QĐND - Người dân sinh sống, canh tác trên khu vực đất vốn đã được quy hoạch làm thao trường huấn luyện quân sự là thực trạng đặt ra đòi hỏi các đơn vị quân đội phải có biện pháp giải quyết thấu tình, đạt lý. Thời gian qua, Bộ CHQS tỉnh Lào Cai đã coi trọng công tác tuyên truyền vận động, giải quyết thấu đáo quyền lợi của người dân khi thu hồi diện tích đất quốc phòng bị lấn chiếm. Cách làm này được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương ủng hộ, đánh giá cao.
 |
Một góc khu tăng gia tập trung trong thao trường Bộ CHQS tỉnh Lào Cai. Ảnh: Phạm Hồ Trúc
|
Tranh thủ sự ủng hộ của cả hệ thống chính trị
Thao trường huấn luyện quân sự do Bộ CHQS tỉnh Lào Cai quản lý có diện tích gần 200ha, thuộc địa bàn thôn Gốc Mít, xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng. Trước đây, thao trường này do một đơn vị quân đội quản lý, sử dụng. Do yêu cầu nhiệm vụ, đơn vị này đã giải thể vào năm 1990, khu vực thao trường được bàn giao lại cho Bộ CHQS tỉnh Hoàng Liên Sơn. Năm 1991, tỉnh Hoàng Liên Sơn chia tách thành hai tỉnh là Lào Cai và Yên Bái. Khu vực thao trường trên được chuyển về cho Bộ CHQS Lào Cai quản lý. Cũng trong thời gian đó, nhiều hộ đồng bào người dân tộc thiểu số thuộc các huyện: Bắc Hà, Si Ma Cai, với thói quen du canh, du cư đã di chuyển đến sinh sống, canh tác trong khu vực thao trường.
Tháng 7-2011, trước đòi hỏi của nhiệm vụ quân sự-quốc phòng trên địa bàn, Bộ CHQS tỉnh Lào Cai quyết tâm quy hoạch lại thao trường, di dời 34 hộ dân với 119 nhân khẩu đang sinh sống trong khu vực đất quốc phòng. Đại tá Vũ Thành, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Lào Cai cho biết:
- Để làm tốt việc thu hồi đất, Bộ CHQS tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy có văn bản kết luận về vấn đề này. Từ kết luận của Tỉnh ủy, UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo di dời, giao cho đồng chí Nguyễn Thanh Dương, Phó chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban. Ở cấp huyện, UBND huyện Bảo Thắng cũng thành lập Ban Chỉ đạo do đồng chí Phạm Văn Huynh, Phó chủ tịch UBND huyện làm trưởng ban. Ban chỉ đạo các cấp thống nhất chủ trương: Coi trọng công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân hiểu rõ nguồn gốc khu đất, ủng hộ cấp ủy, chính quyền địa phương khi quy hoạch lại đất thao trường.
Theo đồng chí Đỗ Xuân Nhương, Chủ tịch UBND xã Xuân Quang thì quán triệt chủ trương trên, UBND xã đã tổ chức 15 cuộc họp đối thoại, phổ biến, tiếp thu ý kiến người dân. Lần lượt 34 hộ dân trong khu vực đều được phát biểu, trình bày quan điểm và nguyện vọng của mình. Với những gia đình chưa hiểu đúng vấn đề, đội ngũ cán bộ xã, cán bộ thôn kiên trì tuyên truyền, thuyết phục; cùng với việc tranh thủ sự ủng hộ của đội ngũ đảng viên, người có uy tín trong khu vực dân cư. Sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị cuối cùng đã được đền đáp bằng việc, toàn bộ 34 hộ dân thôn Gốc Mít đều tự nguyện viết cam kết chấp hành chủ trương di dời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lào Cai.
Đại tá Vũ Thành cho biết thêm: Trong quá trình tuyên truyền, thuyết phục người dân, Bộ CHQS tỉnh chú trọng phát huy vai trò đội ngũ cán bộ, đảng viên tại địa bàn thôn, xã, đồng thời phát huy thế mạnh làm công tác dân vận của LLVT. Đội vận động quần chúng do Bộ CHQS tỉnh Lào Cai thành lập, bao gồm cán bộ 4 cơ quan và 50 chiến sĩ đến từng nhà, gặp từng người lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, đề xuất với lãnh đạo, chỉ huy các cấp phương án giải quyết kịp thời. Với các vấn đề phát sinh, hàng tuần, Bộ CHQS tỉnh đều tổ chức các buổi họp với chính quyền địa phương và người dân để bàn cách giải quyết.
 |
Lãnh đạo, chỉ huy Bộ CHQS tỉnh Lào Cai tặng gạo cho bà con nhân dân thôn Gốc Mít. Ảnh: Phạm Hồ Trúc
|
Thực sự quan tâm đến quyền lợi người dân
Đại tá Cao Đắc Cử, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Lào Cai cho biết:
- Chính từ quá trình lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, chúng tôi thấy không thể giải quyết ngọn ngành vấn đề nếu không giúp bà con ổn định nơi ăn, chốn ở.
