Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) lại ra một thông báo mới nhất về việc tiếp tục cắt giảm sản lượng điện cung cấp cho nền kinh tế và tiêu dùng với mức độ cắt giảm dự kiến là 1500 MW/ngày trong tháng 6.

Mức độ cắt giảm này tương đương với việc ngưng hoạt động của hai nhà máy điện lớn cỡ nhiệt điện Cà Mau 1.

Nguồn điện mới chưa đi vào hoạt động

Văn bản phát đi từ EVN hôm 4/6, do Phó tổng giám đốc EVN Nguyễn Mạnh Hùng ký, tiếp tục đưa ra những khó khăn trong việc cung cấp điện trong tháng 6.Những lý do không có gì mới so với thông báo trước đó hồi cuối tháng 4, nêu ra việc tình hình cấp điện mùa khô tiếp tục căng thẳng. EVNcho biết: "Tình hình điện cho miền Bắc chưa có nguồn mới đi vào vận hành”, trong khi thời tiết khu vực này lại nắng nóng và mưa bão.

Tình hình thủy văn ở các hồ thủy điện mới được cải thiện hơn trong tháng trước nay lại xuống ở mức thấp, dẫn đến công suất khả dụng của các nhà máy thủy điện giảm rất thấp. Hiện tại, công suất khả dụng của thủy điện Hòa Bình chỉ ở mức 1400 MW, trong khi công suất định mức là 1920MW. Thực tế khác nữa là một số tổ máy nhiệt điện đã tạm đóng cửa, không phát điện với lý do sửa chữa định kỳ.

Tốc độ vận hành và đưa vào sử dụng của một số nhà máy mới vẫn không thể đúng tiến độ. Ví dụ như nhà máy nhiệt điện Cà Mau 2 (720 MW) dự định chạy máy ngày 19/5 nhưng đến nay chưa chạy thử, nhà máy Nhơn Trạch 1 (công suất 450 MW) của Tập đoàn Dầu khí (Petro Vietnam) mới chạy thử một tổ máy chu trình đơn 150 MW. Trong khi đó, nhiệt điện Uông Bí mở rộng (công suất 300 MW) lại bị sự cố chưa thể vận hành được và tiếp tục phải khắc phục trong 2 tháng tới. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng điện tháng 6 so với cùng thời điểm năm trước trên thực tế đã tăng 14% (khoảng 240 triệu kWh/ngày) và còn tiếp tục tăng cao hơn trong những ngày nắng nóng .

EVN dự tính, công suất tại giờ cao điểm (lúc 10 giờ 30 hàng ngày) dự kiến tăng lên khoảng 1300 MW, tức là tăng hơn 2000 MW so với tháng trước. Trước thực tế không được cải thiện, nhưng EVN vẫn khẳng định rằng: “Vẫn có khả năng đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế và điện cho dân sinh trong tháng khó khăn”.

Điều kiện để đảm bảo là cắt giảm công suất phát điện 1500 MW/ngày trong giờ cao điểm (từ 9 giờ 30 đến 11 giờ mỗi ngày). Các biện pháp cần thiết khác mà EVN đề ra để giảm thiểu sự căng thẳng cho nguồn cung là huy động các nguồn điện sẵn có, kể cả nguồn điện giá cao.

Người bán ngoảnh mặt với người mua

EVN cũng hứa sẽ tạo điều kiện giúp các nhà máy điện mới thí nghiệm thành công để nhanh chóng đưa vào vận hành chính thức. Tuy nhiên, theo một lãnh đạo của Petro Vietnam, nhà đầu tư độc lập (IPP) ngoài EVN cũng không thể chịu nổi kiểu huy động công suất và tình hình điều độ nguồn cung điện của EVN cho các nhà đầu tư. Cụ thể là trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (AO) thuộc EVN chỉ huy động công suất phát trung bình là 284 MW và 227 MW trong hai ngày thiếu điện cao điểm nhất tháng 5, trong khi công suất phát điện của nhà máy điện Cà Mau 1 đã đạt 720 MW.

“Việc mua hạn chế của EVN và AO không hợp lý, không tính toán đến việc phân bổ và chia sẻ lúc khó khăn cũng như thuận lợi cho các nhà đầu tư nên Petro Vietnam đã phải ngưng vận hành một số tổ máy và điều này gây khó khăn cho việc nghiệm thu chạy thử còn lại của nhà máy điện Cà Mau 1 và 2 trong những tháng tới”- vị lãnh đạo này bức xúc.

Thậm chí, Petro Vietnam còn làm đơn gửi tới Chính phủ và Bộ Công Thương, chỉ rõ việc thiếu nguồn cung điện đáng lý đã được giải quyết nếu EVN chịu ngồi với nhà đầu tư điều tiết việc phân phối giờ cao và thấp điểm. Công suất phát của nhà máy điện Cà Mau 1 là 720 MW, tương tự như nhà máy điện Cà Mau 2. Song, Petro không mạo hiểm “mồi lửa” vì kinh nghiệm của họ cho thấy, khidoanh nghiệp nàyđi mua khí từ đối tác nước ngoài với mức 3,2 trệu m3 khí/ngày để phát đủ số công suất trên thì EVN lại luôn huy động điện thấp hơn nhiều khả năng cung cấp khí. Tổng chênh lệch điện có thể cung cấp và thực tế EVN mua từ tháng 1 đến tháng 4 lên tới 315,4 triệu kWh, là rất thiệt hại cho nhà đầu tư.

Thông thường, EVN ưu tiên mua điện từ nguồn Trung Quốc với giá khoảng 700 đồng/kWh và đó là nguồn cung lớn cho họ, thay vì mua giá cao hơn của các nhà đầu tư trong nước.

Do vậy, trong tình hình khó khăn hiện tại, mặc dù EVN đã cam kết sẽ huy động các nguồn sẵn có, kể cả nguồn giá cao, các nhà đầu tư ngoài EVN cũng không mặn mà, khiến tình hình sản xuất và đời sống của nhân dân bị ảnh hưởng lớn.

Theo Thời báo Kinh tế SG