QĐND - “Tuy chúng ta chia sẻ một lịch sử phức tạp, tôi tin rằng chúng ta cũng chia sẻ một tương lai tươi sáng”, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Tét Ô-xi-ớt (Ted Osius) phát biểu trước 500 sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐH QGHN) sáng ngày 6-3...
Trong bài phát biểu dài khoảng 30 phút tại ĐH QGHN, nhà ngoại giao Mỹ nhấn mạnh, năm 2015 đánh dấu mốc kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ; đây sẽ là một cơ hội quan trọng để thúc đẩy quan hệ song phương. Đại sứ Mỹ điểm lại những gì mà hai nước đã đạt được trong 20 năm qua, nêu bật mối quan hệ Đối tác toàn diện và bàn hiện trạng quan hệ giữa hai nước. Ông T.Ô-xi-ớt cũng nhấn mạnh tới các phương hướng phát triển mối quan hệ Việt-Mỹ trong 20 năm tới và xa hơn nữa.
 |
Đại sứ Mỹ T.Ô-xi-ớt phát biểu tại Đại học Quốc gia Hà Nội sáng 6-3. Ảnh: usembassy.gov
|
Đại sứ T.Ô-xi-ớt cho biết, trước khi vào hội trường trò chuyện với sinh viên, ông đã thăm đài kỷ niệm ở cổng trường. Đại sứ nhắc lại bằng tiếng Việt câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh khắc trên đài kỷ niệm bằng đá này: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.
“Với câu nói đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh biết rằng hội nhập quốc tế và các quan hệ đối tác dài lâu là rất quan trọng đối với thành công của Việt Nam. Thật phù hợp là tôi nói chuyện về tương lai của quan hệ Việt Nam-Mỹ tại ĐH QGHN, bởi vì các bạn biết rằng, giáo dục nghĩa là học hỏi lẫn nhau. Nghĩa là hiểu nhau để đạt được những lợi ích chung hiệu quả hơn. Nghĩa là nâng cao vị thế cho nhau bằng sự hiểu biết. Nghĩa là giúp nhau khai thác tối đa tiềm năng của chúng ta. Nghĩa là cùng thúc đẩy một tầm nhìn chung về một thế giới hòa bình và công bằng hơn”. Chia sẻ của đại sứ đã nhận được những tràng pháo tay tán thưởng của mọi người có mặt trong khán phòng.
Theo Đại sứ Mỹ, hiện trạng quan hệ hai nước trong lĩnh vực chính trị và ngoại giao là khả quan ở nhiều cấp độ. Hai nước đã chứng kiến nhịp độ đáng phấn khởi của các chuyến thăm cấp cao. Những chuyến thăm này có giá trị mang tính biểu tượng và thúc đẩy mối quan hệ Đối tác toàn diện. “Quan hệ Đối tác toàn diện của chúng ta là nhằm góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác, thịnh vượng ở mỗi nước, trong khu vực, và trên thế giới”, ông T.Ô-xi-ớt nói.
Nhà ngoại giao Mỹ cho biết, cũng như Việt Nam, Mỹ mong muốn có hòa bình và ổn định trong khu vực, đặc biệt là tại Biển Đông. Ông T.Ô-xi-ớt tin rằng, các tranh chấp lãnh thổ phải được giải quyết một cách hòa bình, thông qua con đường ngoại giao và phù hợp với luật pháp quốc tế.
Chia sẻ về quan hệ hợp tác quốc phòng và an ninh, Đại sứ Mỹ nhấn mạnh, điều này đóng vai trò quan trọng trong quá trình nổi lên của Việt Nam với tư cách là một quốc gia vững mạnh, thịnh vượng và độc lập. Việt-Mỹ đạt được những tiến bộ vững chắc trên cả 5 lĩnh vực ưu tiên đã nhất trí về hợp tác quốc phòng: An ninh biển; đối thoại cấp cao; tìm kiếm và cứu nạn; hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa; các hoạt động giữ gìn hòa bình. “Việc tiến hành thường xuyên các chuyến thăm quân sự cấp cao giúp cả hai bên hiểu và trở nên thoải mái với nhau hơn. Sự hiểu biết lẫn nhau này đang biến lời nói thành hành động”, đại sứ cho biết. Cuối tháng 3, lực lượng vũ trang hai nước sẽ cùng nhau tiến hành các hoạt động cứu trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa trong khuôn khổ chương trình Thiên thần Thái Bình Dương năm 2015. Tháng 8-2015, hải quân hai nước sẽ cộng tác trong chương trình Đối tác Thái Bình Dương.
