Đây là công trình chào mừng 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Cam-pu-chia (24-6-1967/24-6-2017). Đồng chủ trì buổi lễ về phía Việt Nam có Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, phía Cam-pu-chia có Phó thủ tướng Chính phủ Ke Kim Ya.

leftcenterrightdel

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Phó thủ tướng Ke Kim Ya cắt băng tại lễ thông xe.

Theo Hiệp định Vận tải đường bộ giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ Hoàng gia Cam-pu-chia (ký ngày 1-6-1998) và Nghị định thư thực hiện Hiệp định (10-10-2005) được triển khai từ cuối tháng 9-2006, quy định số lượng phương tiện thương mại (hàng hóa và hành khách) được phép qua lại hai nước của mỗi bên là 500 xe thông qua 7 cặp cửa khẩu, trong đó có cặp cửa khẩu Lệ Thanh (Việt Nam) và O Yadav (Cam-pu-chia). Đối với cơ sở hạ tầng khu vực cửa khẩu Lệ Thanh, Việt Nam đã hỗ trợ phía Cam-pu-chia hoàn thành Dự án cải tạo, nâng cấp đường 78 - Cam-pu-chia (dự án được triển khai từ vốn vay ưu đãi của Chính phủ Việt Nam) và đoạn đường nối hai trạm kiểm soát Lệ Thanh (Việt Nam) và O Yadav (Cam-pu-chia). Đây là công trình giúp hai địa phương Gia Lai và Rat-ta-na-ki-ri thuận lợi hơn trong phát triển kinh tế, quốc phòng và hơn thế nữa là sự củng cố tình đoàn kết giữa hai địa phương giáp biên giới hai nước láng giềng.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã thay mặt Chính phủ Việt Nam, biểu dương những nỗ lực của hai Bộ Giao thông Vận tải, chính quyền tỉnh Gia Lai của Việt Nam và tỉnh Ra-ta-na-ki-ri của Cam-pu-chia, các cơ quan liên quan hai nước. Theo Phó thủ tướng, việc nghiêm túc triển khai thực hiện thỏa thuận đã cam kết hai bên thống nhất tổ chức thông xe vận tải đường bộ giữa Việt Nam và Cam-pu-chia tại cặp cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh (Việt Nam) và O Yadav (Cam-pu-chia) nhằm cho phép phương tiện vận tải thương mại của mỗi nước được đi qua lại, khai thông vận tải thương mại qua lại biên giới hai nước, góp phần làm giảm chi phí vận tải, thúc đẩy kinh tế, xã hội, du lịch và mọi mặt của đời sống nhân dân hai nước. Việc thông xe mở ra một giai đoạn mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội, giao lưu văn hóa của hai nước, hai dân tộc, góp phần xây dựng khu vực biên giới thành khu vực hòa bình, giao lưu và hợp tác cũng như gắn kết tình hữu nghị láng giềng truyền thống giữa hai nước Việt Nam – Cam-pu-chia.  Phó Thủ tướng cũng Trịnh Đình Dũng đề nghị hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong việc tạo thuận lợi cho người và phương tiện vận tải qua lại biên giới, tăng cường quản lý chặt chẽ, đảm bảo trật tự về vận tải và an toàn đối với người và hàng hóa, góp phần phát triển hơn nữa mối quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Cam-pu-chia.

leftcenterrightdel
 Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và Phó thủ tướng Ke Kim Ya trong lễ thông xe.
Phó thủ tướng Cam-pu-chia Ke Kim Ya phát biểu tại buổi lễ đã đánh giá cao kết quả hợp tác phát triển mọi mặt về kinh tế, chính trị, văn hóa-xã hội đã triển khai mạnh mẽ giữa hai nước. Việc thông xe sẽ góp phần thực hiện hiệu quả hơn hiệp định về vận tải song phương giữa hai nước, thúc đẩy vận tải và thương mại qua lại biên giới hai nước, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, khai thác tiềm năng của mỗi nước và đặc biệt là tạo động lực phục vụ cho sự phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu của nhân dân và quan trọng hơn nữa là củng cố mối quan hệ đoàn kết hữu nghị của Việt Nam- Cam-pu-chia.

Cửa khẩu Lệ Thanh (Gia Lai) đã được nâng cấp lên cửa khẩu quốc tế từ năm 2007. Đến nay việc hoàn thành và thông xe đường nối hai Trạm kiểm soát cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh (Việt Nam) và O Yadav (Cam-pu-chia) sẽ tạo điều kiện thông suốt tuyến đường quan trọng này, khai thác tiềm năng kinh tế, du lịch cũng như hoạt động thương mại, đầu tư giữa hai nước Việt Nam – Cam-pu-chia nói riêng và vùng tam giác phát triển Việt Nam - Lào – Cam-pu-chia nói chung.

Quốc lộ 19 có điểm khởi đầu từ cảng Quy Nhơn (Bình Định) và điểm cuối là cửa khẩu Lệ Thanh (Gia Lai) với tổng chiều dài 240km. Quốc lộ 19 kết nối giao thông với Đường 78 (tỉnh Rat-ta-na-ki-ri, Cam-pu-chia) đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại 2 nước. Kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu đã tăng trưởng mạnh với các mặt hàng chủ yếu như: Gỗ xẻ, hàng nông sản. Cùng với sự hợp tác về thương mại, ngày càng có nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư vào Cam-pu-chia với nhiều dự án khai hoang, trồng, khai thác, sơ chế cao su với quy mô lớn, giúp nhân dân hai nước Việt Nam – Cam-pu-chia nói chung, tỉnh Gia Lai và Rat-ta-na-ki-ri nói riêng phát triển kinh tế xã hội, đoàn kết cùng nhau xây dựng vùng biên giới hòa bình, phát triển.

Tin, ảnh: LÊ QUANG HỒI