QĐND - Cách đây vừa tròn 65 năm, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang trong giai đoạn khó khăn nhất, nhưng để kịp thời tri ân công lao đóng góp cho Tổ quốc của liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 20 quy định chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh-liệt sĩ. Theo đó, từ năm 1947 đến nay, ngày 27-7 hằng năm trở thành ngày hội tri ân của đồng bào và chiến sĩ cả nước đối với những người con đã không tiếc máu xương hiến dâng sự sống của mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
65 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác chính sách và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” ngày càng lan tỏa sâu rộng ở các cấp, các ngành, các địa phương với nhiều việc làm thiết thực, hiệu quả. Hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” ngày càng được các cấp, các ngành, các địa phương triển khai thực chất hơn, hiệu quả hơn, thiết thực hơn. Đó chính là dòng chảy, sự tiếp nối đạo lý văn hóa Việt “Ăn quả nhớ người trồng cây” của các thế hệ người Việt Nam. Thực hiện phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” không những đã trở thành nhiệm vụ chính trị của cấp ủy, chính quyền các cấp mà còn là đạo nghĩa của mỗi người Việt Nam. Nhiều phong trào, nhiều cách làm sáng tạo được cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành triển khai thực hiện mang lại hiệu quả cao. Trong hàng trăm, hàng nghìn cách làm sáng tạo, phải kể tới việc các đơn vị trong quân đội triển khai thực hiện chủ trương bố trí, sắp xếp việc làm cho con đẻ thương binh, bệnh binh đang điều trị tại các trung tâm điều dưỡng; hoặc phong trào tự nguyện quyên góp kinh phí xây nhà tình nghĩa tặng đối tượng chính sách; nhận phụng dưỡng suốt đời Bà mẹ Việt Nam anh hùng… Mỗi chủ trương, mỗi việc làm của từng cá nhân, tập thể đều mong muốn cuộc sống của thương binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng ngày càng đủ đầy hơn về vật chất, thoải mái hơn về tinh thần.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, bằng sự quan tâm của toàn xã hội, bằng trách nhiệm và đạo lý của mỗi người dân đất Việt, mỗi ngày, mỗi tháng qua đi, con số các gia đình chính sách, người có công được tặng nhà mới; con đẻ của thương binh, liệt sĩ có việc làm… lại tăng lên, mang lại niềm vui chung cho toàn xã hội. Đó thực sự là những con số có ý nghĩa thiết thực thể hiện lòng tri ân đối với công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, các thương binh, bệnh binh.
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng công tác chăm sóc thương binh - liệt sĩ và người có công vẫn còn không ít hạn chế, bất cập. Thực tế, vẫn còn một tỷ lệ nhất định đối tượng chính sách ở vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng căn cứ cách mạng còn gặp khó khăn, thiếu thốn; vẫn còn con đẻ của thương binh, liệt sĩ chưa tìm được việc làm; vẫn có những lúc, những nơi, những địa phương, những tổ chức xã hội, cá nhân chưa thường xuyên thực hiện đầy đủ Pháp lệnh Người có công…
Thiết thực kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, đi đôi với phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” phải làm thật tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, “truyền lửa” cho thế hệ trẻ thấy được niềm vinh dự, tự hào được sống trong hòa bình mà nâng cao lòng tự trọng, trách nhiệm với những người đã không tiếc xương máu của chính mình hiến dâng cho Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, vì tự do của dân tộc.
Để đền đáp xứng đáng với sự hy sinh lớn lao của hàng triệu thương binh, liệt sĩ, trách nhiệm của mỗi chúng ta phải làm tốt hơn nữa, thường xuyên hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với nước; gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công phải làm được như lời Bác Hồ kính yêu đã dạy: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân, gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận của mỗi chúng ta là phải quan tâm, thương yêu và giúp đỡ họ”.
Quân đội ta với bản chất tốt đẹp, truyền thống vẻ vang của mình, với tình đồng chí, đồng đội thủy chung; kể từ ngày thành lập đến nay luôn là lực lượng đi đầu, điển hình trong thực hiện công tác chính sách, chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với nước bằng nhiều phong trào thiết thực, hiệu quả. Thực hiện tốt công tác chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội; chăm sóc tốt thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công chính là thành tố quan trọng tạo nên sức mạnh để quân đội luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình; đó cũng chính là giá trị truyền thống Bộ đội Cụ Hồ.
QĐND