QĐND Online – Ngày 8-6, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng đã được trình trước Quốc hội. Trong tổng số 103 điều của Luật Thi đua, khen thưởng hiện hành, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung 44 điều (được sửa đổi, bổ sung từ Chương I đến Chương IV). Trong đó, tập trung sửa đổi, bổ sung về hệ thống tiêu chuẩn của danh hiệu thi đua và các hình thức khen thưởng. Ngoài ra, sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến quy định chung, nguyên tắc khen thưởng, thẩm quyền ban hành hình thức thi đua, khen thưởng và thủ tục hồ sơ xét tặng các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng…

Bộ trưởng Bộ nội vụ Nguyễn Thái Bình, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng. Ảnh: Lâm Khánh – TTXVN

Về các loại hình khen thưởng, dự thảo luật thay cụm từ “khen thưởng thường xuyên” bằng cụm từ “khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” để làm rõ hơn bản chất, nội dung của loại hình khen thưởng này và nhằm khắc phục tình trạng khen thưởng theo định kỳ, thực hiện việc khen thưởng thông qua việc phát hiện các tập thể, cá nhân có công trạng, thành tích, sáng tạo trong các phong trào thi đua và thực hiện nhiệm vụ, trong lao động, sản xuất sẽ được khen thưởng, tôn vinh.

Về hệ thống tiêu chuẩn của các hình thức khen thưởng, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung theo hướng không lấy danh hiệu thi đua làm điều kiện, tiêu chuẩn để xét tặng các hình thức khen thưởng, nhằm khắc phục tình trạng tích lũy, cộng dồn thành tích, trùng lắp trong khen thưởng. Tuy nhiên, vẫn đảm bảo mối quan hệ chặt chẽ giữa thi đua và khen thưởng, thông qua các phong trào thi đua để suy tôn các danh hiệu thi đua đồng thời phát hiện những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc tiêu biểu, lập được công trạng để khen thưởng động viên kịp thời.

Dự án Luật quy định thống nhất các hình thức khen thưởng cho cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, bao gồm tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, các tổ chức kinh tế thuộc mọi thành phần. Tuy nhiên, Dự án Luật chỉ quy định những nguyên tắc chung, những nội dung cụ thể sẽ được giao cho Chính phủ quy định. Việc khen thưởng đối với tổ chức chính trị, cơ quan tư pháp, đại biểu dân cử, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm làm rõ thẩm quyền khen thưởng, tuyến trình khen thưởng đối với tổ chức chính trị, cơ quan tư pháp, đại biểu dân cử. Với nội dung này, Dự án Luật chỉ quy định những nguyên tắc chung, cụ thể sẽ được quy định trong nghị định quy định chi tiết thi hành Luật.

Dự thảo luật bổ sung Điều 21 quy định thời điểm xét tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”, là 5 năm một lần thay cho xét hằng năm như hiện nay để việc tôn vinh đúng vào dịp Đại hội Thi đua yêu nước các cấp và cũng phù hợp với việc tổng kết, đánh giá kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm của đất nước. Sửa đổi, bổ sung Điều 25 quy định về “Cờ thi đua của Chính phủ” 3 năm xét một lần thay cho xét hằng năm như hiện nay, nhằm nêu cao tính tôn vinh của hình thức khen thưởng này.

Dự thảo luật còn bổ sung quy định các hình thức khen thưởng Cờ thi đua, bằng khen cấp tổng cục, quân khu, quân chủng, quân đoàn, binh chủng và tương đương thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; Cờ thi đua, bằng khen của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, được quy định tại Điều 31 và Điều 73. Bởi vì, đây là những tổ chức, đơn vị có quy mô lớn, có tính đặc thù và là nơi trực tiếp tổ chức phát động các phong trào thi đua (trong khi đó Luật hiện hành quy định những tổ chức này chỉ được tặng hình thức giấy khen). Việc bổ sung danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng này nhằm thực hiện phân cấp trong khen thưởng, tránh dồn khen thưởng lên cấp trên và để khen thưởng động viên trực tiếp, kịp thời tập thể, cá nhân có thành tích trong thực hiện phong trào thi đua. Tuy nhiên, do các tổ chức, đơn vị này mang tính đặc thù nên trong dự thảo luật chỉ quy định chung, còn tiêu chuẩn cụ thể, quy trình thủ tục, mối tương quan với các hình thức khen thưởng khác sẽ giao cho Chính phủ quy định.

Dự thảo đã bổ sung vào Khoản 1 và Khoản 2, Điều 83 về thẩm quyền đề nghị tặng thưởng Huân chương, Huy chương, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, danh hiệu vinh dự nhà nước đối với Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trưởng ban Công tác đại biểu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Trưởng các Ban của Đảng và tương đương ở trung ương, Tổng Kiểm toán nhà nước; thẩm quyền đề nghị tặng Cờ thi đua của Chính phủ, đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ” và danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” đối với Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trưởng ban Công tác Đại biểu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Trưởng các Ban của Đảng và tương đương ở trung ương, Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Cùng với đó dự thảo luật sửa đổi, bổ sung Điều 84 về hồ sơ khi đề nghị phong tặng danh hiệu thi đua phải có văn bản của cấp đề nghị; trong hồ sơ đề nghị khen thưởng phải có biên bản xét khen thưởng, nhằm đảm bảo tính chặt chẽ trong xét, phong tặng danh hiệu thi đua và đề nghị khen thưởng.

XUÂN DŨNG