QĐND Online – Sáng 14-1, tại Nhà Quốc hội, Phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) Khóa XIII đã khai mạc. Theo báo cáo giải trình một số vấn đề về dự án Luật Tiếp cận thông tin do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày, tại kỳ họp thứ 10, các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Tiếp cận thông tin. Nhìn chung, các ý kiến đều nhất trí sự cần thiết ban hành Luật, tán thành Báo cáo thẩm tra và nhiều nội dung trong dự thảo Luật; đồng thời, tham gia ý kiến vào nhiều điều, khoản cụ thể.
Về phạm vi điều chỉnh (tại Điều 1), một số ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật, đồng thời rà soát để luật hóa các quy định trong Pháp lệnh Thực hiện quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn và một số văn bản luật, văn bản dưới luật khác liên quan trực tiếp đến quyền tiếp cận thông tin của công dân. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho biết, tiếp thu ý kiến nêu trên, Thường trực Ủy ban pháp luật đã phối hợp với Bộ Tư pháp rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để luật hóa, bổ sung một số quy định về nội dung các thông tin phải được công khai hiện đang được quy định trong một số văn bản luật, pháp lệnh, nghị định để tạo điều kiện tốt hơn cho công dân thực hiện quyền tiếp cận thông tin như đã được thể hiện tại Điều 14 của dự thảo Luật.
Có ý kiến đề nghị quy định rõ tại khoản 2 Điều 1 dự thảo Luật về thông tin thuộc bí mật nhà nước, quy định cụ thể về thông tin mật, mức độ bí mật và thời hạn giải mật. Ý kiến này cho rằng, hiện nay việc bảo vệ bí mật nhà nước được quy định trong Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước là không phù hợp với tinh thần của Hiến pháp. Nội dung này Ủy ban pháp luật cho rằng: Vấn đề bảo vệ bí mật nhà nước có mối liên hệ chặt chẽ với quyền tiếp cận thông tin của công dân. Cụ thể, nếu thông tin mật không được xác định đúng, không được giải mật kịp thời sẽ làm hạn chế quyền tiếp cận thông tin của công dân. Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho rằng, cần phải làm rõ phạm vi điều chỉnh và những nội hàm cần quy định là gì. Những thông tin nào công dân được quyền tiếp cận, thông tin nào bị cấm không được tiếp cận cũng phải ghi vào luật. “Tinh thần là phải minh bạch, rõ ràng để nguyên tắc cung cấp thông tin, quyền tiếp cận thông tin, trình tự, thủ tục và trách nhiệm của hai bên (bên yêu cầu và bên cung cấp thông tin) phải cụ thể”, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói.
 |
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIII. Ảnh: Đình Nam. |
Về chủ thể có trách nhiệm cung cấp thông tin (Điều 6), một số ý kiến đề nghị cần nghiên cứu mở rộng chủ thể cung cấp thông tin không chỉ có cơ quan nhà nước mà bao gồm cả các tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước có sử dụng ngân sách nhà nước, vì có rất nhiều thông tin của các tổ chức, đơn vị này có liên quan trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của người dân.
Về vấn đề này, qua thảo luận còn có ý kiến khác nhau: Nhiều ý kiến nhất trí việc mở rộng chủ thể cung cấp thông tin như ý kiến đại biểu Quốc hội đã nêu. Bởi vì, thực tế ở nước ta hiện nay cho thấy, bên cạnh các cơ quan nhà nước thì nhiều tổ chức được giao thực hiện chính sách, dự án lớn của Nhà nước có các hoạt động liên quan đến quyền của công dân… như dự án xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ học nghề và tạo việc làm hoặc tiếp nhận quản lý khoản viện trợ của nước ngoài. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, các trường học, bệnh viện có thu viện phí, học phí, có tuyển dụng viên chức, người lao động; nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và thực hiện các chương trình, đề án lớn của Nhà nước... Những thông tin này cũng rất cần công khai, minh bạch để công dân tiếp cận nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình và lợi ích hợp pháp của nhà nước. Ủy ban pháp luật tán thành với đề nghị mở rộng chủ thể cung cấp thông tin như ý kiến đã nêu của đại biểu.
Tuy nhiên, một số ý kiến nhất trí với quy định như của dự thảo Luật và cho rằng, quy định chủ thể cung cấp thông tin chỉ bao gồm các cơ quan nhà nước là phù hợp với tổ chức, hoạt động của các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương ở nước ta hiện nay; hơn nữa, hầu hết các thông tin trong các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội của đất nước là do các cơ quan tạo ra và quản lý. Việc tiếp cận thông tin của các chủ thể khác được thực hiện theo các quy định khác của pháp luật, như pháp luật về phòng chống tham nhũng, doanh nghiệp nhà nước, ngân sách nhà nước, y tế, giáo dục... Bộ Tư pháp đề nghị cho giữ quy định về chủ thể cung cấp thông tin như loại ý kiến này.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, nội dung này Luật Tiếp cận thông tin cần quy định rõ, thông tin gì được tiếp cận, thông tin gì được tiếp cận một nửa. Nếu luật này không giải quyết mục thông tin, không giải quyết được việc thông tin nào được tiếp cận, thông tin nào không được tiếp cận thì coi như không có giá trị. Chủ tịch Quốc hội cho rằng nếu luật như thế là không minh bạch và cần rà soát lại. Trong trrường hợp ban soạn thảo không làm kịp thì Kỳ họp thứ 11 này chưa thông qua, chưa trình hoặc trình chưa thông qua để chuẩn bị tiếp.
