Sinh năm 1980, bà Jacinda Ardern cũng là Chủ tịch Công đảng New Zealand và là nữ Thủ tướng trẻ nhất thế giới hiện nay.
Điểm đặc biệt trong lễ đón Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn Cấp cao Việt Nam tại Nhà khách Chính phủ New Zealand là nghi thức chào đón truyền thống của người Maori (Ma-ô-ri) - tộc người đầu tiên khai phá, sinh sống tại xứ đảo New Zealand. Theo đó, lễ đón được thực hiện với màn múa dao gỗ đặc sắc của người Maori với phần trình diễn của các nghệ sĩ dân tộc Maori tại khu vườn thông Nhà khách Chính phủ. Các màn múa, hát mang đậm phong tục truyền thống Maori và độc đáo nhất là việc Thủ tướng làm lễ Hongi (Hông-gi) - chạm mũi, nét đặc trưng văn hóa của người Maori khi tiếp đón khách quý.
 |
Lễ đón chính thức được tổ chức trọng thể vào chiều 13-3 (theo giờ địa phương) tại Nhà Chính phủ, thành phố Auckland. Ảnh: TTXVN. |
Thủ tướng New Zealand tới chào, bắt tay và đón mời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lên bục danh dự. Ngay sau khi Quân nhạc cử Quốc thiều Việt Nam lần đầu tiên, lễ đón diễn ra trọng thị với 19 loạt đạn đại bác chào mừng theo nghi thức đặc biệt. Tiếp đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới duyệt đội danh dự, chào cờ Hải quân, Lục quân và Không quân. Lễ đón kết thúc với lần thứ hai, đội quân nhạc cử Quốc thiều Việt Nam.
Ngay sau lễ đón, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã tiến hành hội đàm. Sau hội đàm, hai Thủ tướng sẽ ký kết các văn kiện hợp tác giữa các bộ, ngành, cơ quan hai nước. Trưa cùng ngày, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern sẽ chủ trì tiệc chiêu đãi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn Cấp cao Việt Nam.
* Trước đó, sáng 13-3, tại thành phố Auckland (Ô-clen), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Lukas Paravicini (Lu-cát Pa-ra-vi-xi-ni), Giám đốc điều hành Tập đoàn Fonterra (Phôn-tê-ra) - một công ty sữa dinh dưỡng toàn cầu có sự kết nối của 10.500 hộ gia đình nông dân New Zealand.
Fonterra là nhà xuất khẩu sữa hàng đầu thế giới với những thương hiệu sữa nổi tiếng và quy trình nuôi trồng chặt chẽ, được chế biến trên khắp bốn châu lục. Công ty hiện có 22 nghìn nhân viên trên toàn cầu. Fonterra cũng là doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu của New Zealand trong hơn 50 năm qua và chiếm 25% xuất khẩu của nước này.
Tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Chính phủ Việt Nam hoan nghênh và đánh giá cao sự hợp tác của Fonterra với các đối tác phía Việt Nam. Là một quốc gia với hơn 93 triệu dân, dân số đứng thứ 14 trên thế giới, thị trường sữa tại Việt Nam có tiềm năng lớn. Cùng với đó, chính phủ đã xác định chiến lược cải thiện sức khỏe và tầm vóc của người Việt Nam, khiến cho nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm sữa ngày càng cao. Thủ tướng cho biết, thị trường sữa và thực phẩm dinh dưỡng tại Việt Nam đang có sự phát triển mạnh mẽ và được đánh giá là một trong những nhóm thị trường hấp dẫn nhất thế giới.
Nhấn mạnh đến những cơ hội rộng mở từ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP), Thủ tướng tin tưởng Fonterra và các doanh nghiệp của New Zealand sẽ tận dụng tốt những cơ hội này, gia tăng đầu tư vào Việt Nam, qua đó mở rộng thị trường sang các nước ASEAN. Bên cạnh đó, Việt Nam đang không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài đến với Việt Nam.
 |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - New Zealand. Ảnh: TTXVN. |
Thủ tướng cho biết, Chính phủ Việt Nam sẽ thúc đẩy việc đầu tư phát triển ngành sữa vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất với chi phí nhân công thấp đồng thời mang lại sinh kế cho người dân, góp phần tạo việc làm, tăng cường an sinh xã hội, gắn liền lợi ích doanh nghiệp với cộng đồng.