Từ quan điểm đó, Bộ CHQS tỉnh Lào Cai tiếp tục tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh và Bộ tư lệnh Quân khu 2, xin được chuyển đổi một phần đất thao trường quy hoạch thành khu tái định cư mới với diện tích hơn 13.000m2 bố trí nơi ở cho 34 hộ dân thôn Gốc Mít. Theo đó, trung bình mỗi hộ được cấp từ 400 đến 450m2 đất ở. Khu vực này nằm ngay cạnh Quốc lộ 4E, cách trường học 500m. UBND tỉnh lại trích kinh phí gần 3 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, dùng quỹ đất địa phương cấp đất nông lâm nghiệp cho các hộ có tư liệu sản xuất. Việc di dời các hộ cũng được tiến hành cẩn trọng, chặt chẽ, đền bù đầy đủ theo quy định của pháp luật. UBND huyện Bảo Thắng hỗ trợ xe vận chuyển tài sản của người dân đến nơi ở mới. Bộ CHQS tỉnh giúp hàng trăm ngày công vận chuyển; hỗ trợ bà con vật liệu, tre, gỗ; tu sửa 1,5km đường liên thôn, sửa chữa 2 lớp học, tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 419 người. 8 hộ nghèo trong số 34 hộ của thôn Gốc Mít được tỉnh hỗ trợ thêm 10 triệu đồng làm nhà mới; thực hiện hỗ trợ 10kg gạo/người trong vòng 6 tháng cùng nhiều hình thức hỗ trợ khác.
Gặp chúng tôi, đồng chí Đỗ Hồng Tâm, Bí thư Chi bộ thôn Gốc Mít phấn khởi cho biết: “Trước khi di dời, chúng tôi rất lo cho đời sống của 34 hộ dân. Nhưng đến nay, khu tái định cư được quy hoạch đồng bộ, đường được trải nhựa, từng ngôi nhà xây mới khang trang, chúng tôi rất yên tâm”.
Trong căn nhà mới xây khang trang, trên diện tích đất 450m2, sát Quốc lộ 4E với tiện nghi khá đầy đủ, ông Vàng Văn Giàng, 60 tuổi, dân tộc Nùng, cho biết: “Trước kia gia đình tôi sống trong khu vực thao trường đi lại khó khăn, hằng năm cứ đến tháng giáp hạt là thiếu đói. Nay chuyển ra khu tái định cư, giao thông thuận lợi nên gia đình mạnh dạn vay vốn mở dịch vụ vận chuyển vật liệu xây dựng, thu nhập bình quân mỗi tháng được 5 triệu đồng. Đời sống của chúng tôi khá hơn hẳn”.
Ổn định cuộc sống lâu dài
Sau khi cùng chính quyền địa phương trao tặng bà con thôn Gốc Mít một tấn gạo, Đại tá Cao Đắc Cử trăn trở: "Hiện bà con đã tạm ổn định đời sống, những vấn đề là phải ổn định bền vững. Chỉ khi cuộc sống người dân được ổn định thì đó chính là liệu pháp quan trọng nhất để đất thao trường không bị lấn chiếm".
Hiện thực hóa suy nghĩ đó, vừa qua, Bộ CHQS tỉnh đã cử cán bộ, chiến sĩ Phân đội 17 xuống tận thôn, bản hướng dẫn, giúp đỡ nhân dân thôn Gốc Mít và cả xã Xuân Quang phương pháp trồng trọt, chăn nuôi, chuyển giao kỹ thuật mới. Cùng chung quan điểm phải giúp dân ổn định đời sống lâu dài, các cơ quan chức năng của huyện Bảo Thắng cũng cử cán bộ về tận xã tuyên truyền; tổ chức đào tạo nghề, tư vấn việc làm cho 400 lượt bà con nông dân...
Có thể khẳng định, biết dựa vào dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, chủ động, kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương có các chủ trương, biện pháp phù hợp; đồng thời phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị làm công tác vận động nhân dân chính là những kinh nghiệm trong việc quản lý đất thao trường ở Bộ CHQS tỉnh Lào Cai. Đặc biệt, không chỉ tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh đầu tư, xây dựng khu định cư mới cho bà con với điều kiện tốt hơn, mà việc quan tâm thường xuyên đến đời sống người dân của cán bộ, chiến sĩ LLVT địa phương thực sự là "chìa khóa" để giải quyết một vấn đề rất khó mà không phải địa phương, đơn vị nào cũng đã làm được như ở Lào Cai...
Lại Nguyên Thắng