Từ “mùa xuân đầu tiên” đến quan hệ đối tác chiến lược tương lai
Đến thăm vườn hoa Keukenhof lớn nhất thế giới rộng 32ha chiều 28-3 trước lúc kết thúc chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội không chỉ xúc động, ấn tượng bởi vẻ đẹp rực rỡ của 7 triệu hoa tulip mà còn xúc động với những dấu ấn mới trong quan hệ hai nước.
Mối quan hệ ấy được ghi dấu ấn trong một “mùa xuân đầu tiên” cách đây 45 năm. Cách đây vài ngày, Chủ tịch Quốc hội đã dự buổi lễ kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước (9-4-1973/9-4-2018) tại khách sạn Hilton ở Thủ đô La Hay – một buổi lễ ấm cúng có cả đại diện sứ quán nhiều quốc gia bạn bè hai nước tới dự. Trong buổi lễ ấy, cả Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và đại diện Hà Lan đều nhắc đến hình ảnh cách đây hơn 400 năm, những đội thương thuyền của Hà Lan cập cảng Hội An giao thương. Ngay từ lúc Việt Nam còn bộn bề khói lửa chiến tranh, Hà Lan đã trở thành một trong những nước Châu Âu đầu tiên không nằm trong phe XHCN thiết lập quan hệ ngoại giao. Sau đó, Hà Lan tiếp tục là một trong những nước phương Tây đầu tiên cung cấp viện trợ phát triển cho Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh từ năm 1976. Năm 2018 được coi là “năm Việt Nam – Hà Lan”.
Buổi tối hôm đó, nói chuyện với cán bộ, nhân viên đại sứ quán và kiều bào ở Hà Lan, Chủ tịch Quốc hội đã xúc động nhắc lại sự kiện này và nói: “Bạn bè đến với nhau từ sớm, lúc khó khăn là rất quý”.
Sự trân trọng ấy tiếp tục được Chủ tịch Quốc hội nhắc tới trong những lần hội kiến Hoàng hậu Hà Lan Maxima và hai bà Chủ tịch Hạ viện, Thượng viện Hà Lan, coi đây là mối “quan hệ tiêu biểu và hiệu quả” giữa Việt Nam và một quốc gia Châu Âu. Các nhà lãnh đạo Hà Lan đều bày tỏ sự xúc động, nồng nhiệt chào đón Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, một trong những nhà lãnh đạo cao nhất của nước ta đến thăm Hà Lan mấy năm gần đây. Sau các chuyến thăm Hà Lan của Thủ tướng Phan Văn Khải (2001), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (2011 và 2014), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (2017) và các chuyến thăm Việt Nam của các nhà lãnh đạo Hà Lan như Thủ tướng Wim Kok (1995), Thái tử Willem Alexander (2005 và 2011), Thủ tướng Mark Rutte (2014)...; quan hệ hai nước đã ngày càng phát triển, mở thêm những chương mới. Ứng phó với biến đổi khí hậu và quản lý nước, nông nghiệp, dầu khí, kinh tế biển và dịch vụ hậu cần là 5 lĩnh vực hợp tác ưu tiên đầu tiên được xác định trong chuyến thăm Việt Nam của Thái tử Willem Alexander và Công nương Maxima (nay là Hoàng hậu) vào năm 2011. Từ năm 2010, hai nước đã thỏa thuận đối tác chiến lược về thích ứng với Biến đổi khí hậu và Quản lý nước.
 |
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội đàm Chủ tịch Thượng viện Vương quốc Hà Lan Ankie Broekers-Knol. Ảnh: TTXVN |
Từ đầu năm 2014, quan hệ Việt Nam- Hà Lan đã chuyển từ hợp tác phát triển sang đối tác thương mại. Đặc biệt, tại chuyến thăm Hà Lan vào tháng 7-2017 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hai bên đã thống nhất nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược trong thời gian tới.