Giám đốc điều hành Tập đoàn Fonterra, ông Lukas Paravicini khẳng định, Fonterra rất coi trọng thị trường Việt Nam. Công ty có quan hệ hợp tác với nhiều công ty sữa ở Việt Nam, hiện đang cung cấp các loại nguyên liệu sữa cho một số công ty sữa, đồ uống và thực phẩm dinh dưỡng. Fonterra cũng cung cấp những sản phẩm chất lượng cao cho người tiêu dùng Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm chủ lực như Anlene (En-lin), Anmum (En-măm) và Anchor (En-cơ). Ông Lukas Paravicini nêu rõ, Fonterra cam kết sẽ hợp tác mạnh mẽ hơn với các doanh nghiệp Việt Nam với mong muốn không ngừng mở rộng các hoạt động, đầu tư sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.
* Cũng trong sáng 13-3, tại Auckland, New Zealand, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp ông Kim Willoughby (Kim Uyn-lúc-bi), Giám đốc Công ty Deosan (Đê-ô-xan) và ông Victor Trương (Vích-to Trương), Giám đốc Công ty Richmond (Rích-mông).
Deosan là Công ty 100% vốn của New Zealand tập trung vào sản xuất các sản phẩm vệ sinh sữa và các thiết bị hút sữa. Với trọng tâm là sản xuất sản phẩm nông nghiệp hiện đại, những sản phẩm của Deosan được sử dụng rộng rãi tại các nông trại của New Zealand.
Tại buổi tiếp, lãnh đạo hai doanh nghiệp bày tỏ vui mừng được gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ở Auckland và cho biết đã làm việc với một số doanh nghiệp đối tác tại Việt Nam với ý định hợp tác, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực chế biến, sản xuất sữa, qua đó góp phần nâng cao năng lực của các doanh nghiệp sữa Việt Nam. Đánh giá cao tiềm năng của những doanh nghiệp sữa hàng đầu Việt Nam như Vinamilk và TH True Milk, Giám đốc Công ty Deosan cũng cho biết đã làm việc với các hộ nông dân trong lĩnh vực chế biến, sản xuất sữa tại Việt Nam đồng thời đang tích cực nghiên cứu thị trường và xây dựng kế hoạch đầu tư sản xuất kinh doanh sữa ở Việt Nam. Trong thời gian tới, Deosan dự định hỗ trợ các trang trại của Việt Nam bằng các sản phẩm và dịch vụ phù hợp, tập trung vào thiết bị vắt sữa và hàng tiêu dùng; cung cấp gia súc; dịch vụ thú y; thiết kế trang trại và quản lý; các hệ thống quản lý chất lượng.
 |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến lễ ký biên bản hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước. Ảnh: TTXVN. |
Tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ Việt Nam ủng hộ hoạt động kinh doanh cũng như sự hợp tác giữa Deosan và các doanh nghiệp Việt Nam. Thủ tướng nêu rõ, chăn nuôi bò sữa, cung cấp bò sữa giống cũng như sản xuất, chế biến sữa là lĩnh vực hai bên đều có tiềm năng, nhu cầu và có thể bổ trợ cho nhau. Thủ tướng cũng đánh giá cao việc Doesan đã hỗ trợ cho các doanh nghiệp sữa của Việt Nam và nhấn mạnh đây là lĩnh vực có thế mạnh của New Zealand mà Việt Nam cần học tập.
Thủ tướng cũng cho biết, Việt Nam đang từng bước xây dựng ngành công nghiệp chế biến sữa phát triển bền vững theo hướng hiện đại, đồng bộ từ sản xuất nguyên liệu đến thành phẩm, có khả năng cạnh tranh để chủ động hội nhập với khu vực và thế giới, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân và xuất khẩu. Cho rằng, với quy mô dân số gần 100 triệu dân, Việt Nam là thị trường lớn cho các doanh nghiệp sữa của New Zealand, Thủ tướng cũng khẳng định Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất, chế biến sữa đầu tư, mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ, thiết bị, áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng.
Thủ tướng cũng bày tỏ mong muốn Deosan thông qua liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp trong nước để chuyển giao công nghệ sản xuất tiên tiến, xây dựng các hệ thống quản lý, thẩm định, kiểm nghiệm chất lượng sữa, nâng cao chất lượng sản phẩm sữa Việt Nam, tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu.
* Sáng cùng ngày, tại thành phố Auckland (Ô-clen), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - New Zealand. Cùng dự có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, lãnh đạo một số bộ, ngành của Việt Nam cùng hơn 300 doanh nghiệp, nhà đầu tư của hai nước.
