QĐND Online – Chiều 1-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Cơ yếu. Trong buổi thảo luận, nhiều đại biểu thể hiện sự thống nhất cao đưa Ban cơ yếu Chính phủ về trực thuộc Bộ Quốc phòng

Theo Nghị quyết số 11/2007/QH12 ngày 21-11-2007 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XII (2007-2011) và năm 2008, dự án Luật Cơ yếu dự kiến trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình một kỳ họp. Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XII, đã có 116 đại biểu Quốc hội phát biểu tại tổ và 14 đại biểu phát biểu tại hội trường. Qua thảo luận, các ý kiến cơ bản nhát trí với sự cần thiết ban hành và những nội dung cơ bản của dự thảo Luật Cơ yếu. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật.

Quốc hội thảo luận ở hội trường. Ảnh: VPQH

Qua việc lấy ý kiến, cho thấy đa số ý kiến cho rằng Ban Cơ yếu Chính phủ trực thuộc Bộ Nội vụ là không hợp lý theo đó, đề nghị chuyển Ban Cơ yếu Chính phủ về trực thuộc Bộ Quốc phòng hoặc Bộ Công an. Một số ý kiến đề nghị Ban Cơ yếu Chính phủ nên là một cơ quan độc lập do Chính phủ trực tiếp quản lý. Ý kiến khác đề nghị thuộc Ban Bí thư Trung ương Đảng hoạc là một cơ quan trực thuộc Chủ tịch nước.

Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa khi trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Cơ yếu cho biết: Căn cứ vào Kết luận của Bộ Chính trị sau khi tổng kết Chỉ thị số 41-CT/TW và thông qua Đề án cơ cấu tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ khóa XIII, trên cơ sở đánh giá thực tiễn hoạt động của Ban Cơ yếu Chính phủ kể từ khi có Pháp lệnh Cơ yếu đến nay và Báo cáo đề nghị của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội thấy rằng: việc tiếp tục để Ban Cơ yếu Chính phủ trực thuộc Bộ Nội vụ là không hợp lý, không phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của ngành cơ yếu là một ngành cơ mật đặc biệt thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia. Tuy nhiên, chuyển Ban Cơ yếu Chính phủ sang trực thuộc Bộ Công an, Ban Bí thư Trung ương Đảng hoặc trực thuộc Chủ tịch nước… thì không thuận lợi trong việc quản lý nhà nước và chỉ đạo hoạt động cơ yếu bằng việc chuyển Ban Cơ yếu Chính phủ trực thuộc Bộ Quốc phòng. Ban Cơ yếu Chính phủ một thời gian dài, từ năm 1958 đến năm 1979 là cơ quan trực thuộc Trung ương Đảng, do Quân ủy Trung ương trực tiếp chỉ đạo; Bộ Quốc phòng có truyền thống và bề dày kinh nghiệm quản lý, sử dụng lực lượng cơ yếu và thực tiễn hiện nay số lượng người làm công tác cơ yếu trong hệ thống cơ yếu Quân đội nhân dân chiếm tỷ lệ cao (khoảng trên 45% ngành cơ yếu). Vì vậy, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhất trí với đề nghị của Chính phủ và đa số ý kiến đại biểu Quốc hội chuyển Ban Cơ yếu Chính phủ từ Bộ Nội vụ sang trực thuộc Bộ Quốc phòng, nhưng vẫn giữ ổn định tên gọi, cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Cơ yếu Chính phủ như hiện nay.

Tại buổi thảo luận ở hội trường chiều 1-11, đa số đại biểu đánh giá cao và đồng tình cơ bản với bản giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự án Luật Cơ yếu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Vấn đề Ban cơ yếu Chính phủ thuộc đơn vị nào quản lý được nhiều đại biểu góp ý. Đại biểu Trần Văn Lan (đoàn Tiền Giang) thống nhất quy định giao Bộ Quốc phòng giúp Nhà nước quản về cơ yếu. Đưa Ban cơ yếu Chính phủ trực thuộc Bộ Quốc phòng. Tuy nhiên, theo đại biểu Lan, cần bổ sung những quy định cụ thể về quy chế phối hợp giữa các bộ, ngành để hoạt động cơ yếu được tiến hành một cách tốt nhất. Đồng tính với đại biểu Lan, đại biểu Phùng Khắc Đăng (đoàn Sơn La) ủng hộ việc đưa Ban cơ yếu Chính phủ trực thuộc Bộ Quốc phòng.

Nhiều đại biểu bày tỏ sự đồng tình về nội dung này, nhưng để nghị xem xét lại tên gọi của Ban Cơ yếu Chính phủ. Đã là Ban cơ yếu Chính phủ lại trực thuộc Bộ Quốc phòng thì nghe chưa thật hợp lý. Đại biểu Nguyễn Văn Minh (đoàn Bắc Kạn) trực tiếp đề nghị đổi tên Ban Cơ yếu Chính phủ thành Ban Cơ yếu cho phù hợp.

Xuân Dũng