 |
Mộ Nam Cao |
Nhà văn Nam Cao tên thật là Trần Hữu Tri, sinh năm 1915 tại làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Sang, nay là xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Ông đã cho ra đời một nhân vật Chí Phèo rất nổi tiếng và làm cho thế hệ sau phải truy tìm cái làng Vũ Đại hư cấu nào đó, có Bá Kiến, Lão Hạc, Thị Nở... Tác phẩm của ông viết nhiều về thời trước chiến tranh với những hủ tục của làng quê, mà con người chỉ còn biết bám lấy những danh vị hão huyền. Ông hy sinh trong những năm kháng chiến chống Pháp, thuộc thế hệ nhà văn tiền chiến.
Nhiều người đã không lưỡng lự khi trả lời người hỏi rằng, Nam Cao là nhà văn bậc thầy của đất nước. Không ít những nhà văn lớn của nước ta hiện nay còn thờ ảnh Nam Cao, trang trọng để ảnh cụ ngang với các đại văn hào thế giới. Nhiều em thiếu nhi ở Lý Nhân có thể kể vanh vách các truyện ngắn của nhà văn. Vì thế, khi thi kể chuyện, bao giờ các em cũng giành giải nhất.
Nhà văn Nam Cao được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học. Đây là phần thưởng xứng đáng đối với một người có công đóng góp cho nền văn học nước nhà. Cũng trong thời gian này, chương trình “Tìm lại Nam Cao” do Câu lạc bộ UNESCO Việt Nam tổ chức cùng với một số cơ quan khác. Sau gần nửa thế kỷ nằm dưới nấm mồ vô danh, cuối cùng, Nam Cao cũng được tìm về, yên nghỉ tại quê hương, trong vườn nhà Lão Hạc.
Người dân làng Đại Hoàng vẫn kể lại câu chuyện về các nhân vật nguyên mẫu và ngôi làng Vũ Đại như một sự huyền bí. Dường như có định mệnh gì đó tạo ra sự giao thoa giữa sáng tác hư cấu và chuyện thật ngoài đời. Cụ Trần Hữu Đạt, em trai ruột nhà văn Nam Cao cho rằng, tất cả những nhân vật trong sáng tác của ông đều lấy từ những nguyên mẫu ngoài đời. Cụ Đạt nhớ ngày còn nhỏ, ở đây có một người tên là Chí Phèo, có tính cách giống y hệt tính cách của nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm. Một số người khác thì cho rằng, nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm là sự kết hợp của nhiều tính cách ngoài đời. Còn nguyên mẫu nhân vật Lão Hạc là trùm Ruyên, một người công giáo mộ đạo. Thật oái oăm, sau hơn nửa thế kỷ viết truyện ngắn Lão Hạc thì giờ đây, chính Nam Cao lại nằm yên dưới mồ, trong ngôi vườn của nhà trùm Ruyên-Lão Hạc. Và cả ngôi nhà tưởng niệm được xây dựng kiên cố nữa. Tất cả, yên bình trong ngôi vườn xanh chuối ngự-giống chuối quý nổi tiếng dùng để tiến vua ngày xưa. Mộ Nam Cao được xây dựng với số tiền hơn 70 triệu đồng, trong đó Nhà nước cấp 27 triệu, còn nhà tưởng niệm được xây với kinh phí 500 triệu đồng theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm khi về thắp hương mộ nhà văn.
Làng Đại Hoàng giờ có đường nhựa, xanh xanh những hàng cây. Khu “lò gạch cũ” ngày xưa giờ là xóm làng dân cư với nhiều ngôi nhà khang trang. Trong tiếng thoi đưa lách cách của khung dệt, âm điệu rất đặc trưng của làng Đại Hoàng, xã Hòa Hậu đã có 7 công ty và khoảng 35 tổ hợp về dệt may và khai thác vật liệu xây dựng. Hàng ngày, những người yêu văn, yêu quý Nam Cao, những học giả từ khắp mọi miền đất nước vẫn về đây, thăm mộ, kính cẩn thắp nén nhang trước hương hồn người đã khuất-nhà văn liệt sĩ!
Nguyễn Văn Hoan