Đến dự và chỉ đạo hội thảo có Thiếu tướng Vũ Đức Long, Phó chính ủy Học viện; đại biểu lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị, các nhà khoa học trong và ngoài Học viện.
 |
Quang cảnh hội thảo. |
Hội thảo khẳng định: Cách đây 100 năm, ngày 24-5-1922, Hội đồng Nghiên cứu vấn đề thuộc địa của Hội Liên hiệp thuộc địa đã thông qua Tuyên ngôn của Hội Liên hiệp thuộc địa do Nguyễn Ái Quốc trực tiếp soạn thảo. Bản Tuyên ngôn đã nêu lên những quan điểm cốt lõi, định hướng tổ chức và hoạt động của Hội Liên hiệp thuộc địa, nhằm hướng dẫn các dân tộc thuộc địa thực hiện công cuộc đấu tranh giải phóng các dân tộc khỏi sự áp bức, bóc lột của chủ nghĩa đế quốc thực dân.
Tuy chỉ hoạt động trong một thời gian không dài, nhưng bằng nghị lực, trí tuệ, tài năng của Nguyễn Ái Quốc và những người bạn chiến đấu ở Pháp, Hội Liên hiệp thuộc địa đã góp phần đáng kể vào việc đoàn kết nhân dân các nước thuộc địa trong một mặt trận chung, chống chủ nghĩa đế quốc thực dân, xây dựng tình đoàn kết giữa nhân dân các nước thuộc địa với giai cấp công nhân và nhân dân lao động Pháp, nhằm thực hiện công cuộc đấu tranh giải phóng các dân tộc thuộc địa khỏi sự áp bức, bóc lột của chủ nghĩa đế quốc thực dân, giành lại quyền độc lập, tự do và quyền tự quyết cho các dân tộc thuộc địa, phụ thuộc.
 |
Các đại biểu dự hội thảo. |
Các tham luận trình bày tại hội thảo đã làm rõ, thống nhất nhận thức về bối cảnh lịch sử ra đời của Báo Le Paria trong phong trào đấu tranh giải phóng các thuộc địa và vai trò của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh với Báo Le Paria. Đây là cơ sở để Hồ Chí Minh sớm xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam, mà tiền thân là Báo Thanh Niên, ra đời ngày 21-6-1925, sau khi Người trở về Quảng Châu, Trung Quốc để hoạt động và chỉ đạo cách mạng. Cùng với đó, các tham luận cũng chỉ rõ, sự cần thiết và tầm quan trọng của sự nghiệp củng cố, tăng cường, nâng cao chất lượng của nền báo chí cách mạng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng, phát triển đất nước hiện nay. Đặc biệt, cách làm của Hồ Chí Minh để duy trì hoạt động của Báo Le Paria là những gợi mở rất quan trọng cho các báo, tạp chí ở nước ta hiện nay trong việc xác định tôn chỉ, mục đích hoạt động, phương thức tuyên truyền, đối tượng độc giả và cách thức tồn tại, phát triển trong bối cảnh tự hoạch toán kinh doanh như hiện nay.
 |
Đại biểu tham luận tại hội thảo. |
Với gần 40 bài viết tâm huyết, trách nhiệm của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong và ngoài quân đội, hội thảo là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời là cơ hội để đánh giá, nhìn nhận về tầm vóc và ý nghĩa to lớn của một sự kiện lịch sử quan trọng đối với cách mạng Việt Nam và phong trào cách mạng thế giới.
Tin, ảnh: QUỐC TUẤN