 |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Hội nghị giao ban công tác phòng, chống tham nhũng các tỉnh, thành khu vực phía Nam |
QĐND – Ngày 12-1-2008, tại TP. Hồ Chí Minh, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN) đã tổ chức Hội nghị giao ban về công tác PCTN với đại diện UBND và Ban chỉ đạo PCTN 32 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực phía Nam. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trưởng Ban chỉ đạo đã chủ trì hội nghị.
Trong năm 2007, với quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo tích cực của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, các cơ quan chức năng, các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đã đạt được những kết quả bước đầu, quan trọng. Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về PCTN và giáo dục đạo đức, tư tưởng cho cán bộ, công chức được triển khai sâu rộng bằng nhiều hình thức thiết thực; việc rà soát, bổ sung, xây dựng thể chế, thực hiện các giải pháp phòng, chống tham nhũng được coi trọng; công tác cải cách hành chính được quan tâm; vai trò, trách nhiệm xã hội trong PCTN được phát huy; công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử được tăng cường, số vụ việc; vụ án tham nhũng mới được phát hiện và xử lý tăng nhiều (435 vụ) so với 2006; một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được xử lý kiên quyết, nghiêm minh, được dư luận xã hội hoan nghênh; các cơ quan chuyên trách về PCTN từ Trung ương đến địa phương được kiện toàn và phát huy hiệu quả. Điều đó khẳng định quyết tâm và khả năng của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong công tác PCTN.
13 ý kiến phát biểu tại hội nghị đều nhất trí với cơ bản nội dung trong bản báo cáo kết quả PCTN năm 2007 với 8 nội dung công tác, 6 tồn tại, 4 nguyên nhân và 9 nội dung công tác PCTN năm 2008; đồng thời đóng góp nhiều ý kiến thiết thực.
Các ý kiến kiến nghị của các đại biểu tập trung vào các vấn đề như: Tăng cường hiệu lực của công tác cải cách hành chính; công tác đấu tranh phòng ngừa tham nhũng từ tổ chức cơ sở Đảng; mở rộng quy chế dân chủ cơ sở, tăng cường công tác quản lý, giám sát; làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết “điểm nóng”. Hoàn thiện bộ máy và tổ chức hoạt động PCTN tại địa phương. Phải có cơ chế, chính sách, quy chế bảo vệ người chống tham nhũng và đội ngũ những người làm công tác PCTN. Từng bước tập huấn, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ PCTN có đạo đức lương tâm, có năng lực chuyên môn và tinh thần dũng cảm.
Ý kiến của đại biểu Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao, Kiểm toán Nhà nước… còn kiến nghị: Phải xử lý bằng biện pháp hành chính, hình sự đối với đối tượng tham nhũng, phải đồng thời xử lý mạnh mẽ về tài chính, nhằm thu hồi triệt để số tài sản công bị xâm hại. Một số kiến nghị đề nghị Thủ tướng và cơ quan chức năng điều chỉnh lại giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho sát với thị trường; định giá đúng tài sản thanh lý trong quá trình cổ phần hóa; giá đất cho thuê giữa doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp ngoài quốc doanh còn chênh lệch… cũng là điều kiện phát sinh tham nhũng. Các đại biểu tâm đắc rằng, nếu cơ sở Đảng nêu cao sức mạnh chiến đấu, nội bộ cơ quan tăng cường đối thoại, dân chủ giám sát lẫn nhau thật tốt thì, sẽ hạn chế được rất nhiều nạn tham nhũng…
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hoan nghênh các Ban PCTN địa phương đã chủ động triển khai nhiệm vụ và nêu rõ quyết tâm của Đảng và Chính phủ: Ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng có hiệu quả. Phải triển khai đồng bộ, kiên trì, kiên quyết, đúng pháp luật; liên tục tấn công không lơ là, chủ quan. Năm 2008 là năm bản lề của kế hoạch 5 năm, cùng với việc kiên quyết chống tham nhũng cần tăng cường các giải pháp tổng hợp phấn đấu đưa nền kinh tế phát triển, kềm chế lạm phát ở dưới mức tăng trưởng kinh tế (GDP), cải thiện tốt hơn đời sống nhân dân, đặc biệt quan tâm đến hộ nghèo, giảm hộ nghèo… Tạo chuyển biến trong đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực. Tập trung sức cải cách có hiệu quả thủ tục hành chính… Thủ tướng nhấn mạnh, muốn làm tốt PCTN cần phải: Phát huy vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy và chính quyền các cấp; các cơ quan chức năng PCTN phải vào cuộc đồng bộ, tích cực và có sự phối hợp tốt giữa Trung ương với địa phương, giữa các cơ quan chức năng thành viên. Tiếp tục rà soát cơ chế về quản lý Nhà nước để hoàn thiện theo hướng thị trường, phân cấp quản lý (người chịu trách nhiệm) và công khai minh bạch về tài chính. Quản lý dự án, XDCB, cổ phần hóa… không được để thất thoát tài sản Nhà nước. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát, điều tra, truy tố, xét xử phải đồng bộ, đúng người, đúng vụ việc, đúng pháp luật. Tăng cường công tác giáo dục sâu rộng; tăng cường sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, duy trì có hiệu quả cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong cán bộ, đảng viên. Phát huy vai trò của toàn xã hội, nhân dân và các cơ quan truyền thông đại chúng. Nghiên cứu chế độ, chính sách cho những người tham gia PCTN, quy chế bảo vệ người dũng cảm đấu tranh tố cáo tham nhũng. Có kế hoạch tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong bộ máy của cơ quan PCTN địa phương. Điều chỉnh, sửa đổi bổ sung một số giải pháp chính sách khác nhằm phục vụ cho nhiệm vụ PCTN đạt kết quả tốt nhất.
SĨ BÌNH