QĐND Online - Sau một thời gian nghiên cứu và tham vấn nghiêm túc với các chuyên gia trong ngành, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách phối hợp với Trung tâm tư vấn Phát triển đô thị Việt Nam - Hiệp hội Đô thị Việt Nam và Quỹ Châu Á, tổ chức Hội thảo “Đánh giá hoạt động quản lý chất thải rắn đô thị tại Việt Nam – Tiếp cận theo phương pháp cấu trúc thị trường” vào sáng 10-11, tại Hà Nội.
Trong vòng hơn một năm nghiên cứu về hoạt động quản lý chất thải rắn (CTR) ở 5 tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh, Hà Nội, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Đà Lạt, nhóm nghiên cứu của viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đánh giá thị trường dịch vụ CTR đô thị tại Việt Nam vẫn chưa đồng bộ và gặp nhiều khó khăn ở tất cả các khâu thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải.
 |
PGS. TS Vũ Sỹ Cường, Phó Trưởng Bộ môn Phân tích chính sách tài chính, Học viện Tài chính, phát biểu tại hội thảo.
|
Cụ thể, hệ thống cơ quan Nhà nước liên quan đến quản lý CTR đô thị vẫn chưa thống nhất. Ví dụ, việc quản lý CTR ở Hà Nội do sở Xây dựng đảm nhận trách nhiệm chính còn sở Tài nguyên và Môi trường chỉ là phụ, trong khi đó ở Thành phố Hồ Chí Minh, nhiệm vụ này lại do sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm. Đại diện nhóm nghiên cứu, PGS. TS Vũ Sỹ Cường, Phó Trưởng Bộ môn Phân tích chính sách tài chính, Học viện Tài chính cho biết: “Việc không thống nhất trong hệ thống quản lý như trên dẫn tới những khó khăn nhất định trong việc tập hợp số liệu hằng năm về số lượng CTR ở các đô thị tại Việt Nam, số lượng các doanh nghiệp tham gia cũng như những số liệu liên quan. Tuy nhiên, điều này đang được khắc phục theo Nghị định 38/2015 NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu và đã có hiệu lực từ tháng 7-2015 vừa rồi”.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang gặp khó khăn trong vấn đề phân loại rác tại nguồn do người dân thường bán CTR cho người thu mua phế liệu, thay vì phân loại cho cơ quan thu gom; lệ phí thu gom CTR vẫn còn quá thấp, chỉ chiếm từ 0,1% - 0,2% so với mức thu nhập trung bình của hộ gia đình…Mặt khác, hình thức xử lý rác thải của Việt Nam tính đến năm 2010 đa phần là chôn lấp, với 157 bãi rác, trong đó chỉ có 10,8% bãi chôn lấp được coi là hợp vệ sinh…
Từ những bất cập đó, Chính phủ đã có những chính sách mới nhằm quản lý và xử lý CTR hiệu quả hơn. Cụ thể, Nghị định 38/2015 NĐ-CP đã thay thế Nghị định 59/2015/NĐ-CP và NĐ 174/2013/NĐ-CP với nội dung Chính phủ khuyến khích khu vực tư nhân tham gia mạnh mẽ vào công tác quản lý CTR thông qua các chính sách ưu đãi hỗ trợ, như ưu đãi về đất đai, ưu đãi về thuế, hỗ trợ nguồn vốn… Ngoài ra, ở từng địa phương cũng có những chính sách riêng về quản lý CTR, như thực hiện nghiêm ngặt hơn trong công tác thu phí vệ sinh và phí bảo vệ môi trường đối với người dân…
Nhóm nghiên cứu của VEPR cũng đề ra một số giải pháp như cấu trúc thị trường các phân đoạn thu gom, vận chuyển và xử lý CTR nên tập trung vào một số doanh nghiệp (khuyến khích sự tham gia của tư nhân) để tăng khả năng giám sát tiêu chuẩn kỹ thuật và chất lượng dịch vụ; Chính phủ nên tăng mức phí thu vệ sinh môi trường để các doanh nghiệp có thêm nguồn vốn đầu tư trang thiết bị xử lý rác thải…
Tin, ảnh: HÀ MY