“35 năm trước, Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết đã kết thúc cuộc đàm phán lâu dài nhất, khó khăn phức tạp nhất và thắng lợi vẻ vang nhất trong lịch sử ngoại giao nước nhà. Hiệp định Pa-ri là một mốc son của nền ngoại giao Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh”. Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã khẳng định như vậy tại Hội thảo diễn ra ngày hôm qua, 25-1, tại Hà Nội.
Nhiều đại biểu, mái đầu đã bạc, đến dự Hội nghị với nguyên vẹn cảm xúc của 35 năm về trước. Họ là những nhân chứng sống đã từng tham gia hoặc phục vụ công tác nghiên cứu, tham mưu và trực tiếp chiến đấu trên các trận tuyến khác nhau xung quanh Hội nghị Pa-ri lịch sử của một giai đoạn gian khổ và hào hùng của dân tộc.
Cuộc đối đầu giữa hai nền ngoại giao
Một trong những thành công ngoại giao của ta trong quá trình đàm phán là dùng đàm phán để tác động vào nội bộ Mỹ và nội tình miền Nam Việt Nam, một điều mà cả Mỹ và chính quyền Sài Gòn đều không làm được. Trong tham luận của mình, ông Nguyễn Khắc Huỳnh, nguyên Đại sứ, nguyên Phó phát ngôn đoàn Việt Nam dân chủ Cộng hòa, nhấn mạnh cuộc đàm phán Hiệp định Pa-ri là cuộc đối đầu căng thẳng giữa hai nền ngoại giao: ngoại giao trên thế mạnh của Mỹ với những nhà ngoại giao sắc sảo, chuyên nghiệp, mưu mẹo và ngoại giao nhân văn của Việt Nam. “Nước Mỹ có nền ngoại giao lâu năm, phần lớn các nhà ngoại giao Mỹ đều chuyên nghiệp, sắc sảo, nhiều thủ thuật. Trong khi đó, ngoại giao Việt Nam còn rất non trẻ, khi hình thành năm 1945 hoàn toàn không có kế thừa. Ở miền Bắc chỉ hai bàn tay trắng, ở rừng về chưa kịp xây dựng thì đã đi vào chống Mỹ; tài chính, phương tiện eo hẹp, khả năng nghiên cứu hiểu biết quốc tế còn hạn chế”, ông Huỳnh nêu rõ.
Vậy mà, nền ngoại giao nhân văn đó đã biết cách xoay chuyển tình thế, “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Tuy thời gian kéo dài từ 1968 đến 1973 và hai đoàn đại biểu của ta đã có những cuộc đấu trí căng thẳng, nhưng do biết kết hợp nhiều hình thức, diễn đàn khác nhau với cuộc đối chọi quyết liệt, ăn miếng trả miếng, găng nhất là bỏ họp dù có báo trước hay không, mà chúng ta đã đi tới thành công cuối cùng. Cụ thể tại cuộc họp ngày 8-1-1973, ông Lê Đức Thọ phê phán Mỹ khá nặng lời suốt một tiếng đồng hồ mà đoàn Mỹ phải ngồi chịu trận.
Tận dụng được yếu tố “đấu tranh chính nghĩa”
Một thành công lớn của nghệ thuật đàm phán là nắm chắc ba nhân tố chiến trường, nội bộ Mỹ, xu thế quốc tế để tạo và nắm thời cơ giành thắng lợi từng bước, đẩy lùi địch từng bước, tạo thuận lợi cho chiến trường, góp phần nâng cao lòng tin của nhân dân, của bạn bè quốc tế. Theo ông Trịnh Ngọc Thái, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Pháp, cả ba điều đó đều được Việt Nam tận dụng và phát huy tối đa, trong đó đặc biệt là yếu tố thứ ba: xu thế quốc tế nghiêng về cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam.
Ông Trịnh Ngọc Thái kể: “Ngay trong thời gian diễn ra Hội nghị Pa-ri, trên báo chí không có ngày nào không có bài viết về Việt Nam, về cuộc đàm phán. Ngay bên ngoài phòng họp tại Trung tâm hội nghị quốc tế Clê-bê ở Pa-ri, cũng như ở khắp nơi trên thế giới vẫn diễn ra các cuộc mít tinh, biểu tình, tuần hành. Tình hình đó đã trở thành một áp lực mạnh mẽ không thể xem thường. Trong các cuộc họp công khai cũng như bí mật, phía Mỹ tỏ ra rất ngại, thậm chí rất sợ dư luận. Bản thân Kít-xinh-giơ phải cáu lên nói: “Tôi đến Pa-ri để đàm phán với ông Lê Đức Thọ chứ không phải để nói chuyện với báo Thời báo Niu Y-oóc”.
Tiến hành đàm phán với một đối tượng sừng sỏ như Mỹ quả là một thử thách rất lớn đối với Việt Nam. Cuộc đàm phán Pa-ri giữa Việt Nam và Mỹ kéo dài từ tháng 5-1968 đến 1-1973. Trong 4 năm 9 tháng đó, Hiệp định Pa-ri đã trải qua 201 phiên họp công khai, 45 cuộc họp riêng cấp cao, 500 cuộc họp báo, 1000 cuộc phỏng vấn, hàng nghìn cuộc mít tinh chống chiến tranh, ủng hộ Việt Nam. Theo ông Nguyễn Khắc Huỳnh, đàm phán kéo dài gần 5 năm mà đàm phán thực chất chỉ khoảng 6-7 tháng, còn phần lớn thời gian là nhằm đấu tranh dư luận. “Hai bên dồn sức vào mặt trận này qua các bài phát biểu chính thức trau chuốt, qua các cuộc họp báo được chuẩn bị công phu, qua các cuộc tiếp xúc chính trị bên ngoài xã hội. Về mặt này thì hai đoàn Việt Nam tỏ rõ sắc sảo, hấp dẫn hơn đối phương. Trong cuộc đàm phán, hai đoàn ta tiến hành gần 500 cuộc họp báo mà phía đối phương không làm được như vậy. Đây là nguyên nhân lớn góp phần làm cho dư luận quốc tế rất quan tâm tới cuộc đàm phán Pa-ri”, ông Huỳnh nhấn mạnh.
