Nhắc lại những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế-xã hội năm 2017 của nước nhà, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá: “Trong những thành tựu chung của đất nước có sự đóng góp hết sức quan trọng của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ vui mừng trước những bước tiến quan trọng của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam sau hơn 12 năm xây dựng và trưởng thành. Cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa đã thực sự trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, góp phần ngày càng quan trọng trong việc phát triển kinh tế, cũng như giảm bất bình đẳng xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo.
|
|
Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại buổi gặp mặt. |
Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao những hoạt động thiết thực và hiệu quả của Hiệp hội trong việc thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động lớn do Đảng, Nhà nước, Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam phát động; việc Hiệp hội nghiên cứu thành công 2 sáng chế khoa học “Quy trình xác thực chống hàng giả” và “Giải pháp cai nghiện ma túy” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Bằng độc quyền sáng chế, đã và đang mang lại lợi ích to lớn về kinh tế và xã hội. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội biểu dương, ghi nhận và chúc mừng Hiệp hội về những kết quả nổi bật ấy.
Nêu bật những chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về kinh tế tư nhân, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói: “Những chính sách pháp luật này đã hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa có môi trường làm ăn tốt hơn, qua đó cải thiện hiệu quả đầu tư kinh doanh và có bước phát triển tích cực”.
Đề cập đến việc có đến 97% doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ, siêu nhỏ với trình độ công nghệ thấp, chậm đổi mới; năng lực tài chính, năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh còn thấp; trình độ quản trị, tính liên kết với nhau và với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài còn yếu; khả năng tham gia chuỗi giá trị trong nước và quốc tế còn thấp, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đó là nguyên nhân dẫn tới việc doanh nghiệp tư nhân ra đời rất nhiều nhưng tạm ngừng hoạt động, giải thể cũng không ít. “Trong năm 2017, cả nước có 126.859 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới nhưng số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong năm là 60.553 doanh nghiệp, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 12.113 doanh nghiệp”, Chủ tịch Quốc hội nêu số liệu thống kê.
Thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ mong muốn, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa cần tiếp tục nâng cao trình độ, năng lực và uy tín, tham gia nhiều hơn, có chất lượng hơn vào công tác phản biện xã hội, vào quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp; đồng thời chỉ ra những hạn chế, bất cập của các cơ chế, chính sách hiện hành để kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, qua đó hỗ trợ tích cực hơn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cần phải chủ động trong việc đổi mới, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, các giải pháp cải thiện năng lực quản trị doanh nghiệp nhằm nâng cao năng suất lao động, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, của doanh nghiệp để không thua các đối thủ ngay tại “sân nhà”; xây dựng thương hiệu sản phẩm, mở rộng thị trường trong và ngoài nước; kinh doanh, đóng thuế, bảo hiểm theo đúng quy định của pháp luật; có khát vọng vươn lên làm giàu cho mình, góp phần chấn hưng đất nước, tích cực tham gia các hoạt động bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ về vật chất và tinh thần cho các đối tượng chính sách.
Tin, ảnh: CHIẾN THẮNG