Đa số nhà thiếu nhi quận huyện nghèo nàn cả cơ sở vật chất lẫn nội dung hoạt động.

Cả năm lo chuyện học cho trẻ, nào chất lượng giáo dục giảm, nào giá sách giáo khoa, học phí tăng. Hè về, các bậc phụ huynh ở thành phố lại đau đầu chuyện lo chơi cho trẻ.

Đô thị hoá ồ ạt, trẻ ngày càng bị tách khỏi môi trường tự nhiên. Liệu các bậc phụ huynh có thể "chọn mặt gửi vàng" tại các cung thiếu nhi, nhà văn hoá khi muốn tìm cho con trẻ một nơi "học mà chơi" phù hợp với lứa tuổi ham tìm tòi, khám phá của các em?

Quá tải

Hầu như năm nào cũng vậy, đặc biệt là vào dịp hè, Cung Thiếu nhi Hà nội đều ở trong tình trạng quá tải. Con số học sinh đến sinh hoạt tại đây đều gấp đôi, thậm chí gấp 3, gấp 4 so với kế hoạch. Bởi thế, ngoài việc sĩ số mỗi lớp phải tăng lên, cung còn phải tăng thời gian lên 5-6 ca mỗi ngày. Cùng với sự quá tải của học sinh, lượng giáo viên không thể đáp ứng được hết, cung phải "trông chờ" vào khoảng 300 cộng tác viên của các trường nghệ thuật, thể dục thể thao.

Một phụ huynh cho biết, vì là kỳ nghỉ hè, để con ở nhà không có người trông nom nên chỉ còn cách cho đi sinh hoạt hè. "May mắn thì phát triển được tài năng, nhiều thì học được môn năng khiếu nào đó, không học được cũng chẳng mất gì, còn hơn ở nhà lại chơi điện tử, chat, Internet" - chị nói.

Đó cũng là tâm lý phần lớn phụ huynh khi gửi các em đến đây, có gia đình còn cho con theo học 3-4 lớp cho... hết ngày. Bởi thế, có em vừa phải học tiếng Anh, vừa học vẽ, vừa học đàn ghita trong cùng một ngày. Điều này vừa gây quá tải cho Cung Thiếu nhi, vừa không tạo được cho các em niềm say mê, hứng thú.

Và nhàm chán

Ghi nhận tại một số nhà văn hoá thiếu nhi tại TP Hồ Chí Minh hiện nay cho thấy hầu hết đang rơi vào tình trạng "già cỗi" với những hoạt động rất "thiếu sinh khí". Nhà thiếu nhi Quận 5, với diện tích cả ngàn mét vuông, vị trí nằm ngay góc ngã tư với hai mặt tiền của một khu dân cư sầm uất,thế nhưng vào dịp hè thì các chương trình hoạt động cũng được giới thiệu rất nghèo nàn, chỉ xoay quanh vài lớp học năng khiếu như hội hoạ, hoặc võ (thể dục)..., còn những trò chơi giải trí dành cho thiếu nhi cũng chỉ quanh quẩn là cầu tuột, nhà banh... Chính vì thế, dù các chương trình dạy đã được giới thiệu từ dịp Quốc tế Thiếu nhi (1.6), nhưng số lượng phụ huynh đăng ký cho con em theo học cũng rất "lèo tèo".

Hay tại nhà thiếu nhi Quận 1, với một vị trí nằm ngay trung tâm thành phố thì cơ sở vật chất lại phải "chia năm sẻ bảy", ngoài việc có dành chỗ cho thiếu nhi sinh hoạt, thì nhà thiếu nhi còn cho thuê mướn mặt bằng (theo lời lý giải của ban lãnh đạo, việc cho cũng đã giúp tăng thêm kinh phí cho hoạt động của nhà văn hoá).

Còn về nội dung hoạt động, mỗi tháng nhà văn hoá quận cũng chỉ có kế hoạch tổ chức cho các cháu vui chơi một lần. Và chương trình cũng vẫn là những trò chơi khá cũ kỹ, được lặp đi lặp lại từ nhiều năm qua, rất thiếu hấp dẫn.

Khi nhận xét về hoạt động chung của các nhà thiếu nhi hiện nay, bà Trần Thị Định - Phó Giám đốc Nhà Thiếu nhi TP Hồ Chí Minh - cho rằng: "Cơ sở vật chất của nhà văn hoá cấp quận/huyện hầu hết rất nghèo nàn, nên phục vui chơi giải trí của trẻ em kém hiệu quả".

Điều này cũng được không ít phụ huynh đã dẫn con em đến Nhà văn hoá thiếu nhi TP Hồ Chí Minh phản ánh. "Tôi dắt con đi chơi ở đây cả 3-4 năm qua nhưng chẳng thấy gì thay đổi, hầu như mọi cái vẫn chưa được đầu tư mới.Ở một nhà văn hoá cấp thành phố còn như thế, trách chi nhà thiếu nhi cấp quận, huyện" - chị Ngọc Phượng (ngụ trên đường Ngô Thời Nhiệm, gần Nhà văn hoá Thiếu nhi TP Hồ Chí Minh) cho biết.

Trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, gần như 100% quận huyện đều có nhà thiếu nhi, còn ở HN, quận huyện nào cũng có nhà văn hoá hoặc trung tâm văn hoá, nơi để người dân, trong đó có trẻ nhỏ đến vui chơi và sinh hoạt.

Và vào mỗi dịp hè, hầu như nhà thiếu nhi nào cũng "khởi động" để đưa ra những chương trình hoạt động cho trẻ rất "hoành tráng". Song, có thể thấy hầu như tất cả những chương trình này đều rơi vào tình trạng "bổn cũ soạn lại", bởi hầu như nhà văn hoá thiếu nhi nào cũng chỉ dừng ở mức mở các lớp năng khiếu, triển khai những chương trình hoạt động đội nhóm theo kiểu "phong trào".

Hàng chục năm nay, hầu như cách giảng dạy tại các nhà văn hoá thiếu nhi không có gì thay đổi. Vẫn là một thầy dạy hàng chục trò theo những bài giảng đã có sẵn. Từ những động tác múa cơ bản đến những bài tập phức tạp, từ cách lấy hơi, nhả chữ đến việc hoàn thiện một ca khúc, các em đều phải răm rắp học theo đúng những lời giáo viên hướng dẫn, nếu làm sai sẽ bị phê bình, thậm chí mắng trước lớp.

Đã có những cô bé 5-6 tuổi, không thực hiện được chuẩn xác những động tác của môn múa balê cổ điển, bị thầy giáo phê bình, bắt biểu diễn những động tác sai trước cả lớp đã khiến em tự ti, xấu hổ, từ đó dẫn đến tâm trạng đối phó, thậm chí bỏ học.

Như thế, một cách vô tình, chính những nơi phụ huynh hy vọng con mình sẽ phát huy năng khiếu lại là nơi làm thui chột đi niềm đam mê, yêu thích khám phá của trẻ.

Trong cố gắng nỗ lực giúp trẻ sáng tạo, đáp ứng nhu cầu của phụ huynh, Cung Thiếu nhi Hà Nội cũng như một số nhà văn hoá đã mở một số lớp như MC (dẫn chương trình), trình diễn thời trang... để giúp trẻ tự tin, mạnh dạn biết thể hiện khả năng trước đám đông.

Bà Nguyễn Ngọc Oanh - Phó giám đốc Nhà văn hoá Thanh thiếu niên quận Đống Đa (Hà Nội) - cho biết: "Đây là mô hình mới, rất được phụ huynh quan tâm. Đến với các lớp này, trẻ được học về hình thể, cách tạo dáng đẹp, được học cách biểu diễn trước công chúng, khả năng viết lời dẫn chương trình... Tất cả đều nhằm giúp trẻ tự tin, năng động và sáng tạo".

Minh họa của Choai.

Cơ hội cho tư nhân vào cuộc

Ngược lại với sự hoạt động kém hiệu quả của các nhà văn hoá thiếu nhi, hiện nay có khá nhiều doanh nghiệp tư nhân đã "nhảy" vào lĩnh vực chăm lo hoạt động vui chơi cho trẻ em.

Không có những lợi thế về quy mô mặt bằng... nhưng các doanh nghiệp này đã đánh đúng vào tâm lý của đông đảo phụ huynh, đó là những chương trình hè phải phục vụ được nhu cầu vui chơi, giải trí mà còn phải góp phần phát triển kỹ năng, tư duy và nhân cách của trẻ.

Có thể lấy khu vui chơi Funy Land (Quận 3, TP Hồ Chí Minh) là một ví dụ điển hình. Đây là khu vui chơi "mini" có hẳn bốn tầng dành riêng phục vụ các "khách hàng" nhí. Tại đây, phụ huynh chỉ cần mua một vé 20.000 đồng là con em mình sẽ được vui chơi thoả thích với những đồ chơi mang tính giáo dục, kích thích sự tư duy, sáng tạo của trẻ như chơi xếp hình. Hoặc trong khu vực ngôi nhà đồ chơi, các bé có thể hoá trang và chơi các trò chơi mô phỏng theo những nhân vật cổ tích vốn dĩ rất gần gũi với độ tuổi của các em.

Hay tại trường quốc tế Việt - Úc, những chương trình hè không chỉ thu hút sự tham gia của học sinh mà còn khiến phụ huynh cũng rất hài lòng mặc dù chi phí không phải là nhỏ (trung bình khoá học hè của một học sinh lớp 1 vào khoảng 12 triệu đồng). Bởi theo lời giới thiệu của nhà trường với phụ huynh thì trong suốt khoá hè, thông qua các trò chơi giải trí, học sinh sẽ được trải nghiệm những thử thách từ đó giúp các em không chỉ tăng cường thể lực mà còn xây dựng được tinh thần đồng đội, lòng can đảm.

Nhìn chung, với chương trình thiết kế rất linh hoạt, đan xen giữa những hoạt động ngoài trời với các tiết học sinh động, các khoá học hè của khối "doanh nghiệp tư nhân" giúp trẻ có cơ hội phát triển kỹ năng sống, tinh thần chia sẻ, ý thức cộng đồng qua các hoạt động xã hội...

Theo Lao động (Thể Uyên - Đức Hạnh)