Nhiệm vụ kép

Thế giới đang phải vật lộn để vượt qua một cuộc khủng hoảng toàn cầu chưa từng có kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai do “kẻ thù vô hình” mang tên Covid-19 gây ra. Covid-19 không đơn thuần chỉ là vấn đề y tế mà còn là vấn đề an ninh phi truyền thống, ảnh hưởng tới hòa bình, ổn định của từng quốc gia, khu vực và cả thế giới. Chính vì vậy, quân đội không thể đứng ngoài và phải là lực lượng nòng cốt trong cuộc chiến chống đại dịch của mỗi quốc gia. Hơn nữa, virus SARS-CoV-2 tuy rất nhỏ bé nhưng lại không phân biệt biên giới, giàu nghèo, có thể len lỏi đến mọi ngóc ngách trên toàn cầu. Thực tế đó đòi hỏi sự hợp tác, phối hợp quốc tế trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

Trong bối cảnh như vậy, quân đội các nước ASEAN xác định chung tay chống đại dịch chính là một nhiệm vụ cấp bách. Đáng chú ý là ngay từ khi dịch Covid-19 còn chưa lan rộng và nhiều quốc gia Đông Nam Á còn chưa công bố dịch, theo đề nghị của Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Hội nghị hẹp Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM Hẹp) hồi tháng 2 vừa qua tại Hà Nội đã thông qua Tuyên bố chung của Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN về HTQP trong ứng phó dịch bệnh. “Điều đó thể hiện nhận thức chung, khả năng phản ứng mau lẹ, kịp thời với đại dịch cũng như năng lực gắn kết trong phối hợp chính sách và hành động giữa các thành viên ASEAN”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh. Ảnh: TRỌNG HẢI. 

Cho đến nay, đại dịch Covid-19 đã lây lan tới hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người. Mặc dù nguồn lực có phần còn hạn chế, song các nước thành viên ASEAN được đánh giá là không phải chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19 như nhiều quốc gia khác trên thế giới. Thậm chí có những quốc gia thành viên ASEAN như Việt Nam còn được cộng đồng quốc tế ca ngợi là một hình mẫu trong cuộc chiến chống đại dịch. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng theo Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, không thể không nhắc đến sự hợp tác thực chất, hiệu quả trong chống dịch giữa các nước thành viên ASEAN. Đơn cử như thời gian qua, Bộ Quốc phòng Việt Nam, trong khả năng của mình đã tích cực hỗ trợ vật tư y tế, chia sẻ kinh nghiệm với Bộ Quốc phòng các nước ASEAN trong phòng, chống dịch (PCD) Covid-19. Trên bình diện đa phương, tại Hội nghị trực tuyến Quan chức Quốc phòng cấp cao ASEAN (ADSOM) diễn ra ngày 15-5-2020, Bộ Quốc phòng các nước ASEAN đã nhất trí và ngày 27-5 vừa qua, Cục Quân y (Tổng cục Hậu cần) và Trung tâm Quân y ASEAN cùng tổ chức diễn tập xử lý tình huống của Quân y ASEAN trong PCD bệnh theo hình thức trực tuyến, trọng tâm là PCD Covid-19. “Thực chất của cuộc diễn tập là chia sẻ kinh nghiệm, nguồn lực, trao đổi các vấn đề kỹ thuật để ứng phó dịch bệnh. Không chỉ có các nước thành viên với nhau mà chúng ta cũng kêu gọi các nước bên ngoài, nhất là các nước Cộng, hỗ trợ nguồn lực giúp ASEAN vượt qua đại dịch”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết.

