QĐND - Những năm trước, Đại đội 3, Tiểu đoàn 27 (Lữ đoàn Công binh 513, Quân khu 3) có nhiều thành tích trong huấn luyện, SSCĐ, nhưng năm 2012 và 2013, đơn vị lại hoàn thành nhiệm vụ ở mức thấp. Nguyên nhân được chỉ huy lữ đoàn phân tích, làm rõ là do chỉ huy đại đội chưa làm tốt công tác nắm và giải quyết các tình huống tư tưởng bộ đội.
Thế rồi khoảng thời gian khó khăn đó cũng nhanh chóng qua đi, bởi chỉ huy đơn vị đã áp dụng phương pháp giải quyết các tình huống tư tưởng phù hợp. Năm 2014, Chi bộ Đại đội 3 đạt TSVM, đại đội đạt danh hiệu “Đơn vị tiên tiến”. Thượng úy Phạm Minh Châu, Phó bí thư Chi bộ, Đại đội trưởng Đại đội 3, chia sẻ: Khi bộ đội xuất hiện tư tưởng làm việc cầm chừng, ngại rèn luyện, chấp hành quy định về thời gian không nghiêm… thì chỉ huy phải bình tĩnh tìm hiểu cặn kẽ, thấu đáo nguyên nhân khách quan, chủ quan, không nên nóng vội áp dụng các biện pháp xử lý cứng nhắc.
Thượng úy Phạm Minh Châu nêu ví dụ về trường hợp Thiếu úy QNCN Lê Văn Hiếu, thợ sửa chữa của đơn vị, là nhân viên có trình độ chuyên môn khá, nhưng một số lần chấp hành thời gian đi tranh thủ không nghiêm. Trước vi phạm ấy, chỉ huy đại đội đã không vội áp dụng các hình thức kỷ luật, mà chủ động nắm tình hình hậu phương, gia đình. Quá trình tìm hiểu, phân tích những sai phạm của đồng chí Hiếu, cấp ủy, chỉ huy Đại đội 3 cho rằng, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến vi phạm là do cá nhân nhận thức đơn giản, bên cạnh đó cũng có một phần tác động từ hoàn cảnh rất khó khăn của gia đình. Gia đình đồng chí Hiếu ở huyện đảo Cát Hải, đi lại khó khăn; bố anh mất sớm, vợ chưa có việc làm ổn định, nên đang ở quê ngoại Thái Bình. Mỗi lần được đi tranh thủ, anh thường phải cơ động “một chốn bốn nơi” để giải quyết công việc gia đình. Nắm được hoàn cảnh khó khăn đó, chỉ huy đơn vị thường xuyên động viên, chia sẻ và đề nghị cấp trên quan tâm, tạo điều kiện về thời gian đi tranh thủ phù hợp.
Từ thực tiễn nhiều năm lãnh đạo, chỉ đạo và trực tiếp tiến hành công tác tư tưởng cho bộ đội, Thượng tá Trần Văn Hoành, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Lữ đoàn 513 nêu kinh nghiệm: Phân đội là cấp trực tiếp quản lý bộ đội, lại hầu hết là chiến sĩ trẻ, dễ nảy sinh tư tưởng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Do vậy, trong nắm, quản lý và giải quyết tư tưởng bộ đội phải rất bình tĩnh, khéo léo, tránh nóng vội; nhất là không nên đặt vấn đề xử lý kỷ luật trước khi tiến hành các biện pháp giáo dục; đặc biệt phải nắm chắc về hoàn cảnh tác động, các tình huống nảy sinh tư tưởng của bộ đội, từ đó đưa ra các biện pháp giải quyết cụ thể, phù hợp, hiệu quả”.
Qua sự việc trên cho thấy, việc nắm và giải quyết các tình huống tư tưởng nảy sinh trong đời sống bộ đội là nghệ thuật của người chỉ huy, phải có biện pháp giải quyết khoa học, thấu tình đạt lý thì mới thực sự hiệu quả.
NGUYỄN MẠNH DŨNG