QĐND Online- Sáng 17-7, tại Hà Nội, Hội thảo “Tăng cường năng lực cạnh tranh cho nông sản và thủy sản Việt Nam. Minh bạch thông tin- con đường phát triển bền vững” do Tổ chức Hỗ Trợ cạnh tranh toàn cầu (GCF) phối hợp với Dự án truy xuất nguồn gốc điện tử (ET&T) tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp xuất khẩu về truy xuất nguồn gốc điện tử.

Tiến sĩ Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phát biểu tại hội thảo

 

Truy xuất nguồn gốc là một phương tiện nhằm giúp người tiêu dùng tìm hiểu thực trạng, đánh giá chất lượng và sự an toàn của thực phẩm mà họ sử dụng. Như vậy người tiêu dùng có thể tra cứu thông tin sản phẩm được sản xuất như thế nào từ con giống, đến nuôi ở đâu, được cho ăn gì, trong thức ăn có kháng sinh hay không, có sử dụng phụ gia trong quá trình chế biến hay không…

Ông Lý Hoàng Hải, Phó Giám đốc dự án truy xuất nguồn gốc Traceverified cho biết: “Hệ thống truy xuất nguồn gốc tại Việt Nam hiện nay vẫn lạc hậu, chủ yếu dựa vào hồ sơ lưu trữ nên người tiêu dùng khó có khả năng tiếp cận. Một nhược điểm nữa của phương pháp này là tốn nhiều thời gian và công sức trong việc ghi chép hay tìm kiếm thông tin. Do vậy, truy xuất điện tử là yêu cầu tất yếu đối với doanh nghiệp thuỷ sản và nông sản Việt Nam”.

Các tham luận tại hội thảo cũng nhấn mạnh hiện nay hệ thống này đặc biệt quan trọng đối với các nhà xuất khẩu thủy sản và nông sản của Việt Nam, đặc biệt là tại các thị trường “khó tính” như Liên minh Châu Âu hay Mỹ.

Đại diện phía Đan Mạch, ông Armanath Reddy, cố vấn trưởng GCF Việt Nam cho rằng: Hiện nay, hệ thống truy xuất nguồn gốc tại Việt Nam hoạt động phần lớn dựa vào giấy tờ lưu trữ, đây là một vấn đề vì hạn chế khả năng tiếp cận thông tin của người tiêu dùng. Với hệ thống truy xuất điện tử, không chỉ các nhà phân phối mà bất kỳ người tiêu dùng nào cũng có thể dễ dàng tìm kiếm đầy đủ thông tin về sản phẩm chọn mua tại bất cứ đâu chỉ với một chiếc điện thoại thông minh.

Hiện nay các quốc gia và các công ty quốc tế nhập khẩu thực phẩm ngày càng tập trung hơn vào cơ chế kiểm soát và các phương pháp đo lường được sử dụng để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử sẽ nâng cao lòng tin quốc tế, giảm thiểu những thiệt hại, củng cố khả năng cạnh tranh, thương hiệu và tính an toàn cho các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam.

Tin, ảnh: TRUNG QUÂN