LTS: Ngày 20-7-2005, Bộ Chính trị (khóa IX) ban hành Nghị quyết số 51-NQ/TW “Về việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên (CTV) trong Quân đội nhân dân Việt Nam” (NQ51). Nhằm phục vụ cho Quân ủy Trung ương tổ chức hội nghị sơ kết 8 năm triển khai thực hiện NQ51, thực hiện sự chỉ đạo của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, vừa qua, Cục Tổ chức đã tổ chức hội thảo với chủ đề “Một số nội dung về thực hiện Nghị quyết 51-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX)”. Hội thảo đã tập trung làm rõ một số vấn đề cơ bản, cốt lõi của NQ51. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân xin tóm lược một số ý kiến của các đại biểu tham dự hội thảo về những nội dung nêu trên.
Bài 1: Những kết quả bước đầu
Mở đầu buổi hội thảo, với tham luận có chủ đề “Chủ trì về chính trị của chính ủy, CTV và thực hiện cơ chế một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên hiện nay trong quân đội”; Trung tướng Trần Trung Khương, Chính ủy Trường Đại học Chính trị khẳng định: Việc thực hiện Nghị quyết 51-NQ/TW (NQ51) đã thu được những kết quả tốt; vai trò lãnh đạo của cấp ủy, hiệu lực người chỉ huy được tăng cường; vị thế, chất lượng của hệ thống cán bộ chính trị, cơ quan chính trị, các tổ chức quần chúng được nâng lên rõ rệt. Đội ngũ cán bộ chính trị, mà nòng cốt là chính ủy, CTV có bước tiến bộ, trưởng thành rõ nét đáp ứng yêu cầu cao của nhiệm vụ xây dựng quân đội; góp phần bảo đảm cho quân đội luôn tuyệt đối trung thành với Đảng; giữ vững nguyên tắc Đảng lãnh đạo quân đội tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt, giữ vững bản chất, truyền thống, hoàn thành tốt các nhiệm vụ, không ngừng tô thắm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong lòng nhân dân.
 |
Cán bộ Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 4 (Quân khu 4) hướng dẫn nhân dân vùng dự án Kỳ Sơn (Nghệ An) kỹ thuật trồng chè. Ảnh: Đức Dục
|
Cũng đề cập đến những kết quả đạt được sau 8 năm thực hiện NQ51, Đại tá, PGS, TS Nguyễn Quang Phát, Phó chính ủy Học viện Chính trị cho rằng: Quá trình quán triệt, triển khai thực hiện NQ51 đã thể hiện đúng phương châm tích cực, đồng bộ, vững chắc, có quy trình và bước đi phù hợp với 10 khâu: Quán triệt sâu rộng; tiêu chuẩn rõ ràng; quy hoạch khoa học; tạo nguồn chủ động; tuyển chọn chặt chẽ; đào tạo đổi mới; bồi dưỡng thiết thực; sử dụng nhất quán; luân chuyển kịp thời; chính sách phù hợp. Với 10 khâu nói trên, Đại tá, PGS, TS Nguyễn Quang Phát khẳng định, NQ51 góp phần quan trọng phát triển đội ngũ cán bộ chính trị nói chung, cán bộ chủ trì về chính trị nói riêng có số lượng khá dồi dào, cơ cấu ngày càng hợp lý và chất lượng hơn hẳn so với trước khi thực hiện NQ51. Nhờ đó, cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội được hoàn thiện và vận hành tốt hơn; sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội được tăng cường trên thực tế; vai trò, hiệu lực lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, hiệu lực người chỉ huy, chất lượng, hiệu quả CTĐ, CTCT cũng được nâng lên rõ rệt.
