Ngày 26-10, nghị trường Quốc hội nóng lên với phần thảo luận của các đại biểu về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2007 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2008. Các vấn đề nổi cộm như chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, giá cả leo thang, cải cách tiền lương, đền bù giải phóng mặt bằng, quy hoạch phát triển và vấn đề bảo vệ quyền lợi người nông dân, được đa số các đại biểu quan tâm.

Nên chăng thêm “hệ số trượt giá” cho lương?

Về chỉ tiêu GDP cho năm 2008, theo hầu hết các đại biểu, mức 8,5 đến 9% như Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2007 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2008 của Chính phủ đề xuất là chưa phù hợp và còn thấp so với tiềm năng phát triển kinh tế của Việt Nam. Nhiều đại biểu đề nghị mức 9% hoặc hơn 9% là hoàn toàn khả thi. Đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) đề nghị ghi trong Nghị quyết của Quốc hội chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2008 là 9% nhằm thể hiện quyết tâm cao của các cấp, các ngành, doanh nghiệp cũng như sự chỉ đạo quyết liệt của chính phủ. Tâm lý lạc quan về triển vọng này là do kết quả của việc thu hút đầu tư đã và đang được phát huy tốt, thủ tục hành chính ngày càng thông thoáng nên huy động được các nguồn lực xã hội và doanh nghiệp nước ngoài vào lĩnh vực đầu tư, theo đại biểu Trần Hồng Việt (Hậu Giang) và Nguyễn Tấn Quyên (Cần Thơ).

Tuy nhiên, xung quanh chỉ tiêu phát triển kinh tế cao, đại biểu Trần Hồng Việt băn khoăn về chiều sâu thực chất của tăng trưởng và mức độ tương ứng với chỉ số giá tiêu dùng. Ông nói: “Chiều sâu thực chất của tăng trưởng tức là có bao nhiêu phần trăm dân số vượt ngưỡng thu nhập thấp. Tổng sản phẩm bình quân đầu người vượt ngưỡng thu nhập thấp song thu nhập thực tế của đa số người dân vẫn còn rất khiêm tốn”. Theo ông, quan điểm của Quốc hội khóa XI là đặt chỉ số giá tiêu dùng phải thấp hơn GDP, song đến lúc này cần phải xem xét lại có khả thi hay không. GDP 9% mà chỉ số giá tiêu dùng 8,5% thì đối với nông dân và công nhân nghèo sẽ không được lợi là mấy. Ông đề nghị: “Chỉ số GDP 9% thì chỉ số giá tiêu dùng nên từ 5,5 đến 6% là vừa sức chịu đựng của người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp như nông dân và công nhân”.

Đại biểu Đặng Ngọc Tùng (TP Hồ Chí Minh) đặt câu hỏi, tăng trưởng kinh tế, song sự hưởng thụ thành quả đã công bằng và chất lượng cuộc sống người dân đã được nâng lên tương xứng chưa? Ông dẫn chứng trong bối cảnh tình trạng vật giá leo cao như hiện nay, ví dụ mỗi năm mức trượt giá tính bình quân là 7 đến 8% thì lương của người lao động nếu không tăng tương ứng thì như vậy thực chất lương của người lao động cũng giảm mức tương đương. Đại biểu đề nghị: “Nên chăng trong lương của người lao động nên có hệ số trượt giá. Năm nay giá tiêu dùng trượt 8% thì sang năm lương của người lao động cũng tăng theo hệ số đó mới bảo đảm sự ổn định lâu dài và không tạo bức xúc cho người lao động”.

Đại biểu Trần Hồng Việt đề nghị Chính phủ xem xét lại chính sách tiền lương vì hiện nay mặc dù chính phủ đã quy định thang lương trả cho công nhân ở các khu công nghiệp, song họ vẫn không đủ sống gây dư luận bức xúc gần đây. Công nhân ra nước ngoài lao động cùng bậc thợ, cùng công việc, cùng thời gian và cường độ lao động, song làm việc cho các doanh nghiệp ở các nước ngoài lương cao gấp mấy lần so với làm việc cho doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam. Đại biểu Trần Hồng Việt thẳng thắn đặt giả thiết, phải chăng chúng ta đang lấy giá nhân công rẻ để cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài?

Bức xúc quy hoạch, đền bù thu hồi đất

Đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Tây) nêu thực trạng quản lý và sử dụng tài nguyên đất còn nhiều bất cập, điển hình là công tác quy hoạch. Một số địa phương triển khai quy hoạch chậm, để xảy ra tình trạng phối kết hợp không tốt giữa các địa phương nằm trong vùng ảnh hưởng. Địa phương nọ phải chờ địa phương kia. Quy hoạch của tỉnh, ngành trực thuộc Trung ương chờ quy hoạch vùng. Quy hoạch ngành chờ quy hoạch kinh tế xã hội. Cá biệt có trường hợp quy hoạch trung ương và địa phương không thống nhất. Đại biểu Chu Sơn Hà lấy dẫn chứng về dự án xây dựng khu công nghiệp An Khánh ở Hà Tây gây thất thoát và lãng phí lớn. Đồng tình, đại biểu Chu Văn Đạt (Nam Định) bức xúc: “Trong quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, tính quy hoạch phát triển theo vùng chưa cao. Vẫn kiểu mạnh ai nấy làm mà chưa chú trọng đến tính gắn kết, tương tác giữa các vùng”. Đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội) đề nghị chính phủ cần đẩy nhanh tiến độ quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành, kinh tế-xã hội, quy hoạch sử dụng đất ở các tỉnh và thành phố trong thời gian 20 năm, 50 năm và lâu hơn nữa.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Mong tăng trưởng cao và lạm phát thấp

