Làng bánh chưng Thanh Khúc

Gói bánh trưng ở làng Thanh Khúc
Chiếc bánh chưng xanh từ bao đời nay đã trở thành món ăn dân tộc không thể thiếu mỗi dịp tết đến, xuân về. Xưa kia, bánh chưng là lễ vật cao quý dùng để dâng biếu vua quan khởi nguồn từ câu chuyện truyền thuyết về hoàng tử Lang Liêu thời Hùng Vương, nhờ dâng vua cha loại bánh chưng quý giá này mà được nhường ngôi vua.

Ở Hà Nội có một làng nghề gắn liền với truyền thuyết ấy. Đó là làng Thanh Khúc, còn gọi là Tranh Khúc, thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội. Hàng năm, cứ dịp 10-3 âm lịch, người làng Thanh Khúc lại đem lễ vật bánh chưng lên đền Hùng (Phú Thọ) để dâng cúng. Thanh Khúc nằm về phía Nam thành phố. Đến làng vào dịp cuối năm ta mới cảm nhận được cái không khí chuẩn bị tết sớm và náo nức như thế nào. Trong nhà các “ông chủ bánh chưng” có đến cả tấn gạo, tạ đỗ. Ở làng Thanh Khúc nhà nào cũng làm bánh chưng. Chỉ có điều làm ít hay làm nhiều thôi. Gia đình làm ít cũng 1-2 yến gạo mỗi ngày, còn gia đình làm nhiều thị phải 1-2 tạ gạo. Bánh chưng Thanh Khúc đã có danh tiếng từ lâu đời nhờ bánh ngon, hình thức đẹp, bảo đảm vệ sinh thực phẩm nên lượng bánh tiêu thụ hàng ngày cũng như ngày lễ tết rất lớn.

Các gia đình ở làng Thanh Khúc ít đi bán lẻ mà thường đổ buôn bánh chưng đến các chợ Hôm, chợ Đồng Xuân… đến các bệnh viện, khách sạn lớn ở Hà Nội.

Muốn bánh chưng ngon thì trước hết khâu chọn nguyên liệu làm bánh phải thật chu đáo. Phải chọn gạo nếp ngon, Trước lúc gói cần được ngâm kỹ, thịt không ôi, đảm bảo mỗi miếng thịt có đủ thịt bì mỡ. Đậu xanh khi đồ cần hớt bọt, chín vừa tới, giúp đậu còn độ thơm, ngậy. Nhân đậu, thịt phải cho đủ gia vị. Lá dong to bản, rửa sạch, lau khô trước khi gói. Gói xong cần luộc ngay tránh hiện tượng thịt, đầu, gạo để lâu dễ lên men. Khi xếp bánh để luộc cũng cần phải cẩn thận. Không xếp bánh sống hoặc bánh chín nhừ quá. Lửa đun bánh phải đều giúp bánh rền, ngon và luộc không dưới 8 tiếng đồng hồ.

Vào những ngày áp Tết, mỗi gia đình làm bánh chưng ở Thanh Khúc cần từ 10-25 người phục vụ, cần 5-10 lò luộc của khách hàng. Không ít khách hàng từ các tỉnh, thành phố khác tới đặt bánh. Những ngày này, từ các em nhỏ 10-15 tuổi đến các cụ già 70-80 tuổi đều tham gia làm bánh.

Làng giò chả Ước Lễ.

Cứ vào dịp Tết khi mạ đã gieo xong, ruộng đã cày ải, người dân Ước Lễ bắt đầu kéo nhau đi đến khắp mọi miền đất nước để làm giò chả, nem chua phục vụ nhân dân ăn Tết . Cụ Nguyễn Thị Hội, 80 tuổi ngồi bán nước sau cổng làng cổ kính hàng chục năm nay, trực tiếp chứng kiến sự giàu lên cảu dân làng nhờ nghề truyền thống giò chả cho biết, bắt đầu từ giờ cho đến 20 tháng Chạp dân làng đi hết chỉ còn lại những cụ già và trẻ nhỏ. Gần 30 Tết họ mới kéo nhau về,lúc ấy cả làng mới bắt đầu chuẩn bị cho Tết. Bao nhiêu năm nay, dân làng Ước Lễ chỉ sống bằng một tháng Tết này thôi.”

Nghề giò chả ở Ước Lễ có từ xa xưa lắm, con em Ước Lễ không ai là không biết nghề, nhưng vào thời buổi kinh tế thị trường này, không phải ai cũng hành nghề quanh năm được. Vì làm giò chả ở làng thì bán cho ai? Ngay từ đầu thế kỉ, nhiều con em của làng đã ra Hà Nội hay đến nhiều tỉnh thành trong cả nước để hành nghề, cho đến nay, số người đi làm nghề chiếm 1/5 dân số của làng. Riêng ở Hà Nội, có đến trăm hộ gia đình. Ngày thường nhân dân ăn giò chả ít, chủ yếu là phục vụ các nhà hàng, khách sạn, vì vậy mỗi gia đình làm nghề ở Hà Nội hay các địa phương trong cả nước chỉ cần 5-10 lao động là đủ. Nhưng vào tháng Tết này, họ nhận đặt từ chục đến vài chục tấn giò chả mỗi ngày nên phải huy động con em trong làng đi thì mới kham nổi.

