QĐND - Đã 4 thập kỷ trôi qua, song mỗi lần gặp mặt truyền thống, các cựu chiến binh (CCB) Lữ đoàn Tăng-Thiết giáp 574 (Quân khu 5) lại rưng rưng nhớ về những kỷ niệm của một thời bom rơi, đạn nổ; tự hào về những trận đánh oai hùng, những chiến công không thể phai mờ theo thời gian.

Dùng xe ta “húc” xe địch

Hầu như năm nào, CCB Bùi Tiến Hợp, đang sống ở Hà Nội, hiện là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TNHH trang trí nội thất Bùi Gia, cũng dành thời gian về thăm đơn vị cũ và trở lại chiến trường xưa. Trong chiến dịch giải phóng Tam Kỳ (Quảng Nam) ngày 24-3-1975, Bùi Tiến Hợp lái chiếc xe thiết giáp 056 do Trung đội trưởng Nguyễn Quốc Vinh chỉ huy, đồng chí Đào Văn Minh là pháo thủ. Trên đường tiến công truy đuổi xe thiết giáp của địch đến ngã ba Nam Ngãi (thị xã Tam Kỳ), hỏa lực địch bắn mạnh, pháo thủ Đào Văn Minh hy sinh. Vì vậy, xe 056 không còn hỏa lực để tiêu diệt sinh lực địch. Trước tình huống ấy, Bùi Tiến Hợp đã lái xe húc thẳng vào xe M113 của địch.

Lãnh đạo Quân khu 5 và các CCB Lữ đoàn Tăng-Thiết giáp 574 dự lễ kỷ niệm ngày truyền thống đơn vị.

Bị chấn động mạnh, bọn địch trong xe M113 hoảng hốt ra hàng. Xe 056 tiếp tục hất tiếp một xe GMC xuống ven đường và đè bẹp hai xe Jeep của địch. Khí thế tiến công của xe 056 làm cho tinh thần binh lính địch hoang mang, đội hình thiết giáp địch rối loạn tháo chạy. Thừa thắng, các lực lượng tiến công của ta lần lượt đánh chiếm các mục tiêu của địch. Lập thành tích trong trận này, lái xe Bùi Tiến Hợp được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhất. Ngày 30-10-2013, đồng chí Bùi Tiến Hợp được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

“Rồng lửa”

CCB Dương Văn Soạn, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 2 (Tiểu đoàn 1) kể: “Trong trận đột kích tiến công Trường Võ bị Thủ Đức (ngụy) ngày 30-4-1975, xe tăng 707 (do Trung sĩ Trần Quang Nhàn làm trưởng xe; Trung sĩ Nguyễn Văn Hữu, pháo thủ 1; Hạ sĩ Ngô Văn Nghị, pháo thủ 2; Hạ sĩ Nguyễn Văn Hòa, lái xe và đồng chí Trần Trọng Đông, y tá) được lệnh rời khỏi đội hình phối hợp với đơn vị đặc công đánh vòng từ phía sau, hình thành mũi vu hồi, tạo điều kiện cho bộ binh các mũi xung phong đánh chiếm mục tiêu. Bọn địch ngoan cố chống cự, xe tăng 707 bị đứt xích bên trái song vẫn hành tiến hơn 20m. Chiến sĩ trên xe sử dụng tất cả hỏa lực sẵn có kiềm chế, tiêu diệt các mục tiêu, các ổ đề kháng của địch. Phát hiện xe tăng của ta đã chọc thủng trận địa, bọn địch hoảng loạn, nháo nhác. Địch tại một số hỏa điểm đã bỏ chạy. Khi đến cổng chính Trường Võ bị Thủ Đức, xe tăng 707 bị trúng đạn chống tăng của địch, bốc cháy. Tưởng rằng anh em ta đã hy sinh, quân địch liền tổ chức xung phong. Bất ngờ, một chiến sĩ từ trong khói lửa mù mịt của xe tăng bất thần xông lên nổ súng vào đội hình địch tiêu diệt hàng chục tên, trong đó có một tên trung tá ngụy. Kíp xe tăng 707 đã anh dũng hy sinh song tinh thần chiến đấu ngoan cường của các anh khắc ghi vào trang sử vẻ vang của Binh chủng Tăng-Thiết giáp anh hùng. Tập thể xe tăng 707 được Nhà nước truy tặng Huân chương Quân công hạng ba. Sự kiện này đã được Báo Quân đội nhân dân phản ánh trong bài “Rồng lửa” đăng ngày 7-10-1976. Bài báo được CCB Lê Thanh Bền cất giữ trân trọng suốt gần 4 thập kỷ qua. Còn chiếc nắp kính hồng ngoại của xe tăng 707 được pháo thủ Nguyễn Thanh Vân (một chiến sĩ của Tiểu đoàn 1) tìm thấy khi an táng các liệt sĩ. Anh đặt báu vật này dưới bình hương tưởng nhớ đồng đội và mới đây đã gửi tặng Phòng truyền thống Lữ đoàn 574.

Vẹn tình đồng đội

Trong chiến đấu, nhiều quân nhân Lữ đoàn Tăng-Thiết giáp 574 đã anh dũng hy sinh, nằm lại trên khắp mọi miền Tổ quốc. Sau ngày đất nước thống nhất, đau đáu trước nỗi đau của thân nhân liệt sĩ, các CCB đơn vị đã tổ chức nhiều chuyến đi tìm hài cốt đồng đội. Năm 2012, sau rất nhiều hành trình gian nan, CCB Bùi Tiến Hợp đã tìm kiếm và đưa hài cốt pháo thủ Đào Văn Minh về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Liên Châu (Yên Lạc, Vĩnh Phúc). Còn CCB Nguyễn Tuấn Anh (hiện đang sống tại phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng), nguyên y tá Đại đội 17, Tiểu đoàn 177b Lữ đoàn Tăng-Thiết giáp 574 đã kiên trì phối hợp với các lực lượng tổ chức tìm kiếm, cất bốc, đưa hài cốt Trung đội phó Trần Văn Hay về an táng tại nghĩa trang xã Kim Xá (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc)…

Những câu chuyện của một thời quá khứ hào hùng, những hiện vật quý, nghĩa tình sâu nặng  của những CCB… đã trở thành động lực mạnh mẽ thôi thúc các cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Tăng-Thiết giáp 574 hôm nay phất cao cờ truyền thống, viết tiếp trang sử vẻ vang của đơn vị anh hùng trong thời kỳ mới.

Bài và ảnh: ĐỖ THỊ NGỌC DIỆP