Đánh giá cao việc Việt Nam đang đóng góp cho các hoạt động giữ gìn hòa bình của LHQ và đang tìm cách mở rộng vai trò của mình để hỗ trợ hòa bình, an ninh trên toàn cầu, đại sứ cho biết, Mỹ ủng hộ mục tiêu này và đang cung cấp các hoạt động đào tạo, trang thiết bị và những đóng góp cho trung tâm giữ gìn hòa bình của Việt Nam.
Theo ông Ô-xi-ớt, tập trung vào việc hiện đại hóa năng lực phòng thủ, Việt Nam có thể sẽ tìm đến các đối tác truyền thống của mình, điều này có thể hiểu được. Tuy nhiên, Mỹ có nhiều đề xuất nhằm tăng cường an ninh của Việt Nam trong thời gian ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. “Còn nhiều điều mà hai nước chúng ta có thể cùng nhau làm để duy trì hòa bình, thịnh vượng, độc lập cho Việt Nam và cho khu vực. Để làm được như vậy, cả hai bên sẽ cần phải có những quyết định táo bạo và hướng tới một tương lai mới, mặc dù chúng ta vẫn nhớ và thành tâm giải quyết lịch sử của mình. Tuy chúng ta chia sẻ một lịch sử phức tạp, tôi tin rằng chúng ta cũng chia sẻ một tương lai tươi sáng”, đại sứ chia sẻ.
Về kinh tế, ông Ô-xi-ớt cho biết, kim ngạch thương mại hằng năm giữa Mỹ và Việt Nam là khoảng 35 tỷ USD và con số này sắp tiếp tục tăng thêm nữa khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết.
Đại sứ T.Ô-xi-ớt cũng dành một thời gian đáng kể trong bài phát biểu để nói về chương tiếp theo trong quan hệ song phương Mỹ-Việt. Ông T.Ô-xi-ớt đã dẫn lời vị Đại sứ Mỹ đầu tiên tại Việt Nam sau khi bình thường hóa quan hệ, Đại sứ P.Pi-tơ-xơn (Pete Peterson), nói hồi tháng 1 rằng “Không có điều gì là không thể”, để bày tỏ hy vọng về tương lai quan hệ song phương. “Nếu chúng ta có học được điều gì trong thời gian 20 năm qua thì đó là: Không có điều gì là không thể. Chúng ta hãy lấy đó làm phương châm của chúng ta cho thời gian 20 năm tới và xa hơn nữa”, Đại sứ T.Ô-xi-ớt nói.
Do đó, việc hoàn tất đàm phán TPP, phát triển một chương trình không gian, cho phép tiến hành các chuyến bay thẳng, Mỹ trở thành nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam..., theo ông T.Ô-xi-ớt, đều là có thể. Các sinh viên ĐH QGHN cũng hào hứng đồng thanh "không gì là không thể" trước mỗi khả năng mà Đại sứ Mỹ đưa ra. “Không có điều nào là không thể, bởi vì tất cả những điều đó đều là vì lợi ích của Việt Nam, và chúng tôi muốn là đối tác của các bạn”, Đại sứ T.Ô-xi-ớt khẳng định.
Đáp lại sự cởi mở của đại sứ, các sinh viên cũng tự tin đặt câu hỏi bằng tiếng Anh về các cơ hội được tạo ra từ quan hệ ngày càng gần gũi giữa hai nước và nhận được những câu trả lời đầy tính khích lệ của ông T.Ô-xi-ớt. Đại sứ Mỹ sau đó đã trồng cây lưu niệm trong khuôn viên ĐH QGHN.
NGỌC HÀ