Bằng văn phong linh hoạt, pha trộn khéo léo giữa cách viết và nghiên cứu, cuốn sách dày gần 700 trang thoát khỏi lối hành văn khô khan giáo huấn, trở nên dễ đọc. “Văn minh vật chất của người Việt” ra mắt vào chiều 31-5, tại phòng triển lãm trung tâm nghệ thuật 42 Yết Kiêu, Hà Nội...
 |
Tác giả Phan Cẩm Thượng đang giới thiệu cuốn sách “Văn minh vật chất của người Việt” |
QĐND Online - Cuốn sách “Văn minh vật chất của người Việt” của nhà nghiên cứu, phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng được đánh giá là cuốn sách hay và lạ bởi trong đó chứa đựng câu chuyện về các đồ vật do con người làm ra và sử dụng. Những đồ vật đó tạo nên thế giới vật chất nhân tạo mà ta đang sống trong đó, biến đổi nó và cùng tiến hoá với nó. Bằng văn phong linh hoạt, pha trộn khéo léo giữa cách viết và nghiên cứu, cuốn sách dày gần 700 trang thoát khỏi lối hành văn khô khan giáo huấn, trở nên dễ đọc. “Văn minh vật chất của người Việt” ra mắt vào chiều 31-5, tại phòng triển lãm trung tâm nghệ thuật 42 Yết Kiêu, Hà Nội.
“Xét về hình thức thì đây là một cuốn sách đẹp, những bức tranh, ảnh trong đó chủ yếu là hình đen trắng được hoạ sĩ vẽ bằng tay và không dùng màu nên tạo ấn tượng đặc biệt với người xem. Ngoài ra, văn phong trong cuốn sách này rất mạch lạc. Có thể coi đây là một cuốn sách tổng hợp của văn hoá, lịch sử Việt Nam trong các thời kỳ”, hoạ sĩ Lê Thiết Cương cho biết.
Để hoàn thành cuốn sách này, tác giả Phan Cẩm Thượng đã phải mất nhiều năm nghiên cứu, thu thập tài liệu và sau đó ngồi viết trong 2 năm thì hoàn thiện. “Khi làm cuốn sách này tôi đã tìm thấy bước tiến của dân tộc mình. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu sót là tôi vẫn chưa khảo cứu để đưa hết vào trong sách những vấn đề văn hoá, lịch sử... của dân tộc. Tôi hy vọng cuốn “Văn minh vật chất của người Việt” sẽ là cẩm nang để các bạn trẻ hiểu hơn những giá trị quý báu mà cha ông ta gây dựng nên từ bao đời nay”, hoạ sĩ Phan Cẩm Thượng bộc bạch.
Nói về giá trị của cuốn sách này, hoạ sĩ, nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Quân nhận xét: “Cuốn sách dầy với lượng minh họa lớn và đẹp là một món quà trí tuệ quý giá. Ta biết rất nhiều về thế giới vật chất mà ông cha, tổ tiên, chính chúng ta đã và đang tạo ra, sử dụng, hưởng thụ. Thế giới vật chất ấy tạo nên một phần quan trọng của văn minh Việt rất đáng tự hào. Qua cách nhìn từ nhiều khía cạnh, cả cái yếu và cái mạnh, cái hay và cái dở, cái tốt và cái xấu, cái kém cỏi và cái giỏi giang, cái cấp tiến... của dân mình”.
Tin, ảnh: Gia Khánh