chính quyền địa phương tại phường.
Phương án 2 là tiếp tục quy định cấp chính quyền địa phương (có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân) được tổ chức ở tất cả các đơn vị hành chính, kể cả nông thôn và đô thị.
Ông Phan Trung Lý cho hay, Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị lựa chọn phương án 1 và dự thảo Luật hiện cũng đang được thiết kế theo phương án 1.
Hai luồng ý kiến khác nhau
Phương án 1 cũng nhận được một số ý kiến đồng tình của các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước nghiêng theo quan điểm này vì cho rằng mô hình cũ đã bộc lộ nhiều khiếm khuyết và đây là thời điểm cần chuyển biến mô hình chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, những người phản đối lại cho rằng việc bỏ HĐND ở một số đơn vị hành chính là không bảo đảm được nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, nhân dân giám sát việc thực hiện quyền lực nhà nước thông qua các cơ quan dân cử và cấp nào có UBND thì cấp đó phải có HĐND để giám sát.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng lập luận phường có diện tích nhỏ nên không tổ chức HĐND là không hợp lý, vì có nhiều thị trấn có diện tích nhỏ hơn phường rất nhiều nhưng vẫn tổ chức HĐND.
Trưởng ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Nương dẫn kết quả giám sát tại các tỉnh, thành phố thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường và 5 tỉnh không thí điểm. Kết quả giám sát cho thấy, nhiều tỉnh, thành phố thí điểm đề nghị vẫn giữ nguyên mô hình tổ chức chính quyền địa phương như trước đây. Chỉ có 3 tỉnh, thành phố là Đà Nẵng, Phú Yên và Kiên Giang đề nghị tổ chức theo mô hình thí điểm. Tuy nhiên, ngay trong nội bộ 3 tỉnh, thành phố này cũng có những ý kiến không đồng tình và muốn giữ nguyên mô hình cũ.
Hai phương án nêu trên đều đã được đưa ra xin ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIII vừa qua. Các đại biểu Quốc hội cũng chưa thống nhất được quan điểm nên theo mô hình đổi mới hay giữ nguyên mô hình tổ chức chính quyền địa phương như hiện nay.
CHIẾN THẮNG