Đây là một trong những ưu tiên của Việt Nam khi đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong tháng 4-2021. Nhân dịp này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân phỏng vấn Đại tá Nguyễn Văn Nghiệp, Phó tổng giám đốc Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC)

Phóng viên (PV): Xin đồng chí cho biết việc thúc đẩy hợp tác quốc tế trong khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở nước ta được thực hiện như thế nào trong thời gian qua?

Đại tá Nguyễn Văn Nghiệp: Đất nước ta đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh, từ chiến tranh giải phóng, thống nhất đất nước đến chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Do đó, ở bất kỳ nơi nào trên mảnh đất hình chữ S đều dễ nhận thấy hậu quả nặng nề của chiến tranh. Khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh là việc làm lâu dài, tốn nhiều công sức và tiền bạc. Chúng ta đã huy động tối đa nguồn lực trong nước nhưng kết quả đạt được vẫn còn hết sức khiêm tốn bởi diện tích đất bị ô nhiễm bom mìn ở nước ta lên tới 18,82%.

Trong những năm gần đây, chúng ta nhận được sự giúp đỡ của chính phủ một số nước và tổ chức quốc tế. Có thể kể đến một số quốc gia đã có nhiều đóng góp cho nỗ lực khắc phục hậu quả bom mìn ở Việt Nam như: Mỹ, Anh, Na Uy, Nhật Bản, Hàn Quốc... Nguồn lực hỗ trợ đó được triển khai ở một số tỉnh miền Trung, nơi có mật độ ô nhiễm bom mìn cao nhất cả nước, trên các lĩnh vực như hỗ trợ nạn nhân, tuyên truyền giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn và khảo sát, rà phá bom mìn.

Một hoạt động trong chuyến thăm, kiểm tra và giám sát của VNMAC cùng đại diện đại sứ quán Mỹ, Anh, Nhật Bản tại dự án khắc phục hậu quả bom mìn trên địa bàn Quảng Bình, Quảng Trị (từ ngày 29 đến 31-3-2021). Ảnh: NAM LONG

Nỗ lực khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam cũng được một số tổ chức quốc tế ủng hộ mạnh mẽ như Trung tâm Quốc tế (IC), Quỹ hỗ trợ nhân dân Na Uy (NPA), Nhóm cố vấn bom mìn (MAG), Cây hòa bình (Peace Trees) Việt Nam... Bên cạnh việc thực hiện các hoạt động liên quan trực tiếp tới khắc phục hậu quả bom mìn, các tổ chức quốc tế còn giúp tạo sinh kế cho một bộ phận không nhỏ người dân khu vực bị ô nhiễm bom mìn.

PV: Vậy vai trò của VNMAC trong hợp tác quốc tế khắc phục hậu quả bom mìn là gì, thưa đồng chí?

Đại tá Nguyễn Văn Nghiệp: Có được sự hỗ trợ, hợp tác quốc tế kể trên là công sức của nhiều cơ quan, trong đó có VNMAC. Chúng tôi đã có các cuộc tiếp xúc trên nhiều diễn đàn quốc tế và khu vực; tham gia hoặc tổ chức nhiều hội thảo nhằm giới thiệu về Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh (Chương trình 504). Bên cạnh đó, VNMAC thường xuyên phối hợp với đại sứ quán các nước như: Mỹ, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc... trong việc thăm, kiểm tra và giám sát các hoạt động khảo sát, rà phá hoặc giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn sử dụng nguồn vốn do chính phủ các nước tài trợ.

Là cơ quan hoạt động trong lĩnh vực bom mìn trực thuộc Ban Chỉ đạo quốc gia về khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc sau chiến tranh, VNMAC đóng vai trò điều phối các hoạt động hợp tác trong khắc phục bom mìn. Trung tâm đã có nhiều hoạt động tuyên truyền về thực trạng ô nhiễm bom mìn đến các hoạt động khắc phục hậu quả chiến tranh như khảo sát, rà phá, hỗ trợ nạn nhân... Chính phủ một số nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đã thông qua VNMAC để triển khai viện trợ của mình cho Việt Nam. VNMAC đóng vai trò quản lý dự án một cách hiệu quả, điển hình như dự án khảo sát xác định ô nhiễm bom mìn 6 tỉnh miền Trung và dự án Việt Nam-Hàn Quốc hợp tác khắc phục hậu quả sau chiến tranh trên địa bàn tỉnh Quảng Bình và Bình Định, góp phần tạo niềm tin cho các đối tác trong việc tiếp tục viện trợ cho Việt Nam.

PV: Việc phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức của Việt Nam trong hợp tác quốc tế khắc phục hậu quả bom mìn trong thời gian tới sẽ được thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?

Đại tá Nguyễn Văn Nghiệp: Có thể khẳng định, trong những năm qua, việc phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức của Việt Nam trong hợp tác quốc tế khắc phục hậu quả bom mìn đã được thực hiện hết sức hiệu quả. Đã có phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng trong việc tổ chức các cuộc họp quốc tế, các đợt tuyên truyền về Chương trình 504 trên diễn đàn Liên hợp quốc và đến các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội với Bộ Quốc phòng trong công tác hỗ trợ nạn nhân đã mang lại nhiều kết quả hết sức ý nghĩa. Còn nhiều sự hợp tác giữa các cơ quan, bộ, ngành Trung ương và địa phương trong vấn đề đó. Mỗi sự hợp tác hoặc việc làm hiệu quả đều mang đậm dấu ấn của VNMAC trên cương vị là một cơ quan hành động, quản lý và điều phối các hoạt động trong khắc phục hậu quả bom mìn.

Như đã nói ở trên, khắc phục hậu quả bom mìn là công việc lâu dài, đòi hỏi nhiều nỗ lực và nguồn lực hơn nữa. Sự hỗ trợ, hợp tác của các chính phủ và tổ chức quốc tế trong khắc phục hậu quả bom mìn ở nước ta trong thời gian qua rất đáng trân trọng. Hy vọng, sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan của Việt Nam với các chính phủ và tổ chức quốc tế trong lĩnh vực này thời gian qua sẽ là động lực để các đối tác nước ngoài tiếp tục sát cánh với chúng ta nhằm khắc phục hậu quả bom mìn, mang lại cuộc sống bình yên cho người dân. Tôi cho rằng, hợp tác quốc tế trong thời gian tới nên hướng vào lĩnh vực quản lý thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia; quản lý chất lượng các hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn; xây dựng chiến lược tuyên truyền, giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn...

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

NGỌC HƯNG (thực hiện)