Trả lời câu hỏi của phóng viên bên lề cuộc họp Quốc hội ngày 26-10 về mối lo ngại tốc độ tăng trưởng cao sẽ kéo theo lạm phát và phân hóa giàu nghèo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Thủ tướng cũng mong muốn kinh tế tăng trưởng cao, song lạm phát sẽ được kiềm chế ở mức ít. Thủ tướng nói: “Điều này cũng có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Ví dụ trong báo cáo chính phủ cũng nghiêm túc chỉ rõ cái gì do khách quan, cái gì do chủ quan. Khách quan như báo cáo của chính phủ nêu: chúng ta là nền kinh tế thị trường gắn với kinh tế thế giới, đã là nền kinh tế thì giá cả phải theo thị trường. Có rất nhiều yếu tố để cấu thành giá cả: giá nguyên liệu, vật tư, tỷ giá các đồng ngoại tệ của thế giới cũng tác động vào giá cả của nước ta. Giá cả phụ thuộc vào năng suất lao động, chi phí sản xuất, phụ thuộc trình độ của nền kinh tế. Về chủ quan, có cái chúng ta cũng chưa lường hết được để chúng ta điều hành. Thí dụ, trong vòng một năm, dự trữ ngoại tệ của mình từ 12 tuần lên 20 tuần. Điều này cũng có hai mặt là do đầu tư nước ngoài trực tiếp, gián tiếp vào chúng ta mạnh, nhiều. Nhưng đầu tư vào thì người ta phải chuyển tiền đô-la vào làm vốn, chúng ta không thể định hình nền kinh tế của mình là đô-la hóa. Chúng ta phải lấy tiền đồng để đổi cho họ lấy đô-la. Như vậy chúng ta không để đô-la hóa”.

Nhiều đại biểu đã nêu những vướng mắc và yếu kém trong quyết định thu hồi đất và tái định cư đền bù làm chậm trễ mất cơ hội của nhà đầu tư và khiếu kiện kéo dài. Đại biểu Chu Văn Đạt nói: “Nhất trí là thiếu sót, sai lầm từ cơ sở có rất nhiều. Song sẽ là phiến diện khi chỉ nhìn thấy thiếu sót từ cơ sở mà chưa thấy sự lúng túng, vướng mắc trong cơ chế, chính sách”. Ví dụ vẫn nói, đất đai là tài sản quốc gia, song khi được cấp giấy quyền sử dụng đất thì người dân đều hiểu đó là quyền sở hữu đất, nên thu hồi cực kỳ khó khăn.

Tính thiếu thống nhất trong quy định về giá đền bù đất thu hồi cũng gây bức xúc trong dư luận. Đại biểu Chu Văn Đạt cho biết, quy định áp dụng một giá song lại có nhiều thay đổi. “Lúc thì thay đổi hàng năm theo quy định của Hội đồng nhân dân, có lúc lại theo giá thị trường”. Đại biểu Nguyễn Bá Thanh (Đà Nẵng) cho biết, 80% số người khiếu kiện, tố cáo là liên quan đến giải tỏa, đền bù đất đai. Ông nêu một trong những nguyên nhân là do chưa bảo đảm tính thống nhất trong quá trình thi hành Luật Đất đai. Ông cho biết, Điều 5, 38, 41 của Luật Đất đai quy định Nhà nước mới có quyền thu hồi đất và định giá đối với đất bị thu hồi. Tuy nhiên, điều 42 Nghị định 197 tháng 12-2004 cho phép chủ đầu tư có quyền thỏa thuận với dân. Việc này gây phản ứng quyết liệt nên sau đó, chính phủ ra Nghị định 84 ngày 25-5-2007. Trong đó mặc dù đã bãi bỏ điều 42 của Nghị định 197, song tại điều 40 vẫn cho phép chủ đầu tư thỏa thuận với dân về giá đất thu hồi song phải được sự đồng ý của UBND tỉnh. “Tôi cho đây là "nửa vời”, đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Bá Thanh và Phạm Minh Toản (Quảng Ngãi) đề nghị Chính phủ nên tổng kết việc thi hành Luật Đất đai.

Đánh giá Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2007, trong đó tổng kết cả những thành tựu và những tồn tại, đại biểu Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình), nói: “Trong đó đã bắt đầu đi vào những tồn tại kéo dài nhiều năm". Tư tưởng không có “vùng cấm” đã bắt đầu xuất hiện trong việc xử lý các vấn đề bức xúc.

MỸ HẠNH