Những năm gần đây, Hà Lan luôn là một trong những nhà đầu tư châu Âu lớn nhất tại Việt Nam, hiện xếp thứ 2 châu Âu và xếp thứ 11 trong số 126 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với 304 dự án ở 29 tỉnh, thành phố, có tổng số vốn lên tới 8,2 tỷ USD. Việt Nam cũng đã có 7 dự án đầu tư vào Hà Lan.
Trong chuyến thăm lần này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các nhà lãnh đạo Hà Lan đều khẳng định tin tưởng hai nước sẽ sớm hướng tới nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược.
Dấu ấn từ những nhà lãnh đạo nữ
Chủ tịch Quốc hội đã tiếp xúc với nhiều nhà lãnh đạo nữ tại Hà Lan như Hoàng hậu Maxima, Chủ tịch Hạ viện Hà Lan Khadija Arib, Chủ tịch Thượng viện Hà Lan Ankie Broekers-Knol.
Hoàng hậu Maxima vui mừng gặp lại Chủ tịch Quốc hội với những đánh giá và tình cảm tốt đẹp về đất nước và con người Việt Nam. Với góc độ là Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên Hợp quốc về tài chính, Hoàng hậu đã có nhiều chia sẻ, đánh giá cao những nỗ lực và kết quả mà Việt Nam đã đạt được trong việc xây dựng một chiến lược quốc gia về tăng trưởng bao trùm, nâng cao vị thế kinh tế của người dân Việt Nam và thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Khuyến nghị Chính phủ Việt Nam sớm thông qua Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện. Hoàng hậu còn cho biết, sẽ trao đổi với Ngân hàng Thế giới để có những chính sách hỗ trợ Việt Nam triển khai tài chính toàn diện...
Những phát biểu của Chủ tịch Thượng viện Hà Lan Ankie Broekers-Knol thật chân thành. Cũng như lần gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc năm ngoái, bà một lần nữa khen ngợi ấn tượng Việt Nam tổ chức rất thành công Đại hội đồng liên minh nghị viện thế giới IPU. Bà đánh giá Việt Nam là đất nước lạc quan và chính vì tinh thần quốc tế đó đã góp phần để Việt Nam phát triển tốt trong vài thập kỷ qua. Bà cũng nhắc đến Hà Lan được mệnh danh là "thủ đô pháp luật thế giới” (là nơi đặt trụ sở của năm toà án quốc tế - PV) nên ủng hộ tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế, không sử dụng bạo lực, tán thành với chủ trương của Việt Nam…
Chủ tịch Hạ viện Hà Lan Khadija Arib bày tỏ ấn tượng tốt đẹp với những kết quả phát triển kinh tế- xã hội của Việt Nam và mong muốn hai bên thúc đẩy hợp tác song phương trên các lĩnh vực chính trị, xã hội, kinh tế, thương mại, đầu tư; mong muốn trao đổi, hợp tác nhiều hơn giữa Hạ viện và Quốc hội Việt Nam. Bà nhất trí sẽ xem xét việc thành lập Nhóm nghị sĩ hữu nghị để tạo cơ chế trao đổi, hợp tác giữa các nghị sĩ của hai nước.
Có thể nói, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lần này còn rất thành công ở góc độ phát triển kênh ngoại giao nghị viện theo chủ trương của Đảng. Không chỉ giúp các đại biểu Quốc hội Việt Nam mở mang hiểu biết, kinh nghiệm hoạt động nghị viện quốc tế mà còn giúp bạn bè quốc tế hiểu hơn sự phát triển, dân chủ của Quốc hội Việt Nam. Chủ tịch Quốc hội và đoàn đã dự khán một phiên họp của Nghị viện Hà Lan với những ấn tượng thú vị. Còn tại phòng họp Thượng viện Hà Lan, hai vị Chủ tịch đã ngồi chung hàng ghế tâm sự cởi mở. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân vui vẻ nói:
- Thưa bà Chủ tịch Thượng viện, ở Quốc hội chúng tôi, những đại biểu Quốc hội có khuyết điểm như mệt mỏi hay…ngủ gật trong phiên họp sẽ bị ống kính của các nhà báo giám sát ngay…
Bà Chủ tịch Thượng viện tỏ ra ngạc nhiên, đánh giá cao tinh thần dân chủ đó.
