Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến, kết nối giữa điểm cầu trung tâm Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh với các điểm cầu tại TP Hồ Chí Minh và tỉnh Cao Bằng.

Dự và chủ trì hội thảo tại Hà Nội có các đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương. Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh tham dự tại điểm cầu TP Hồ Chí Minh và đồng chí Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng dự tại điểm cầu tỉnh Cao Bằng.

Phát biểu khai mạc và đề dẫn hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: Cách đây 110 năm, với ý chí, khát vọng cháy bỏng giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi ách nô lệ dưới chế độ thực dân, phong kiến, ngày 5-6-1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rời Bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước. Hành trình của Người đã mở ra những mốc son rực rỡ nhất trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam.

Gần 30 năm kể từ lúc ra đi cho đến khi trở về Tổ quốc, Nguyễn Tất Thành, sau này đã trở thành lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu, đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử cao cả, mang đến cho nhân dân Việt Nam ngọn cờ và khát vọng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Từ chủ nghĩa yêu nước, Người đã tìm thấy ánh sáng khoa học và cách mạng của Chủ nghĩa Mác-Lênin, trở thành một chiến sĩ cộng sản quốc tế, nhà hoạt động tích cực, sôi nổi truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào cách mạng Việt Nam. Người đã sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh đạo cả dân tộc ta giành thắng lợi vẻ vang trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 lịch sử, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước dân chủ đầu tiên ở Đông Nam Á, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên mới: Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Hành trình của Chủ tịch Hồ Chí Minh là hành trình sáng tạo, vĩ đại trong tìm đường, mở đường và dẫn đường cho sự nghiệp phóng dân tộc, giải phóng đất nước. Mỗi bước đi của Người trong hành trình ấy đều gắn liền với những quyết định trọng đại, những mốc son lịch sử trong các chặng đường của cách mạng Việt Nam.

Tại hội thảo, các chuyên gia, học giả đã nêu ý kiến phân tích quá trình Đảng ta vận dụng, bổ sung, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó cốt lõi là tư tưởng về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, bảo đảm đất nước phát triển nhanh và bền vững, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Phát biểu kết luận hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, gần 60 tham luận gửi tới hội thảo đã kế thừa những thành quả nghiên cứu khoa học, tìm hiểu về sự kiện lịch sử, về những vấn đề đã được đề cập, gợi mở thêm những luận cứ khoa học để chúng ta tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu về cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tư tưởng của Người. Các ý kiến phát biểu, tham luận có ý nghĩa tư tưởng chính trị sâu sắc, nội dung khoa học đa dạng... Hội thảo là hoạt động thiết thực để chúng ta bày tỏ lòng thành kính và biết ơn vô hạn đối với công lao, cống hiến vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là dịp để chúng ta đẩy mạnh nghiên cứu, quán triệt sâu sắc hơn về tầm vóc, giá trị to lớn và quý giá của di sản Hồ Chí Minh, đặc biệt là khát vọng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

TTXVN