QĐND Online- Thực hiện chức năng là người “tuyên truyền tập thể, cổ động tập thể, tổ chức tập thể” của báo chí cách mạng, nhân kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc và hưởng ứng cuộc vận động sáng tác, quảng bá tácphẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, ngày 22-4, tại Nhà hát Lớn, Hà Nội, 3 cơ quan báo chí (Báo Quân đội nhân dân, Nhân Dân, Lao Động” đồng tổ chức lễ phát động Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý”. Đến dự có đồng chí Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam; Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và các đồng chí lãnh đạo cơ quan Trung ương, Bộ, ban, ngành, thành phố Hà Nội và quân đội…

Cuộc thi nhằm phát hiện các cá nhân điển hình-những con người dám nghĩ, dám làm, hết lòng, hết sức vì đất nước, cộng đồng. Thông qua cuộc thi, Ban tổ chức chọn ra những cá nhân tiêu biểu nhất trong công cuộc đổi mới để tôn vinh, phổ biến những kinh nghiệm hay, những cách làm tốt cũng như những vấn đề đang đặt ra với công tác thi đua khen thưởng và phong trào thi đua yêu nước. Trong đó khuyến khích những bài viết có tính phát hiện cao, đặc biệt là những tấm gương của những người dân và những chiến sĩ lực lượng vũ trang ở mọi miền đất nước, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, những người bình thường nhưng có những việc làm tốt mang lại hiệu quả thiết thực.

Đánh giá cao về cuộc thi, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định: “Chắc chắn cuộc thi viết về “Những tấm gương bình dị mà cao quý” sẽ thu hút được đông đảo nhân dân cả nước tham gia bằng những bài viết trung thực, sinh động, phát hiện được những điển hình tiên tiến xuất sắc nhất, có sức lan toả trong đời sống xã hội để biểu dương, khen thưởng và nhân rộng”. Song, Chủ tịch nước cũng nhắc nhở: “Báo chí cần phải thông tin chính xác, khách quan, trung thực… Không ai đòi hỏi báo chí thông tin theo kiểu tô hồng hiện thực, phiến diện, một chiều, bởi làm cho mọi người có ảo tưởng không đúng cũng là điều nguy hại. Nhưng, khách quan mà nói, những biểu hiện tích cực, những gương người tốt việc tốt còn chiếm chỗ rất khiêm tốn trên mặt báo. Vì vậy chưa phát huy được tính tích cực của các điển hình tiên tiến, chưa làm cho các điển hình đó trở thành một bài học hay một phong trào cho mọi người làm theo. Phải chăng nguyên nhân của việc này do chúng ta chưa thực sự chú trọng, chưa đầu tư suy nghĩ, tâm huyết từ định hướng cho đến cách thể hiện trong từng tác phẩm viết về người tốt việc tốt? Sau lễ phát động này, tôi đề nghị các đồng chí phân tích, làm rõ để có hướng khắc phục hiệu quả và làm cho cuộc thi đạt yêu cầu đề ra”.

Cuộc thi sẽ kéo dài trong 8 tháng. Đối tượng dự thi là tất cả công dân Việt Nam đang sinh sống, làm việc ở trong và ngoài nước; các cây bút chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp trên mọi miền đất nước (một tác giả có thể gửi không quá 3 bài dự thi). Thời hạn nhận bài từ sau Lễ phát động (22-4-2008) đến hết ngày 31-10-2008 (theo dấu bưu điện hoặc ngày chuyển thư điện tử).

Có 17 giải thưởng

1 giải đặc biệt trị giá 20.000.000đồng

1 giải nhất: 15.000.000đồng

2 giải nhì: 10.000.000 đồng/mỗi giải

3 giải ba: 8.000.000đồng/mỗi giải

10 giải khuyến khích: 5.000.000 đồng/mỗi giải. Trong đó có các giải dành cho tác giả lớn tuổi nhất, nhỏ tuổi nhất, tác giả vùng sâu, vùng xa; giải có tính phát hiện độc đáo, giải cho bài viết có cách thể hiện xúc động nhất…

Các bài viết có chất lượng sẽ được đăng trong cuốn sách phát hành sau lễ trao giải.

Bài viết xin gửi về một trong 3 Toà soạn có địa chỉ:

Báo Nhân Dân, 71 Hàng Trống, Hà Nội

Email: banchinhtri@gmail.com

Báo Quân đội nhân dân, số 7 Phan Đình Phùng, Hà Nội

Email: chinhtriqdnd@yahoo.com.vn

Báo Lao Động: 167/15 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội

Email: tkts07@gmail.com

Xuân Dũng