Với những phân tích, đánh giá sâu sắc và toàn diện, Đại tá, Thạc sĩ Đoàn Đình Phú, Chủ nhiệm Bộ môn Khoa CTĐ, CTCT, Học viện Quốc phòng khẳng định: Thực hiện NQ51 là bước tiến mới trong việc hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội; là một nghị quyết đúng đắn và phù hợp với thực tiễn xây dựng quân đội hiện nay. Thực hiện NQ51 đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng quân đội về chính trị, làm cơ sở để phát huy sức mạnh tổng hợp và sức chiến đấu của quân đội. Thực hiện NQ51 đã tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội. Thời gian thực hiện nghị quyết tuy chưa dài, nhưng đến nay, đội ngũ chính ủy, CTV đang chứng tỏ bản lĩnh và vai trò quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng quân đội trong thời kỳ mới; nền nếp, hiệu quả, hiệu lực CTĐ, CTCT được duy trì với chất lượng ngày càng cao hơn.
Cùng với việc khẳng định những kết quả nổi bật đạt được nêu trên, các đại biểu tham dự hội thảo cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, yếu kém sau 8 năm triển khai thực hiện NQ51. Nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của NQ51 là một trong những hạn chế lớn nhất theo quan điểm của nhiều đại biểu. Hạn chế này không chỉ tồn tại ở đội ngũ cán bộ, đảng viên nói chung, mà ngay trong chính đội ngũ chính ủy, CTV, cán bộ chính trị. Trung tướng Trần Trung Khương thẳng thắn đề cập: Không ít người vẫn có quan niệm việc thực hiện NQ51 chỉ là “bình mới, rượu cũ”. Nhiều người vẫn coi chính ủy, CTV như phó chỉ huy trưởng về chính trị như trước đây, không có gì khác. Chính từ nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, vai trò của chính ủy, CTV đã được NQ51 xác định là “người chủ trì về chính trị”, nên dẫn đến tình trạng gia trưởng của người chỉ huy trong tổ chức, điều hành các hoạt động ở đơn vị. Không ít người cho rằng: Người chỉ huy có quyền quyết định tất cả, chính ủy, CTV chỉ thực hiện theo ý kiến của người chỉ huy.
Cũng xuất phát từ nhận thức, nên không ít người lại khu biệt chức trách, nhiệm vụ của chính ủy, CTV và người chỉ huy, dẫn đến tình trạng “quyền anh, quyền tôi”; việc ai nấy làm, thiếu sự thống nhất, trao đổi, phối hợp; hoặc đòi hỏi “ngang bằng” một cách máy móc…
Nhìn thẳng vào đội ngũ chính ủy, CTV để thấy rõ những hạn chế, yếu kém làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả thực hiện NQ51; một số ý kiến tại hội thảo chỉ rõ: Trình độ, năng lực, kiến thức toàn diện, kinh nghiệm thực tiễn, phương pháp tác phong của một số chính ủy, CTV chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và ngang tầm với cương vị, chức trách được giao. Do đó, việc giải quyết mối quan hệ công tác giữa chính ủy, CTV với người chỉ huy ở một số cơ quan, đơn vị chưa tốt, làm ảnh hưởng đến uy tín cán bộ, gây mất đoàn kết nội bộ; ảnh hưởng đến kết quả hoàn thành nhiệm vụ chính trị của đơn vị…
Phát huy những kết quả đạt được và khắc phục triệt để những hạn chế, yếu kém nảy sinh sau 8 năm thực hiện NQ51, nhiều đại biểu thống nhất cho rằng: Vấn đề quan trọng và có tính cốt yếu là cần phân tích, làm rõ nội hàm “chủ trì về chính trị” của chính ủy, CTV được nêu trong NQ51. Khi hiểu rõ nội hàm “chủ trì về chính trị” không chỉ góp phần nâng cao nhận thức, mà còn giúp chính ủy, CTV và người chỉ huy phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả hơn trong hoạt động thực tiễn ở từng cơ quan, đơn vị; giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng trong mọi hoạt động của quân đội; bảo đảm xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của quân đội, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, nhân dân tin cậy giao phó.
NGỌC LONG - NGUYÊN THẮNG
Bài 2: Làm rõ nội hàm “chủ trì về chính trị”