Chúng tôi đến cơ sở sản xuất giò chả của anh Lê Tiến Oanh- một người dân của làng Ước Lễ ở Hà Nôị . Anh Oanh cho biết , mấy ngày nay thị trường gìo chả đã bắt đầu nóng lên, lưọng tiêu thụ đã mạnh dần nên chúng tôi phải tăng sản lượng. Những ngày thường anh Oanh chỉ sử dụng 5,6con em của làng sản xuất vài tạ giò chả mỗi ngày, nhưng những ngày này anh phải huy động thêm gấp đôi gấp ba mới đáp ứng được việc sản xuất vài ba tấn. Một số cơ sở sản xuất lớn như cơ sở của ông BẢo, ông Bình ở Hà Nội, ông Thành( TPHCM), ông Quang( Đà Lạt) vào thời điểm này mỗi ngày có thể sản xuất vài tấn giò chả, và sản lượng tăng dần lên đến 30 Tết. Theo thống kê của UBND xã Tân Ước thì vào tháng Tết này làng nghề Ước Lễ có trên 1.000 người thì 1.000 người đi làm giò chả. Ngoài việc đi làm cho các cơ sở lớn, dân làng còn tập hợp nhau lại thành những nhóm nhỏ đến các nơi để lập cơ sở sản xuất phục vụ Tết nguyên đán. Hết Tết, cơ sở sản xuất đó lại giải tán.Năm sau vào tháng Chạp lại bắt đầu. Có thể nói, thu nhập của người dân chỉ riêng tháng Tết này thôi có thể bằng cả một năm làm ruộng.

Bánh kẹo La Phù vào vụ Tết

Những năm gần đây, các doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo ở La Phù đã tập trung đầu tư, đổi mới công nghệ, từng bước tiếp cận thị trường và dịp tết là thời gian để các doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo tung ra thị trường những sản phẩm ngon, hấp dẫn.

Hiện nay, sản phẩm phổ biến nhất đang được sản xuất và tiêu thụ mạnh ở La Phù là sản phẩm bánh quy bơ sữa và việc tung sản phẩm ra thị trường cũng khá linh hoạt. Đối với thị trường thành thị và xuất khẩu, bánh được đóng gói trong những bao bì rất đẹp, bắt mắt vì vậy sản phẩm bánh chất lượng cao của La Phù vẫn len lỏi được vào thị trường thành thị và được người tiêu dùng chấp nhận. Với thị trường nông thôn, phục vụ đám cưới và những ngày lễ tết, bánh quy bơ sữa không cần đóng gói mà chỉ đóng vào các túi nilông lớn để bán theo cân, giảm chi phí bao bì. Vì vậy, chất lượng bánh rất ngon nhưng giá lại rẻ hơn rất nhiều loại bánh khác nên phù hợp với người có thu nhập thấp và chiếm lĩnh được thị trường. Cùng với bánh quy bơ sữa, các cơ sở sản xuất bánh kẹo ở La Phù còn cung cấp ra thị trường các loại thạch rau câu, kẹo lạc xốp, kẹo ngô... Các hoạt động bán hàng cũng được cải tiến nhanh gọn và tiện lợi, các cơ sở sản xuất bánh kẹo của La Phù đã thực hiện bán hàng qua điện thoại và trên mạng.

Ở xưởng sản xuất bánh kẹo Hoàng Gia, hàng chục công nhân đang tích cực đóng gói, kiểm tra chất lượng để đưa hàng đi tiêu thụ. Anh Quang chủ cơ sở sản xuất cho biết: Mỗi ngày cơ sở này sản xuất khoảng hơn 5 tấn bánh kẹo ra thị trường, cung cấp cho khắp các tỉnh trong cả nước thông qua gần 70 đại lý. Với 1 dây chuyền sản xuất, công nghệ Trung Quốc có thể sản xuất ra sản phẩm chất lượng tốt nhưng cơ sở sản xuất Hoàng Gia vẫn tích cực nghiên cứu, vừa điều chỉnh việc pha chế cùng với nhập các nguyên liệu được lựa chọn rất kỹ như bơ của Mỹ hoặc NaUy, sữa của Úc...

Sản xuất bánh kẹo phát triển đã góp phần không nhỏ vào giá trị công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp của địa phương. Từ đầu năm đến nay giá trị sản xuất CN-TTCN của La Phù đã đạt 383 tỷ đồng, tăng 13% so với năm ngoái.

MINH HÀ