Trình bày tờ trình về dự án luật, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, các lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ công an xã được sắp xếp thống nhất thành một lực lượng với tên gọi chung là lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự, được bố trí ở thôn, tổ dân phố, đơn vị dân cư tương đương thuộc địa bàn cấp xã.

Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh đến sự cần thiết xây dựng, ban hành luật. Theo đó, việc xây dựng, ban hành luật nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở địa bàn cơ sở.  

Mặt khác, đến nay, các địa phương trong toàn quốc đã hoàn thành xong việc bố trí công an xã chính quy tại 100% các xã, thị trấn với gần 30.000 công an xã chính quy. Điều này làm phát sinh thực tế là có 126.084 công an xã, thị trấn bán chuyên trách đã kết thúc nhiệm vụ công an xã, đang dôi dư và phải bố trí cho các chức danh này được tiếp tục tham gia bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn xã nơi bố trí công an xã chính quy....

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: quochoi.vn.

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, cơ bản các ý kiến nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự như Tờ trình của Chính phủ.

Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng việc tiếp tục xây dựng, củng cố, kiện toàn lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là cần thiết. Tuy nhiên, dự thảo Luật này có nhiều nội dung quan trọng liên quan đến tổ chức “lực lượng”, kinh phí, ngân sách bảo đảm và nhiều vấn đề liên quan đến tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Đồng thời, nội dung của dự thảo Luật chưa đề cập đến các tổ chức tự nguyện, tự quản trong việc tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Đề nghị UBTVQH cân nhắc cho thực hiện thí điểm trong một thời gian, tại một số địa phương nhất định để có thời gian tổng kết, đánh giá kỹ tính khả thi của chính sách trước khi ban hành Luật; hoặc đề nghị Chính phủ nghiên cứu ban hành nghị định quy định việc sử dụng công an xã bán chuyên trách tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, mà chưa cần ban hành luật.

Một số ý kiến cho rằng, Chính phủ đã đánh giá tương đối đầy đủ tác động tích cực, tiêu cực của các chính sách dự kiến điều chỉnh trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, việc xây dựng Luật này phải đáp ứng mục tiêu vừa bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở, vừa giảm biên chế và giảm chi ngân sách. Do đó đề nghị Chính phủ phân tích, đánh giá cụ thể hơn về dự kiến tổng số người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở sau khi thành lập; nguồn kinh phí cần thiết để bảo đảm cho lực lượng này hoạt động (như nơi làm việc, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ, trang phục, bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ...), làm căn cứ trình Quốc hội cho ý kiến.

Góp ý vào dự thảo luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh sự cần thiết ban hành luật nhằm bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở. “Cơ sở mà không bảo đảm an ninh, trật tự, chỉ cần ở đâu đó một đốm lửa nhỏ thì có thể bùng ra, do đó, việc này là hết sức cần thiết...”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý đến những mô hình tổ chức tự quản của quần chúng trong bảo đảm an ninh trật tự như các câu lạc bộ phòng, chống tội phạm; các hiệp sĩ đường phố; tổ tự quản an ninh trật tự do công nhân tự quản; mô hình thôn bản bình yên, gia đình hạnh phúc... Theo Chủ tịch Quốc hội, lẽ ra phải đánh giá, tổng kết những mô hình này, nghiên cứu, sắp xếp đây là lực lượng bảo vệ an ninh trật tự, an toàn ở cơ sở. “Do vậy, nếu ra luật này phải đặt trong mối liên hệ với các tổ chức tự quản đã hình thành và hoạt động hiệu quả, có như vậy mới đúng với tên gọi của lực lượng này”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Quan tâm đến vị trí của lực lượng tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh đây là lực lượng quần chúng tự nguyện: Lực lượng này là phối hợp, hỗ trợ công an xã chính quy thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa những hành vi vi phạm pháp luật, gây rối, mất trật tự an ninh, an toàn xã hội ở cơ sở. Trong khi đó, 7 nhóm nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đưa ra trong dự thảo luật lại là nhiệm vụ của lực lượng công an xã... Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ hơn tính chất, phạm vi, chức năng của lực lượng này trong việc tham gia phối hợp với lực lượng công an xã chính quy. 

Ngoài ra, tại phiên họp, các thành viên UBTVQH cũng lưu ý, việc hình thành lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở cần đặt trong điều kiện tình hình mới, có nghiên cứu đặc thù của từng địa bàn nông thôn, miền núi, đô thị, hải đảo... Việc bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở cũng cần gắn với xu hướng phát triển của khoa học công nghệ, để việc này không chỉ đơn giản là phép cộng cơ học giữa 3 bộ phận (bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã bán chuyên trách) mà cần có sự rà soát, quy định tổng thể, tránh tâm lý dồn việc cho lực lượng này.

PHƯƠNG HẰNG