Cụ thể, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, 5 năm qua, tình hình thế giới và khu vực biến động sâu sắc, bất ổn và khó lường, cạnh tranh nước lớn diễn ra phức tạp, ngày càng quyết liệt hơn về tính chất, mức độ và mở rộng hơn về phạm vi, lĩnh vực. Đặc biệt từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 bùng phát, tốc độ lây lan nhanh, diễn biến khó lường với mức độ nguy hiểm chưa từng có trong lịch sử đã tác động mạnh mẽ, toàn diện và sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội toàn cầu. Trước bối cảnh đó, Quốc hội đã triển khai công tác đối ngoại trên cơ sở thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc, phương châm, quan điểm chỉ đạo về đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, với sự thích ứng, cập nhật mau lẹ với tình hình mới.
 |
Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại hội nghị. |
Hoạt động đối ngoại của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV tập trung tăng cường quan hệ hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế, đưa các mối quan hệ vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực; trao đổi kinh nghiệm hoạt động nghị viện với các nước trên thế giới; thúc đẩy sự ủng hộ của các nghị viện trong quan hệ song phương cũng như các cơ chế hợp tác đa phương, các vấn đề khu vực và quốc tế; phát huy tốt các lợi thế của kênh ngoại giao nghị viện trong tổng thể công tác đối ngoại chung của Đảng và Nhà nước.
Theo Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội, những dấu ấn nổi bật trong công tác đối ngoại của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV là tổ chức thành công Năm Chủ tịch AIPA 2020 và Đại hội đồng AIPA lần thứ 41 lần đầu tiên dưới hình thức trực tuyến; đăng cai tổ chức thành công Diễn đàn nghị viện châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 26 (APPF-26); phối hợp với IPU tổ chức thành công Hội nghị khu vực châu Á - Thái Bình Dương về “Ứng phó với biến đổi khí hậu - hành động của các nhà lập pháp nhằm thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững”.
Trên kênh ngoại giao nghị viện, Quốc hội Việt Nam đã làm rất tốt việc củng cố và tiếp tục phát triển mối quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước bạn truyền thống, các nước láng giềng, các nước đối tác chiến lược, đối tác toàn diện.
 |
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu phát biểu tại hội nghị. |
Sau khi nhắc lại những kết quả nổi bật trong các mặt công tác mà Ủy ban Đối ngoại đã thực hiện trong nhiệm kỳ, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội đánh giá: Với tất cả sự khiêm tốn nhất, chúng ta có niềm tự hào về tinh thần trách nhiệm, về công tác tham mưu, đề xuất ý kiến sắc sảo, về trách nhiệm thẩm tra để góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho công cuộc hội nhập và thực hiện các cam kết quốc tế của nước ta; đưa hoạt động đối ngoại của Quốc hội trở thành một bộ phận quan trọng trong hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Đồng thời cũng để lại nhiều kinh nghiệm quý về tính chuyên nghiệp, về công tác phối hợp, giám sát của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, về sự trưởng thành của cán bộ.
Theo báo cáo của Ủy ban Đối ngoại, trong nhiệm kỳ, thực hiện chức năng, nhiệm vụ luật định, Ủy ban Đối ngoại đã chủ trì thẩm tra trình Quốc hội thông qua dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài, Luật Thỏa thuận quốc tế. Đồng thời, chủ trì thẩm tra 9 điều ước quốc tế quan trọng trình Quốc hội phê chuẩn, quyết định gia nhập; 4 điều ước quốc tế về phân giới cắm mốc giữa Việt Nam và Lào, giữa Việt Nam và Campuchia góp phần quan trọng xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Đồng thời, Ủy ban Đối ngoại chủ trì thẩm tra 6 điều ước quốc tế khác và kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua. Đây là các điều ước quốc tế thúc đẩy hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về biên giới quốc gia, đáp ứng yêu cầu hội nhập của đất nước trong giai đoạn mới của nước ta.
 |
Quang cảnh hội nghị. |
Ủy ban Đối ngoại tham mưu thành lập Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên” và chủ trì xây dựng nội dung, báo cáo giám sát; triển khai giám sát 6 chuyên đề quan trọng.
Với vai trò chủ trì điều phối, Ủy ban Đối ngoại đã triển khai các hoạt động của Tổ chức Nghị sĩ hữu nghị, Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ và phối hợp hoạt động với Nhóm Nữ đại biểu Quốc hội với hình thức phong phú, nội dung đa dạng hơn trong mối quan hệ song phương và tại các diễn đàn nghị viện đa phương. Ủy ban đã tham mưu Quốc hội nước ta đưa sáng kiến Hội nghị nữ Nghị sĩ chính thức vào khuôn khổ diễn đàn APPF, Hội nghị Nghị sĩ trẻ chính thức vào khuôn khổ Đại hội đồng AIPA hàng năm.
Trong nhiệm kỳ, Ủy ban Đối ngoại đã phối hợp các cơ quan Quốc hội trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn 112 Đại sứ đặc mệnh toàn quyền.
Tin, ảnh: CHIẾN THẮNG