Cùng với việc thúc đẩy hợp tác ứng phó đại dịch, quân đội các nước ASEAN cũng quyết tâm không để dịch Covid-19 làm gián đoạn các nội dung HTQP ASEAN khác đã được thống nhất. Điều này đặt ra nhiệm vụ kép với Bộ Quốc phòng Việt Nam khi vừa tham gia tích cực vào nỗ lực chung của Chính phủ để ứng phó dịch bệnh, vừa cùng lúc đảm nhiệm vai trò chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN Mở rộng (ADMM+) trong năm Chủ tịch ASEAN 2020. Nhiệm vụ nặng nề là vậy, song trong những tháng qua, trên cương vị Chủ tịch ADMM và ADMM+, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã không ngừng nỗ lực thể hiện đúng tinh thần “HTQP vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”. “Dưới sự chủ trì của Bộ Quốc phòng Việt Nam, Hội nghị ADMM Hẹp đã thông qua được Tuyên bố chung về HTQP trong ứng phó dịch bệnh. Chúng ta đã chủ trì tổ chức Hội nghị trực tuyến ADSOM, sắp tới đây là ADSOM+. Chúng ta cũng đang tính đến việc tổ chức một hội nghị trực tuyến giữa Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN với nhau và với các nước Cộng nếu như các nước ASEAN đồng thuận và các nước Cộng ủng hộ nhằm chuẩn bị cho Hội nghị ADMM-14, Hội nghị ADMM+ lần thứ 7 tại Hà Nội vào cuối năm nay. Cho dù xảy ra dịch Covid-19 nhưng tiến trình HTQP ASEAN vẫn tiếp diễn. Bộ Quốc phòng Việt Nam tin tưởng, từ nay tới cuối năm sẽ làm tốt vai trò Chủ tịch ADMM và ADMM+, đóng góp tích cực cho hòa bình, hợp tác và an ninh khu vực”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh.

Ba mối quan tâm chủ yếu

Trong khi cả thế giới đang phải gồng mình ứng phó đại dịch Covid-19, vẫn còn đó các thách thức an ninh “cố hữu”. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết các nước ASEAN đều xác định rằng không thể vì tập trung đối phó đại dịch mà “bỏ quên” các thách thức an ninh này.

Các đại biểu dự Hội nghị trực tuyến ADSOM ngày 15-5 vừa qua. Ảnh: TRỌNG HẢI. 

Theo Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, ASEAN hiện có ba mối quan tâm chủ yếu về an ninh. Một là cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. Nếu các nước lớn hòa thuận, tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng lợi ích của các quốc gia khác thì tình hình an ninh khu vực sẽ tốt lên. Tuy nhiên, thực tế lại không như mong đợi. Hai là việc tuân thủ luật pháp quốc tế. Cần phải lưu ý rằng thời gian qua đã có những quốc gia vì lợi ích cục bộ mà đi ngược lại với luật pháp quốc tế, khiến dư luận không khỏi quan ngại. Ba là lợi ích quốc gia-dân tộc. Mặc dù các nước đều đặt lợi ích quốc gia-dân tộc lên hàng đầu, song điều quan trọng là phải đi đôi với việc tôn trọng lợi ích của các quốc gia, dân tộc khác. “Đây là những mối quan tâm chung của thế giới nhưng lại được thể hiện rất rõ ở khu vực ASEAN. Vì các thành viên ASEAN đều là nước nhỏ nên người ta lại càng quan ngại. Trong tất cả cuộc họp của kênh quốc phòng, các nước thành viên ASEAN đều nêu ra những mối quan tâm này”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết.

Tại Hội nghị trực tuyến ADSOM vừa qua, tình hình Biển Đông đã nhận được sự quan tâm của các nước ASEAN trong bối cảnh thời gian gần đây xuất hiện những diễn biến mới, phức tạp hơn, có thể ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực. “Ngay cả những quốc gia không có biển hoặc không có tranh chấp cũng bày tỏ quan ngại trước lối hành xử trái luật pháp quốc tế tại Biển Đông thời gian gần đây, ví như đơn phương tuyên bố chủ quyền phi lý, tiến hành các hoạt động quân sự hóa, ngăn cản hoạt động của ngư dân trên biển, tàu công vụ đâm chìm tàu cá của ngư dân...”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh chia sẻ. Để xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, ổn định và phát triển bền vững, điều kiện tiên quyết là duy trì một trật tự tuân thủ luật pháp quốc tế. Các bên liên quan cần kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp tình hình, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và tiến tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). “Đây là mong muốn chung của các nước trong khu vực và Việt Nam cũng rất mong muốn như vậy. Tôi tin rằng với sự kiên trì hợp tác, đấu tranh chống lại các lối hành xử đi ngược lại với luật pháp quốc tế, cuối cùng các bên liên quan sẽ đi đến những nguyên tắc chung để từ đó làm giảm bớt những lo ngại về vấn đề an ninh trên biển, đặc biệt là không để những người lao động bình thường như các ngư dân phải gặp nguy hiểm ngay trong vùng biển của nước mình cũng như vùng biển quốc tế”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh.

HOÀNG VŨ