QĐND Online - Làm gì để nâng cao tính chuyên nghiệp của nền báo chí Việt Nam là một vấn đề lớn mà không chỉ báo chí mà cả xã hội quan tâm. Trước yêu cầu thiết yếu đó, sáng 18-6, tại Học viên Báo chí và Truyên truyền đã tổ chức hội thảo “Tính chuyên nghiệp của báo chí hiện đại – Những vấn đề lý luận và thực tiễn”.

Toàn  cảnh Hội thảo “Tính chuyên nghiệp của báo chí hiện đại Việt Nam – Những vấn đề lý luận và thực tiễn”.

 

Chuyên nghiệp - một đòi hỏi bức thiết

Mặc dù nền báo chí ở mỗi quốc gia có những quan niệm, tiêu chí khác nhau về tính chuyên nghiệp của báo chí và tính chuyên nghiệp của phóng viên báo chí, nhưng có thể nói rằng hầu hết các nhà báo đều hướng ngòi bút của mình vào những cuộc đấu tranh cho tự do, dân chủ, hạnh phúc và bình đẳng của con người.

Một quan niệm về tính chuyên nghiệp của người làm báo hiện đại ở Việt Nam, chắc chắn phải là một quan niệm phù hợp với đặc điểm phát triển của xã hội Việt Nam hiện đại. Hiện nay, Việt Nam đang trong giai đoạn tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tính chuyên nghiệp ngày càng là một đòi hỏi thiết thực hơn trong tất cả các ngành nghề, đặc biệt là báo chí.

Cũng như bất cứ lĩnh vực hoạt động nào khác, hoạt động báo chí trước hết phải phù hợp với môi trường, hoàn cảnh. Nhà báo phải gắn hoạt động của mình với đối tượng công chúng, bản thân mỗi nhà báo, hay cơ quan báo chí phải xác định được mục tiêu hướng tới và xác định rõ ràng đối tượng công chúng của mình.

Nhà báo chỉ có thể trở nên chuyên nghiệp khi họ làm việc đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao, với nhiều tác phẩm đa dạng phong phú, hấp dẫn, thích ứng với môi trường phát triển năng động và phức tạp hiện đại. Ngoài ra, mỗi tác phẩm được đánh giá cao là hoạt động chuyên nghiệp của nhà báo, khi mà hoạt động đó gắn liền với những tác dụng thực tế, đối với những nhóm người cụ thể giúp cho họ có được thông tin và nhận thức đúng đắn phù hợp với tâm lý, thị hiếu, tình cảm, nhận thức và khả năng lao động sáng tạo của nhà báo.

Trong điều kiện của Việt Nam hiện nay, tính chuyên nghiệp báo chí gắn liền với tác phong chuyên nghiệp và lối sống hiện đại.

Nhà báo lão thành Hữu Thọ “Nâng cao tính chuyên nghiệp gắn liền với đạo đức của người làm báo”

 

Thế nào là tính chuyên nghiệp cao?

Làm gì để nâng cao tính chuyên nghiệp của nền báo chí thực sự là câu hỏi lớn của các nhà làm báo và cả xã hội. TS Nguyễn Thị Trường Giang – Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: “Để nâng cao tính chuyên nghiệp của nền báo chí cần sự phối hợp đồng bộ giữa các khâu, các bộ phận một cách linh hoạt. Vấn đề đầu tiên vẫn là con người. Nâng cao tính chuyên nghiệp của nền báo chí trước hết là nâng cao tính chuyên nghiệp của nhà báo”.

Tính chuyên nghiệp của nhà báo thể hiện ở những phẩm chất chính trị - xã hội, đạo đức nghề nghiệp, ở phương pháp, cách thức hành nghề một cách khoa học, hiệu quả; ở sự hiểu biết sâu sắc với các mối quan hệ, cơ chế vận hành trong lĩnh vực báo chí; ở sự tinh thông, thuần thục các kĩ năng nghề nghiệp; ở khả năng sử dụng và thích nghi các loại hình phương tiện kĩ thuật hiện đại phục vụ cho hoạt động nghề nghiệp”, GS,TS Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết thêm.

Phát biểu tham luận trong hội thảo, nhà báo Hữu Thọ, nguyên Trưởng ban Tư tưởng văn hóa Trung ương cho rằng, có bốn vấn đề cơ bản để hình thành tính chuyên nghiệp trong báo chí Việt Nam.

Thứ nhất, người làm báo chuyên nghiệp Việt Nam không chỉ là người làm nghề báo thông thường mà trước hết cần coi trọng, nêu cao tính trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân. Rèn luyện tính chuyên nghiệp của người làm báo, trước hết là rèn luyện tinh thần vì Tổ Quốc vì nhân dân.

Thứ hai, báo chí là một nghề luôn luôn đòi hỏi tính khẩn trương, nhiều lúc phải vượt qua khó khăn, thậm chí nguy hiểm và những cám dỗ, do đó chỉ có lòng say mê nghề nghiệp chân chính và tinh thần trách nhiệm xã hội cao mới có thể vươn lên thành nhà báo chuyên nghiệp.

Thứ ba, người làm báo phải không ngừng học tập chính trị, văn hóa, ngoại ngữ, thường xuyên cập nhật kiến thức, tiếp cận và sử dụng thành thạo các kĩ thuật của nghề nghiệp và quan trọng là đắm mình trong thực tiễn.

Thứ tư, trung thực, kỷ cương, khiêm tốn là những đức tính cần có và phải có của nhà báo chuyên nghiệp.

Làm báo phải công tâm. Các bạn trẻ làm báo hiện nay rất năng động và xông xáo, tuy nhiên các bạn cần phải giữ vững lập trường quan điểm chính trị, tránh làm báo thương mại hóa” – Nhà báo Hữu Thọ chia sẻ

Trong khuôn khổ hội thảo, các tham luận cũng đã đề cập tính chuyên nghiệp trong từng loại hình báo chí như: phát thanh, truyền hình, báo ảnh…

Nhà báo không thể hành nghề theo lối thủ công, không thể giống như người nghệ sĩ sáng tạo tùy hứng. Đào tạo tính chuyên nghiệp báo chí đồng bộ sẽ mở ra cánh cửa phát triển bền vững cho báo chí hiện đại Việt Nam”, nhà báo Phan Quang, Nguyên Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam khẳng định.

Bài, ảnh: Thu Thủy – Thúy Hằng