Không tổ chức HĐND ở các phường thuộc quận, thị xã, thành phố thuộc TP Hà Nội

Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo luật đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng chỉ quy định những cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt, thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền TP Hà Nội nhưng đồng thời cũng đặt ra trách nhiệm cao hơn đối với chính quyền thành phố trong xây dựng, bảo vệ, phát triển Thủ đô; không quy định lại các nội dung, các vấn đề đã được quy định trong các luật khác, đặc biệt là các luật vừa được Quốc hội thông qua như Luật Đất đai, Luật Nhà ở. Đồng thời, dự thảo luật đã được rà soát, chỉnh lý theo hướng sắp xếp lại trật tự một số điều, khoản bảo đảm logic, phù hợp hơn.

Đáng chú ý, về mô hình tổ chức chính quyền tại TP Hà Nội, Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng cho biết, mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội xác định trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được xây dựng trên cơ sở kế thừa quy định của Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27-11-2019 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội. Theo đó, không tổ chức HĐND ở các phường thuộc quận, thị xã, thành phố thuộc TP Hà Nội.

leftcenterrightdel

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp thảo luận về  dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Tăng cường tổ chức bộ máy cho HĐND TP Hà Nội

Về cơ cấu tổ chức của HĐND TP Hà Nội, HĐND quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố (Điều 9 và Điều 11), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, trên cơ sở đề nghị của Chính phủ và tiếp thu ý kiến của đại biểu, các cơ quan có liên quan, dự thảo luật được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng tăng cường tổ chức bộ máy cho HĐND TP Hà Nội, HĐND quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố nhằm bảo đảm để chính quyền các cấp của thành phố đảm đương được các nhiệm vụ, quyền hạn được tăng thêm.

Theo đó, đối với HĐND TP Hà Nội: Có 125 đại biểu, trong đó có ít nhất 25% là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách, Thường trực HĐND thành phố có không quá 11 người đều hoạt động chuyên trách; HĐND thành phố có 3 Phó chủ tịch HĐND.

Đối với HĐND quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố: Có 2 Phó chủ tịch HĐND, không quá 9 đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách.

leftcenterrightdel
Các đại biểu dự phiên họp.  

Cho phép HĐND TP Hà Nội xác định số lượng biên chế

Đáng chú ý, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, dự thảo luật cho phép HĐND TP Hà Nội xác định số lượng biên chế căn cứ vào danh mục vị trí việc làm, quy mô dân số, thực trạng khối lượng công việc, đặc điểm an ninh, chính trị, an toàn xã hội trên địa bàn và khả năng cân đối ngân sách của TP Hà Nội, bảo đảm tỷ lệ giữa tổng số biên chế so với tổng số dân không vượt mức tỷ lệ trung bình của cả nước để trình cấp có thẩm quyền quyết định.

Đồng thời, thực hiện chế độ cán bộ, công chức thống nhất ở cả cấp xã, cấp huyện và thành phố; cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách nhà nước bảo đảm 100% chi thường xuyên thuộc TP Hà Nội quản lý được hưởng thu nhập tăng thêm căn cứ theo năng lực, hiệu quả công việc.

THẢO PHƯƠNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.