Về việc từ chối cung cấp thông tin theo yêu cầu tại Điều 24 Dự thảo Luật, có ý kiến cho rằng quy định tại điểm a khoản 1 về việc cơ quan được quyền yêu cầu từ chối cung cấp thông tin là không hợp lý và thiếu tính thống nhất. Bởi vì tại khoản 2 Điều 1 của dự thảo Luật đã quy định việc tiếp cận các thông tin này được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan. Do đó, Ủy ban pháp luật đề nghị Ủy ban TVQH cho tiếp thu ý kiến nêu trên theo hướng bỏ điểm a khoản 1 Điều 24 (cũ) như đã được thể hiện trong dự thảo Luật. Một số ý kiến đại biểu cho rằng quy định tại các điểm b, c và đ khoản 1 Điều 24 của dự thảo Luật về các trường hợp từ chối cung cấp thông tin theo yêu cầu còn chung chung, không cụ thể, dễ bị cơ quan cung cấp thông tin lợi dụng để từ chối, ảnh hưởng đến quyền tiếp cận thông tin của công dân. Đề nghị cần quy định cụ thể, chi tiết và chặt chẽ các trường hợp này. Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã chỉnh lý, quy định cụ thể, rõ hơn về các trường hợp từ chối cung cấp thông tin như thể hiện tại các điểm a, b và d khoản 1 Điều 24 của dự thảo Luật.
Ngoài ra, báo cáo do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày còn cho biết nội dung về trách nhiệm xử lý thông tin không chính xác (Điều 7); về việc áp dụng pháp luật (Điều 13); về thông tin phải được công khai (Điều 14); về yêu cầu cung cấp thông tin (Điều 20); về trình tự, thủ tục, thời hạn cung cấp thông tin theo yêu cầu qua mạng điện tử, đường bưu điện, fax (Điều 27 và Điều 28) và về biện pháp bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân…
Trong buổi sáng 14-1, Ủy ban TVQH cũng đã cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện Điều ước quốc tế (sửa đổi).
* Trước đó, phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 44 của Ủy ban TVQH, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, nội dung quan trọng của Phiên họp thứ 44 Ủy ban Thường vụ Quốc hội là xem xét, cho ý kiến về việc chuẩn bị tổ chức bầu cử. Quốc hội đã có nghị quyết; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có văn bản, chỉ thị để triển khai. Tiếp theo là công việc hướng dẫn của các bộ, ngành và việc hướng dẫn này phải được hoàn thành trong tháng Giêng này để tháng 2 tập hợp thành sách. “Việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử cần phải được hoàn thành theo đúng chương trình, không thể cứ nghĩ rằng đến 22-5 mới bầu cử mà đủng đỉnh”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội đặc biệt nhấn mạnh, đây là cuộc bầu cử toàn dân với quy mô và khối lượng công việc rất lớn, nên những việc Thường vụ Quốc hội, Quốc hội và Hội đồng Bầu cử quốc gia bàn phải đến được với dân và công việc phải được bàn rất thấu đáo. Các cơ quan làm việc chậm một ngày thì nội dung đến với dân chậm một ngày, dẫn tới công tác chuẩn bị sẽ rất bị động.
Chủ tịch Quốc hội tóm lược 5 điểm cần thực hiện cho tốt để chuẩn bị cho từng nội dung công việc để bảo đảm cho cuộc bầu cử toàn quốc diễn ra thành công: Ai làm, làm khi nào, làm như thế nào, khi nào làm xong, đến dân như thế nào?
Cũng tại Phiên họp này, Ủy ban TVQH sẽ cho ý kiến về 6 văn bản quy phạm pháp luật, gồm 4 dự án luật và 2 nghị quyết, để chuẩn bị trình Quốc hội quyết định tại Kỳ họp thứ 11, kỳ họp cuối cùng của Quốc hội Khóa XIII. Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban TVQH tập trung thảo luận để chuẩn bị thật tốt cho Kỳ họp cuối cùng, kỳ họp bắt buộc phải thành công, để chuyển giao công việc của Quốc hội Khóa XIII sang Quốc hội Khóa XIV thật tốt đẹp. Nếu khối lượng công việc nhiều, Ủy ban TVQH sẵn sàng làm việc thêm giờ để hoàn thành.
SONG THẮNG