 |
Người quê rất coi trọng lễ nghĩa trong dịp Tết. |
|
|
Làng tôi nằm cạnh con sông Cầu lơ thơ nước chảy, quanh năm phù xa bồi đắp cho những bãi soi xanh tốt. Làng tôi bình yên và thuần nông, chỉ có nghề làm hương mỗi dịp Tết Nguyên Đán để lấy tiền sắm sanh vật chất đón xuân mới. Người dân quê tôi chất phác và mộc mạc, chịu thương chịu khó một nắng hai sương ngoài đồng mà vẫn không đủ ăn. Cho nên, ba ngày Tết là cả một sự kiện lớn mà từ người già đến trẻ nhỏ đều háo hức mong chờ. Cho dù bây giờ cuộc sống đã no đủ, nhưng mỗi khi Tết đến Xuân về, tôi lại miên man nhớ về những kỷ niệm thời thơ ấu ở ngôi làng nhỏ bé và bình yên ấy.
Tôi còn nhớ cách Tết Nguyên đán khoảng 3 tháng, cả làng tôi đã nhộn nhịp chuẩn bị cho công việc làm hương để bán cuối năm. Người thì đi Quảng Ninh mua nhựa thông, nhựa trám, than hoa… những nguyên vật liệu chính để làm hương, người thì ở nhà mua tre ngâm về để vót tăm hương. Nhà tôi ngày xưa cũng làm hương “ác liệt” lắm. Nhà đông con, lại nghèo nên bố mẹ phải làm cật lực để kiếm tiền lo cho một cái Tết tươm tất.
Những ngày đầu tháng 10 âm lịch, gió đông buốt lạnh. Khi anh em tôi vẫn còn ủ ấm trong chăn, gà mới gáy canh hai thì bố tôi đã thức dậy để vót tăm hương rồi. Cảm giác tỉnh giấc, nghe tiếng xoạt xoạt đều đều là tôi biết bố tôi đang ngồi cuối giường, tựa lưng vào thành giường,kéo chăn đắp từ chân lên bụng, dưới ánh đèn dầu leo lét, ông miệt mài vót những chiếc tăm hương dài mét hai để sáng ra còn phơi cho kịp nắng.
Nghề làm hương vất vả lắm. Mua than hoa về, người ta cho vào cối giã gạo để giã thành bột than, rồi cho vào cái “dây” để lọc bột. Ngày xưa không có máy nghiền bột nên công đoạn giã than là vất vả nhất. Mấy anh em tôi năm nào cũng tham gia vào việc giã than, ai nấy đều nhem nhuốc, không đeo kính, chỉ lấy cái khăn mùi -xoa cũ làm khẩu trang bịt miệng, nên khi giã than xong, nhìn ai cũng đen sì mà anh em tôi toàn trêu nhau là dân châu Phi.
Nhựa trám, nhựa thông mua về cho vào xoong đun chảy ra thành nước, rồi lọc bã bằng những chiếc nùi rơm, nước nhựa lọc qua nùi chảy xuống chậu bột than và rồi người lớn sẽ nhào thành thứ bột vừa dẻo vừa dính. Rồi lại cho thứ bột đó vào cối giã cho nhuyễn, cho quyện. Sau đó nắm thành từng cục nhỏ rồi để khô cứng lại. Khi xe hương thì cho cục nhựa đó vào nồi hấp dẻo lên và xe vào tăm hương, làm thủ công nên mỗi nén hương chứa đựng rất nhiều mồ hôi công sức của người làm.
Tôi còn nhớ thuở nhỏ, thường hay phải dậy sớm để “đón hàng” cho các cô các bác trong xóm đi bán hương. Vì tôi lanh lợi, hay nói, hay cười nên các cụ bảo “tốt vía”, vì thế hầu như hôm nào cũng thế, khi gà gáy cánh 2, trời đêm về sáng lạnh buốt, U tôi đã giục tôi dậy, khoác tấm áo tơi bằng rơm, tôi chạy lon ton ra đứng đầu ngõ, lúc đó mọi người trong xóm mới bắt đầu đạp xe từ các cổng túa ra, ai cũng xuống dắt xe mỗi khi đi qua tôi để tôi sờ tay vào bao hàng đèo đằng sau, mỗi lần sờ hàng, mồm tôi lại lẩm bẩm “ xô xô, xốc xốc, mua may bán đắt” trong khi mắt thì vẫn còn nhập nhèm và giọng thì khê nồng vì ngái ngủ. Và cứ mỗi buổi trưa khi mọi người đi chợ về, tôi đều có quà. Thường thì là những cái kẹo đốp cứng ngắc, cắn vào điếng hết cả răng.
Cũng vì lanh lợi, năm nào tôi cũng được U giao cho việc lên cửa hàng Hợp tác xã để xếp hàng mua hàng Tết. Có năm tôi dậy rất sớm, xếp thứ nhất luôn. Hàng Tết ngày ấy bao gồm một chai mắm, một chai dầu hoả, một gói Mứt Tết hoa lá sặc sỡ, một bánh pháo tép Bình Đà và hàng loạt những thứ linh tinh khác như muối, đường, mì chính, hạt tiêu bắc… Có lần vội quá quên sổ, lên cửa hàng rồi mới nhớ, lại vội chạy về lấy lên thì người ta đã xếp hàng dài dằng dặc rồi, đành phải đứng sau và chờ mỏi chân mới được mua.