Kết nối hai miền châu thổ
Một trong những sự quan tâm đặc biệt của Chủ tịch Quốc hội trong chuyến đi này là phải làm sao tăng cường sự hợp tác, giúp đỡ của Hà Lan đối với Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển nông nghiệp Việt Nam và Hà Lan có điểm tương đồng, đều là các quốc gia ven biển có vị trí chiến lược nhưng cũng đều có vùng đồng bằng rộng lớn và phải đối mặt với những thách thức về biển đổi khí hậu và nước biển dâng. Tham gia đoàn công tác, có tới 4 Bí thư tỉnh ủy các tỉnh: Lâm Đồng, Nam Định, Bến Tre, Cà Mau, và lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường …
Tâm sự với kiều bào tại buổi gặp gỡ, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ sự lo lắng khi các kịch bản về biến đổi khí hậu mà Nhà nước ta dự kiến đã diễn biến nhanh hơn, khó lường hơn. Nhắc lại sự kiện cơn bão cuối cùng suýt đổ bộ vào các tỉnh miền Tây nam Bộ những ngày giáp Tết vừa qua có thể khiến cả đất nước “mất Tết” và khiến đồng bằng Sông Cửu Long bị kéo lùi 10 năm, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, chúng ta cần khẩn trương học tập kinh nghiệm từ Hà Lan.
Những ngày trên đất nước Hà Lan, chúng tôi càng cảm nhận rõ hơn sự tâm huyết ấy của Chủ tịch Quốc hội trước một vấn đề hệ trọng cho hôm nay và tương lai. Ở Hà Lan, chúng tôi ít còn thấy những chiếc cối xay gió chống ngập lụt cổ xưa mà thay vào đó là những cánh quạt gió điện khổng lồ, những công trình quy mô, hiện đại. Từ nhiều thập niên trước, Hà Lan đã triển khai chương trình quy mô “Công trình châu thổ” nhằm bảo vệ quốc gia khỏi nạn lụt trong tương lai và dự án hoàn thành phần lớn vào năm 1997 với việc xây các con đê ngoài biển dài 3.000km và 10.000km các đê nội bộ, kênh đào và sông, đóng các cửa biển của tỉnh Zeeland. Dự án này được đánh giá là một trong bảy kỳ quan của thế giới hiện đại.
Cuộc gặp gỡ Phó Cao ủy Chương trình Đồng bằng Hà Lan Hermen Borst được Chủ tịch Quốc hội cho biết đã để lại rất nhiều kinh nghiệm quý. Hà Lan rất coi trọng có cơ chế, chính sách chiến lược để phát triển vùng đồng bằng, ban hành Luật đồng bằng và bổ nhiệm chức vụ Ủy viên Đồng bằng để theo dõi chiến lược giải quyết những vấn đề liên quan đến bảo vệ nguồn nước, chống biến đổi khí hậu để trình lên nghị viện xem xét; phân bổ nguồn tài chính bền vững và dài hạn. Chủ tịch Quốc hội cho biết sẽ nghiên cứu vấn đề này trong hoạt động tới đây của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội còn tới làm việc tại Viện Deltares, được nghe giới thiệu hệ thống cảnh báo sớm về lũ lụt, cảnh báo hạn hán được áp dụng cho khu vực châu thổ các nơi trên thế giới, trong đó có khu vực Đồng bằng sông Cửu Long – nơi Viện đang phối hợp thực hiện nhiều chương trình quản lý vùng biển, châu thổ, cảnh báo quản lý rủi ro về lũ lụt như ở Bến Tre, Trà Vinh. Viện đã nghiên cứu và đưa ra cảnh bảo sớm cho Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu; hỗ trợ 2 tỉnh 20 cột giám sát các lưu vực. Khi hệ thống này hoàn thành, người dân sẽ được tiếp cận với mạng lưới này qua điện thoại.
