QĐND Online - Ngày 2-2, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng thế giới, Chính phủ Hà Lan, Chính phủ Australia và các đối tác phát triển tổ chức Diễn đàn Đồng bằng sông Cửu Long 2015 (Mekong Delta Forum 2015).

Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải phát biểu khai mạc tại diễn đàn

Phát biểu khai mạc tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đánh giá cao tầm quan trọng của việc tổ chức diễn đàn, là thể hiện sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cho thấy tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam với các đối tác phát triển trên nhiều lĩnh vực. Phó Thủ tướng cũng cho biết, vùng đồng bằng sông Cửu Long có vai trò và ý nghĩa chiến lược trong việc đảm bảo an ninh lương thực và sự phát triển bền vững của các cộng đồng dân cư khu vực phía nam và cả nước nói chung.

Với diện tích chỉ chiếm 12% tổng diện tích tích tự nhiên cả nước, bao gồm 13 tỉnh và thành phố với số dân trên 17 triệu người, khu vực này hàng năm đóng góp 90% số lượng gạo xuất khẩu và gần 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Ước tính riêng ngành nuôi trồng và chế biến thuỷ sản ở Đồng bằng sông Cửu Long đã góp phần giải quyết việc làm, đem lại thu nhập cho hơn 6 triệu dân trong vùng.

Tuy nhiên, khu vực này đang đối mặt với các thách thức rất lớn liên quan đến vấn đề nguồn nước, xâm nhập mặn và những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Đây cũng là các thách thức to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, một quốc gia có đường bờ biển dài. Việt Nam là một trong các quốc gia đang và sẽ phải chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.

Các đại biểu tham dự diễn đàn

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: Chính phủ Việt Nam đã và đang quyết liệt chỉ đạo và triển khai lồng ghép các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, khu vực đồng bằng sông Cửu Long luôn được sự quan tâm đặc biệt và các ưu tiên đầu tư phát triển theo định hướng tổng hợp và bền vững.

Theo các kịch bản biến đổi khí hậu, vào cuối thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình năm ở Việt Nam sẽ có thể tăng khoảng 2 độ C đến 3 độ C, mực nước biển sẽ có thể dâng 1m. Khi đó, sẽ có khoảng 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các tỉnh khác thuộc vùng ven biển của Việt Nam sẽ bị ngập. Trong đó, thành phố Hồ Chí Minh sẽ bị ngập trên 20% diện tích, khoảng 10 - 12% dân số Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp với tổn thất khoảng 10% GDP.

Tại diễn đàn, các đại biểu tập trung thảo luận về tầm nhìn tổng hợp dài hạn như: Tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long; đẩy mạnh điều tra, khảo sát, đánh giá tiềm năng nước mặt, nước ngầm và khả năng sụt lún, xói lở, sạt lở trong bối cảnh biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế-xã hội; rà soát, đánh giá, bổ sung các quy hoạch phát triển...

Mặt khác, Diễn dàn cũng xem xét, tìm hiểu những bài học kinh nghiệm từ các đồng bằng trên thế giới và phát triển sinh kế bền vững thông qua quản lý thích ứng vùng Đồng bằng sông Cửu Long trên cơ sở các khuyến nghị của Kế hoạch Đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn 2016-2020 và các giai đoạn tiếp theo. Các tham luận, sáng kiến tại Diễn đàn sẽ được tổng hợp, xem xét, đóng góp cho các chương trình hợp tác vì sự phát triển bền vững của Đồng bằng sông Cửu Long. 

Tin, ảnh: VIỆT HOÀNG