Quê tôi 30 Tết là vui nhất. Lúc đó mọi cái đều hào hứng. Sáng sớm tinh mơ đã nghe tiếng lợn kêu ụt éc… Người ta giết lợn rất sớm. Vài ba nhà chung nhau một con lợn, nhà nào giàu thì ăn một mình một con. Giết xong thì chia nhau, rồi đánh tiết canh và ăn sáng bằng bữa lòng lợn thoả thuê. Tôi thích nhất bữa lòng lợn tiết canh ấy, vì nó là sự sum họp của gia đình. Xong rồi thì giã giò, ngày xưa giã bằng cối đá, chầy tay. Chỉ những anh thanh niên khoẻ mạnh, lực lưỡng mới được chọn giã giò, vì phải giã liên tục để thịt nhuyễn mà không bị nguội. Giã xong thì gói vào bẹ cau và luộc bằng những chiếc xoong rất to.
 |
Luộc bánh trưng Tết.
|
Sáng 30 Tết, khi cánh đàn ông mổ lợn, giết gà thì đám đàn bà quây quần gói bánh chưng. Gạo nếp quê trắng ngần, chị em gánh ra sông Cầu để vo và cọ lá dong, lá trít. Xong rồi xúm xít lại để gói bánh, thường là cánh đàn bà và con nít đảm nhiệm công việc này. Bánh chưng được gói bằng gạo nếp nhân đỗ xanh, ở giữa là thịt mỡ. Quê tôi thường gói bánh dài mà rất hiếm gói bánh vuông. Sau khi luộc chín bánh sẽ vớt ra để ở đống rơm cho ráo nước, rồi mọi người vừa lăn bánh vừa đập bánh (bằng một cây đũa cả). Lăn và đập như vậy để bánh vừa ráo nước, vừa nhuyễn và vừa “rền”. Chính vì thế, bánh chưng dài quê tôi ăn rất ngon, vừa đằm, vừa thơm, vừa nhuyễn chứ không nhão và nhạt như bánh chưng vuông.
Chiều 30 Tết, nhà nào cũng làm cơm cúng Tất niên. Đám đàn ông trai tráng thì vác cuốc, cầm hương ra nghĩa địa để đắp lại mộ của ông bà và thắp hương “mời các cụ về ăn Tết”. Hầu như nhà nào sau khi dọn cỏ ở mộ chí và thắp hương xong cũng đốt một bánh pháo để “đánh động”, mời linh hồn người đã khuẩt trở về ngôi nhà của mình để cùng con cháu xum vầy đón Xuân. Đêm Giao thừa trời tối đen như mực. Nhà nào nhà nấy quây quần bên ấm trà và đĩa kẹo lạc tự làm hồi hộp chờ giây phút “Động thổ”. Gần 12 giờ đêm, tiếng pháo đã lác đác xa xa, và sẽ nổ liên hồi khi đúng lúc giao thừa. Khi ấy cả làng xóm như bừng tỉnh bởi tiếng pháo nổ vang trời, khói thơm quyện vào không khí lan toả đến từng ngõ ngách trong xóm ngoài làng. Mùi thơm ấy là một thứ đặc sản mà sau này, khi đã trở thành người phố thị, cuộc sống đã khá giả hơn, tôi vẫn thèm được một lần đắm chìm trong không gian ấy.
Sáng sớm mùng Một Tết, nhà nào cũng cúng ông bà và quây quần ăn bữa cơm đầu năm. Khi ấy bố mẹ sẽ tổng kết một năm làm việc và tránh nói những điều xui xẻo. Ai cũng hân hoan và chúc mừng nhau bằng những lời tốt đẹp nhất. Những đứa trẻ trai thông minh xinh xắn hoặc những thanh niên khôi ngô thường được các gia đình chọn “mời” đến xông đất đầu năm. Bao giờ những người đó cũng được mừng tuổi rất nhiều, dù toàn tiền xu, tiền lẻ. Rồi mọi người toả đi các nhà trong xóm để chúc Tết nhau, trẻ con thì nô đùa cùng bóng bay, pháo tép. Người lớn thì hân hoan, gặp ai cũng chúc tụng, chào hỏi râm ran khắp xóm cùng làng...
Bầy giờ cuộc sống đã khác trước, kinh tế phát triển, cuộc sống khấm khá hơn xưa rất nhiều. Nhưng cứ mỗi độ Tết đến xuân về, tôi lại nhớ về những kỷ niệm một thời thơ ấu với những cái Tết giản dị nhưng đầm ấm tình người.
Ngoài kia, mùa xuân đã len lỏi trong từng con phố, hương vị xuân vẫn ngọt ngào dù tiết trời lạnh giá. Hoa đào đã nở, bông mai đã vàng, mùi hương trầm thoảng thoảng trong gió heo may, một mùa xuân nữa lại đang đến thật gần..
Ngô Bá Lục
|