Những người bạn lâu năm

Hơn 6 giờ chiều 11-4, chuyên cơ chở Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tới sân bay quốc tế Vaclav Havel, Pra-ha. Dẫu đã chiều muộn nhưng nắng vàng vẫn còn rực rỡ, nhiệt độ chỉ khoảng vài độ C. Chứng kiến cảnh Phó chủ tịch Thượng viện CH Séc I-vô Ba-rếch (Ivo Bárek) khoác áo măng-tô dày ra tận chân cầu thang máy bay tiếp đón Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng đoàn công tác, chúng tôi thấy trong lòng ấm áp. Sau ít phút nói chuyện ở sân bay, Phó chủ tịch Quốc hội I-vô Ba-rếch đưa Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng đoàn về tận khách sạn và tiếp tục trò chuyện về mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai nước, hệt như những người bạn cũ thân thiết sau nhiều năm gặp lại.

leftcenterrightdel
 Pha lê được chế tác để trang trí phía trước Công ty Pha lê Moser, CH Séc.
Việt Nam và CH Séc đúng là những người bạn thân thiết lâu năm. Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao từ ngày 2-2-1950. Kể từ đó đến nay, hai nước luôn thực hiện chính sách phát triển quan hệ hợp tác trên mọi lĩnh vực. Đây cũng là nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, thể hiện rõ nét trong các cuộc hội đàm, hội kiến giữa Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với các vị lãnh đạo cao cấp nhất của CH Séc tại Pra-ha. Trong mỗi cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đều khẳng định, Việt Nam coi trọng phát triển quan hệ với các nước bạn bè truyền thống, trong đó có CH Séc và các vị lãnh đạo CH Séc cũng nhấn mạnh chính sách ưu tiên phát triển quan hệ với các nước bạn bè truyền thống, trong đó có Việt Nam.

Các bạn Séc đã dành nghi thức chiêu đãi cao nhất, quốc yến, để tiếp đón Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam…

Thủ phủ pha lê của thế giới

Nếu như CH Séc được coi là trung tâm của ngành công nghiệp pha lê trên thế giới, thì vùng Ka-rơ-lô-vi Va-ri (Karlovy Vary) được coi là thủ phủ của các thương hiệu pha lê nổi tiếng của CH Séc. Tới thành phố này và ghé thăm những khu sản xuất, trưng bày pha lê, chúng tôi không khỏi thán phục trước độ khéo léo từ đôi bàn tay của những người thợ chế tác pha lê. Những bộ pha lê được sơn, mài thủ công tinh xảo và hoàn hảo đến từng chi tiết, lấp lánh như kim cương khi soi dưới ánh đèn hoặc ánh nắng mặt trời. Với những rãnh mài sản phẩm mềm mại, nhỏ xíu trên các sản phẩm và với chất lượng pha lê tuyệt đỉnh, nên mỗi sản phẩm nhỏ như chiếc ly uống rượu cũng có giá từ vài triệu đến cả chục triệu đồng Việt Nam. Chợt thấy, lấp lánh trong những ánh pha lê là sự hy vọng về triển vọng hợp tác mới giữa Việt Nam và CH Séc trong lĩnh vực sản xuất pha lê, khi người Việt Nam nổi tiếng về sự siêng năng, thông minh, có bàn tay khéo léo và nguyên liệu sản xuất pha lê ở Việt Nam rất dồi dào.

leftcenterrightdel
Một khu trưng bày sản phẩm pha lê ở Ka-rơ-lô-vi Va-ri.  
Những đặc tính tốt đẹp của người Việt Nam như cần cù, khéo léo, thông minh được chính Thị trưởng thành phố Ka-rơ-lô-vi Va-ri, ông Pét-tơ-rơ Cun-ha-nếch (Petr Kulhánek) khẳng định lại với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ông Thị trưởng cũng rất tự hào khi giới thiệu cộng đồng người Việt Nam là một bộ phận lớn của cư dân Ka-rơ-lô-vi Va-ri.

Không riêng ở Ka-rơ-lô-vi Va-ri, cộng đồng người Việt Nam có số lượng lớn ở khắp CH Séc. Anh Bình, một người Việt Nam sinh sống ở thủ đô Pra-ha vui vẻ nói chuyện với chúng tôi: “Người Việt Nam ở CH Séc rất khó tổ chức họp đồng hương cấp tỉnh, vì đông quá. Hội đồng hương cấp huyện đông nhất cũng lên tới 6.000 người”.

Với số lượng đông đảo và với sự đóng góp rất lớn cho CH Séc, những người Séc gốc Việt đã được phía bạn công nhận là một trong 14 dân tộc ở CH Séc và là dân tộc thiểu số lớn thứ 3 ở xứ sở pha lê và bia Tiệp này. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và lãnh đạo CH Séc cùng nhất trí đánh giá, cộng đồng người Việt Nam tại Séc và những người Việt Nam từng sinh sống, học tập, làm việc tại Séc chính là nguồn lực quan trọng, đáng quý, lấp lánh tựa pha lê điểm xuyết và thúc đẩy quan hệ hợp tác, giao lưu giữa hai nước và nhân dân hai nước phát triển mạnh mẽ hơn.

Hướng tới sự hoàn hảo

Việt Nam và CH Séc đã, đang và sẽ mãi mãi là những người bạn tốt của nhau. Điều đó được thể hiện không chỉ bằng những nghi thức đối ngoại, phát ngôn mà còn qua nhiều việc làm cụ thể. Đó là sự ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn khu vực, quốc tế, là sự ủng hộ chí tình của Nhà nước và nhân dân Séc với Nhà nước và nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc và thống nhất đất nước trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay.

Hai bên đã thẳng thắn trao đổi, cùng nhau tìm giải pháp tháo gỡ những điểm còn tồn tại nhằm đưa quan hệ giữa hai nước phát triển lên một tầm cao mới, nổi bật nhất là sự phức tạp của thủ tục thị thực mà nước này dành cho công dân của nước kia, đặc biệt là thủ tục thị thực Séc với công dân Việt Nam. Không chỉ những người có trách nhiệm trong bộ máy Nhà nước CH Séc, mà cả những người yêu mến Việt Nam và đại diện cộng đồng doanh nghiệp Séc cũng nhất trí với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, cần có sự cải thiện cho phù hợp với quan hệ tốt đẹp giữa hai nước trong suốt 67 năm qua.

Rồi đây, khi những vấn đề về thị thực được giải quyết, khi một đường bay thẳng được nối từ Việt Nam tới CH Séc và ngược lại, sự giao lưu và giao thương giữa hai nước chắc chắn sẽ nhộn nhịp hơn. Khi đó, nước này chắc chắn sẽ trở thành cửa ngõ rộng mở để hàng hóa nước kia tỏa đi các thị trường khác trong khu vực. Quan hệ giữa hai nước sẽ càng hoàn hảo hơn, đáng quý hơn, như những sản phẩm pha lê lấp lánh muôn màu…/.

Bài và ảnh: CHIẾN THẮNG  (từ Pra-ha, CH Séc)