 |
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm Trung tâm nông nghiệp công nghệ cao tại Westland. Ảnh: TTXVN |
Hà Lan ngày nay còn sở hữu một nền nông nghiệp “siêu cao” từng được mệnh danh có thể “nuôi cả thế giới” nên trong chuyến thăm lần này, Chủ tịch Quốc hội còn dành rất nhiều tâm huyết cho vấn đề này. Khi đến thăm Trung tâm nông nghiệp Công nghệ cao World Horti và làm việc với Tổ chức hỗ trợ phát triển Hà Lan (Agriterra) – một tổ chức có mạng lưới khoảng 4.000 hợp tác xã thành viên, trong đó có 450 hợp tác xã quốc tế và xuất khẩu đến 140 nước, ngay khi gặp ông Tông giám đốc, Chủ tịch Quốc hội đã nói: “Tôi muốn tìm hiểu sâu về mô hình hợp tác xã của các ngài”.
Chuyến thăm đã biến thành một cuộc tọa đàm khi cả Chủ tịch Quốc hội, lãnh đạo các bộ, ngành và các Bí thư tỉnh ủy liên tục đưa ra các câu hỏi, nắm bắt kinh nghiệm của Hà Lan. Có lúc, hội trường rộ lên những trao đổi xôn xao khi bắt gặp ý tưởng rất “Việt Nam”: Triết lý làm nên thành công của Agriterra là “do các thành viên, của các thành viên và vì các thành viên”. Mọi người đều nói: “Giống chủ trương “của dân, do dân, vì dân” ở Việt Nam…
Bốn ngày trong chuyến thăm đất nước Hà Lan xinh đẹp, thân thiện, thịnh vượng của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã khép lại với những tình cảm tốt đẹp, sự tin cậy chính trị giữa hai quốc gia, hai nghị viện thêm củng cố, phát triển, bền chặt hơn. Tình cảm ấy như những đóa hoa tulip đang giữa độ xuân thêm rạng ngời, nở mãi…
* Sáng 29-3, giờ địa phương, chiều cùng ngày giờ Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã tới thăm Công ty Naco trước khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Hà Lan.
Naco là công ty con thuộc tập đoàn Royal Haskoning DHV chuyên về tư vấn và thiết kế sân bay, đã tham gia trên 550 dự án sân bay ở 100 nước trên thế giới và thành công với vai trò là điều phối viên chính, đại diện cho nhóm 8 công ty/trường đại học-viện nghiên cứu của Hà Lan tham gia các giải pháp về Hàng không của Hà Lan với Việt Nam thuộc chương trình Đối tác Thương mại quốc tế (DAV PIB) giai đoạn 2016-2019 giữa hai nước.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Việt Nam đang quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng hàng không để phấn đấu trở thành trung tâm của khu vực về vận tải hành khách và hàng hóa, trước hết ưu tiên mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, xây dựng sân bay quốc tế Long Thành, mở thêm các cảng hàng không và đường bay mới và tin tưởng rằng những dự án trên sẽ mang lại những cơ hội tốt cho các công ty, nhà tư vấn, sản xuất…của Hà Lan.
Từ năm 2011, Việt Nam – Hà Lan đã ký hợp tác trong lĩnh vực Quốc phòng. Hiện nay, Bộ Quốc phòng hai nước đã cử Tùy viên Quốc phòng tại mỗi nước và triển khai các chương trình hợp tác hiệu quả về đào tạo, công nghiệp quốc phòng. Trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (2017), hai bên đã ký thỏa thuận về việc Tập đoàn Damen đóng 06 tàu tuần tra đa năng xa bờ cho Cảnh sát Biển Việt Nam. Trong chuyến thăm này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Hà Lan tiếp tục hỗ trợ và trao đổi kinh nghiệm trong việc tham gia các phái đoàn gìn giữ hòa bình và thành lập Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam. |
NGUYÊN MINH (từ Thủ đô La Hay, Hà Lan)