Phát biểu mở đầu diễn đàn, Bộ trưởng Nông nghiệp, An toàn thực phẩm, An ninh sinh học và Cộng đồng nông thôn New Zealand, ông Damien O'Connor (Đa-mi-ân Ô-con-nơ) đánh giá cao thành công của nền kinh tế Việt Nam với sự hội nhập ngày càng mạnh mẽ và nhấn mạnh, cũng như New Zealand, Việt Nam là nền kinh tế hướng về xuất khẩu. Theo ông, cộng đồng doanh nghiệp New Zealand mong muốn cải thiện, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ thương mại với Việt Nam.
 |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – New Zealand. Ảnh:TTXVN. |
Ông Damien O'Connor cũng cho biết, Chính phủ New Zealand sẽ tiếp tục tạo điều kiện, giải quyết những vấn đề mà các nhà đầu tư đặt ra và kỳ vọng diễn đàn lần này sẽ tạo ra kết nối có giá trị, mang lại lợi ích cho cả hai bên.
Bày tỏ ấn tượng với phát biểu này của Bộ trưởng O'Connor, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhất trí cho rằng, qua 43 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, sự hợp tác giữa hai bên là điều tự nhiên, là nhu cầu của hai nước, cùng có lợi, cùng phát triển. Thủ tướng mong muốn qua diễn đàn này, doanh nghiệp hai nước sẽ trao đổi cụ thể về các cơ hội hợp tác.
Nhấn mạnh môi trường kinh doanh của Việt Nam đã cải thiện đáng kể trong những năm gần đây qua các đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Thủ tướng dẫn chứng một số số liệu thời sự mới nhất như báo cáo của Tổ chức Xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (JETRO) công bố cuối tháng 2 vừa qua, cho thấy gần 70% doanh nghiệp Nhật Bản đang kinh doanh ở Việt Nam đều có ý định mở rộng kinh doanh. Hơn 62% doanh nghiệp Nhật khẳng định nếu làm ăn ở Việt Nam thì có lãi. Đặc biệt, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) công bố chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam cuối quý IV-2017 vừa qua, cho thấy trên 63% doanh nghiệp kinh doanh tốt và rất tốt trong phạm vi quốc gia và gần 86% doanh nghiệp duy trì, mở rộng đầu tư. Trong tháng 2-2018, Nikkei công bố chỉ số quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam đạt 53,5 điểm, cao nhất trong ASEAN. Thủ tướng cũng cho biết, số liệu mới nhất về tăng trưởng của Việt Nam trong quý I-2018 ước đạt 7,41%, cao nhất từ trước đến nay.
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư tốt hơn nữa để thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài nhiều hơn, chất lượng hơn, bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư trên những lĩnh vực mà pháp luật Việt Nam đã quy định.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng cảm ơn Chính phủ New Zealand và các doanh nghiệp đã dành thời gian đến dự diễn đàn và tin rằng, sau diễn đàn, nhất định nhiều hợp đồng mới sẽ được ký kết để hai bên cùng thắng. Đó chính là đóng góp thiết thực cho mối quan hệ tốt đẹp, toàn diện giữa Việt Nam và New Zealand, hiện đang hướng tới kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Cho rằng, vào Việt Nam, không chỉ tiếp cận được thị trường gần 100 triệu dân, mà còn tiếp cận thị trường 600 triệu dân của ASEAN, thị trường Trung Quốc rộng lớn bên cạnh, Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp New Zealand thảo luận, trao đổi về cơ hội hợp tác trong bối cảnh mới, khi hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa được ký kết, trong đó Việt Nam và New Zealand là thành viên.
Thủ tướng bày tỏ tán thành việc đẩy mạnh các lĩnh vực là thế mạnh của New Zealand mà Việt Nam coi là những lĩnh vực ưu tiên như giáo dục, đào tạo. Ngoài ra, Việt Nam cũng quan tâm đến an toàn thực phẩm, những kinh nghiệm của New Zealand về phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh cũng như lĩnh vực hạ tầng và các lĩnh vực khác mà hai bên cùng quan tâm.
Cũng tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp trả lời, giải đáp các vấn đề mà doanh nghiệp New Zealand đưa ra về chính sách cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam, chính sách thu hút đầu tư phát triển hạ tầng…
Sau đó, Thủ tướng đã chứng kiến việc ký kết thỏa thuận hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực nông nghiệp, giáo dục, giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hội đồng kinh doanh New Zealand.
TTXVN