Phát biểu mở đầu phiên thảo luận buổi chiều, đại biểu Phan Thanh Bình (đoàn Quảng Nam) đồng tình với các báo cáo của Chính phủ và cho rằng, tuy còn nhiều khó khăn nhưng với nỗ lực chung, chúng ta đã đạt và vượt 12 chỉ tiêu năm 2018. Nhìn tổng thể, có thể thấy rất rõ xu thế phát triển chung của đất nước trong những năm gần đây, niềm tin của nhân dân ngày càng được tăng cường, vị thế đất nước được nâng cao.

Tuy nhiên, đại biểu nêu một số vướng mắc và kiến nghị trong lĩnh vực giải phóng mặt bằng, đất đai… cụ thể là bổ sung kinh doanh dịch vụ bồi thường, tái định cư vào lĩnh vực ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Đại biểu cũng cho rằng, cần sửa đổi, bổ sung các chính sách để bảo vệ ngành sản xuất ô tô trong nước, nhất là về chính sách thuế với linh kiện, phụ tùng để kéo giảm giá thành sản xuất ô tô trong nước.

Nhìn về kế hoạch năm 2019, đại biểu Trần Anh Tuấn (TP Hồ Chí Minh) lo ngại vấn đề tỷ giá sẽ gây áp lực lên lãi suất, từ đó tác động tới lạm phát. “Thời gian sắp tới sẽ áp lực lớn với chính sách tiền tệ và tỷ giá, vì vừa qua chúng ta đã tăng nhẹ tỷ giá so với đồng USD để bảo đảm tính cạnh tranh cho một số mặt hàng xuất khẩu, tác động từ căng thẳng thương mại, chính sách bảo hộ của một số quốc gia... Chi phí logistics, kho bãi, vận tải còn cao, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều hạn chế... Áp lực tỷ giá, lãi suất làm tăng cơ cấu chi phí của doanh nghiệp, nên hiệu quả chung giảm xuống, thu nhập của doanh nghiệp giảm theo”, đại biểu nhấn mạnh và lưu ý thời gian tới chính sách tiền tệ và tỷ giá phải mang tính thận trọng để không gây áp lực lên chi phí cho doanh nghiệp.

Nhận xét về thu hút vốn FDI, đại biểu Trần Anh Tuấn cho rằng việc thu hút vốn hiện chưa quan tâm nhiều tới chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản lý từ khối doanh nghiệp này, trong khi đó, báo cáo Chính phủ cũng chưa đánh giá toàn diện việc thu hút FDI trong cân đối bài toán chuyển giao công nghệ. "Chính phủ cần cân đối bài toán thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong chuyển giao công nghệ, tạo liên kết chặt hơn giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài", đại biểu nhấn mạnh.

 Đại biểu Trần Anh Tuấn (TP Hồ Chí Minh) phát biểu thảo luận.

Khẳng định các chỉ tiêu kinh tế xã hội là rất tích cực song đại biểu Ngô Sách Thực (Bắc Giang) cho rằng cần nhìn thẳng vào những hạn chế để bảo đảm mục tiêu tái cơ cấu lại nền kinh tế, mục tiêu tăng trưởng, tăng trưởng xanh, ổn định kinh tế vĩ mô để phát triển bền vững. Đại biểu đề nghị cần phát huy cao hơn hiệu quả đầu tư công, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí, nâng cao hiệu quả các công trình; đồng thời nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư; khắc phục tình trạng đấu thầu hình thức, trong đó cần đẩy mạnh giải pháp đấu thầu qua mạng mà Chính phủ triển khai đang rất được hoan nghênh; rà soát định mức xây dựng cho phù hợp; phát huy hiệu quả, khắc phục các bất cập trong việc triển khai các dự án BT, BOT...

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) lại băn khoăn đến vấn đề giải quyết nhà ở cho người có công, người nghèo, công nhân. Đại biểu nhấn mạnh đây là mục tiêu rất quan trọng, là một trụ cột quan trọng của chính sách an sinh xã hội.

“Chúng ta đang xây dựng nhà ở cho hơn 244 nghìn hộ người có công, Chính phủ đã bố trí nguồn lực nhưng các địa phương vì nhiều lý do khác nhau chưa triển khai đồng bộ”, đại biểu nêu rõ và đề nghị cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện; nâng mức hỗ trợ nhà ở cho người nghèo; đồng thời giải quyết các vướng mắc về cơ chế, chính sách, nguồn vốn cho nhà ở công nhân.

Đại biểu Trương Anh Tuấn (Nam Định) thì cho rằng, cần quan tâm hiệu quả liên kết giữa nhà nông - nhà khoa học - doanh nghiệp - nhà quản lý trong sản xuất nông nghiệp. Thực tế, người dân vẫn phải trả lời "nuôi còn gì, trồng cây gì?" và phần lớn họ trồng, chăn nuôi nhờ kinh nghiệm và theo phong trào, không có đầu ra. Câu hỏi này, thực tế theo đại biểu Nam Định, phải thuộc trách nhiệm của các nhà khoa học, nhà quản lý. Cho rằng cần xây dựng thương hiệu mạnh cho nông sản Việt, đại biểu tỉnh Nam Định mong muốn tới đây ngành nông nghiệp sẽ sớm vinh danh cho sản phẩm gạo Việt Nam, qua đó xây dựng thương hiệu nông sản, giúp nông dân sản xuất sản phẩm có giá trị bền vững cao.

PHƯƠNG HẰNG