Dấu ấn trí tuệ Hồ Chí Minh
Tại cuộc hội thảo, các đại biểu đều có chung một quan điểm rằng, trong Hiệp định Pa-ri, vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong “cuộc đụng đầu lịch sử” được ghi nhận bằng sự sáng tạo ra phương thức đánh-đàm trong thời đại mới: “Một tay đánh, một tay mở cho nó ra”. Đây là một trí tuệ lớn làm cơ sở cho việc thúc đẩy một giải pháp hòa bình kết thúc chiến tranh mà trước hết là buộc đối phương xuống thang, lấy đối thoại hòa bình thay cho đối đầu quân sự.
Trong tham luận của mình, ông Trịnh Ngọc Thái viết: “Năm 1967, khi tiếp hai nhà trí thức có tên tuổi của Mỹ đến Việt Nam để thăm dò khả năng đi đến một giải pháp kết thúc chiến tranh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời họ uống trà. Người nói: “Chúng ta gặp nhau, uống chè với nhau như thế này có phải tốt hơn không?”. Các vị khách ngưỡng mộ ý niệm chân thành và hợp lẽ của Người, đồng thanh gật đầu: “Uống trà tốt hơn”. Người nói tiếp ý định của mình: “Nếu ông Giôn-xơn đồng ý thì tôi mời ông ấy sang Hà Nội, trải thảm đỏ đón và cũng mời uống chè như chúng ta hôm nay. Chỉ có một điều kiện là các ông phải rút quân khỏi đất nước tôi”. Theo ông Trịnh Ngọc Thái, đây có thể là lần đầu tiên Người trực tiếp thông báo miệng cho người Mỹ biết về điều kiện tiên quyết để Mỹ có thể “kết thúc cuộc chiến tranh trong danh dự” như ý muốn của họ.
Ông Nguyễn Khắc Huỳnh, nguyên Đại sứ, phó phát ngôn Đoàn Việt Nam dân chủ Cộng hòa: Cùng với thắng lợi Xuân Mậu Thân 1968 trên chiến trường, trước sức ép của công luận quốc tế và phong trào phản chiến ở Mỹ sau đợt tấn công ngoại giao của ta, nhà cầm quyền Mỹ từng bước phải chấp nhận xuống thang và ngồi vào bàn đàm phán trong thế bị động. Chúng ta có 5 lần kéo địch xuống thang rõ nét: Buộc Mỹ hạn chế ném bom toàn miền Bắc (3-1968); Buộc Mỹ chấm dứt hoàn toàn ném bom miền Bắc (10-1968); Buộc Mỹ đơn phương rút dần 400 nghìn quân (1969-1972); Buộc Mỹ từ bỏ đòi hỏi “hai bên cùng rút quân” (10-1971); Mỹ chấp nhận ký Hiệp định Pa-ri, chấm dứt chiến tranh, rút hết quân. |
Tuy nhiên, ông Thái cho rằng điều kiện tiên quyết đó thực sự đã được Người để lộ vào những năm tháng khi Tổng thống Ken-nơ-đi cầm quyền (1961-1963), khi quân Mỹ đã bắt đầu đưa nhân viên quân sự tham gia vào
“chiến tranh đặc biệt” ở miền Nam Việt Nam. Dưới hình thức thư ngỏ gửi Tổng thống Ken-nơ-đi, với bút danh TL, từ tháng 2-1961, Người đã nêu ra đòi hỏi “ông phải lập tức đình chỉ việc can thiệp vào Nam Việt Nam, phải gọi ngay bọn nhân viên quân sự Mỹ về nước… để nhân dân miền Nam tự giải quyết lấy vấn đề của họ”.
Hiệp định Pa-ri còn nguyên giá trị
Hiệp định Pa-ri là “đêm trước” của cuộc Tổng tiến công Đại thắng Mùa xuân năm 1975 mang lại hòa bình cho nhân dân ta. Đây là cuộc đàm phán lâu dài nhất, khó khăn phức tạp nhất và thắng lợi vẻ vang nhất trong lịch sử ngoại giao của nước nhà, mốc son nổi bật trên con đường thắng lợi của thời đại Hồ Chí Minh. Thứ trưởng Phạm Bình Minh cho rằng những bài học rút ra từ sự kiện này vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp cách mạng của Việt Nam hiện nay. “Hiệp định Pa-ri đã để lại cho chúng ta những bài học vô giá về giữ vững độc lập, tự chủ trong xử lý các vấn đề đối ngoại, bài học về tạo thời cơ và tận dụng thời cơ… và bao trùm lên tất cả là bài học về sự lãnh đạo sáng suốt, bản lĩnh vững vàng của Đảng ta, vận dụng đúng đắn tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh trong các vấn đề có liên quan”, ông Phạm Bình Minh nhấn mạnh.
Bài và ảnh: KIM OANH-THU TRANG