Ngày 26-2, tại TPHCM, Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) cùng UBND 12 tỉnh thành liên quan đã tổ chức hội nghị triển khai Đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai - Sài Gòn. Qua hội nghị hiện trạng môi trường lưu vực hệ thống sông nói trên đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, đặc biệt là vùng hạ lưu, trong khi các giải pháp bảo vệ vẫn còn trong tình trạng thảo luận, dự thảo…

Một số nơi có dấu hiệu ô nhiễm kim loại nặng

Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân: TPHCM cam kết làm hết sức mình để bảo vệ lưu vực sông Đồng Nai

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đã cam kết: “TPHCM sẽ làm hết sức mình để bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai.

TP sẽ không vì lợi ích kinh tế trước mắt mà quên đi trách nhiệm bảo vệ môi trường. Trong đầu tư, TP sẽ không nhận những dự án gây ô nhiễm môi trường, xử lý cương quyết các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, không để phát sinh những cơ sở gây ô nhiễm mới. Tập trung xử lý nước thải, rác thải”.

A.N.

Báo cáo hiện trạng môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai (LVHTSĐN) dài 34 trang của Cục Bảo vệ môi trường (Bộ TN-MT) dù không có bất ngờ (vì là số liệu cũ) nhưng cũng đã đem lại mối quan tâm rất lớn đối với nhiều người về thực trạng ô nhiễm môi trường.

LVHTSĐN chịu ảnh hưởng mạnh của nhiều nguồn tác động, đặc biệt vùng lưu vực (nằm trong 6 tỉnh thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam) đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, có đoạn trở thành sông “chết”.

Kết quả phân tích chất lượng nước từ năm 2000 đến nay cho thấy, ô nhiễm chủ yếu là ô nhiễm chất hữu cơ, vi sinh… đặc biệt, một số nơi đã có dấu hiệu ô nhiễm kim loại nặng.

Ô nhiễm nhất trong lưu vực chính là sông Thị Vải, nơi có một đoạn sông “chết” dài trên 10km. Ở đây các loài sinh vật không còn khả năng sinh sống, hàm lượng thủy ngân tại khu vực cảng Vedan, Mỹ Xuân vượt tiêu chuẩn từ 1,5 đến 4 lần, kẽm vượt 3 - 5 lần…

Khu vực sông Vàm Cỏ (đoạn cầu Kênh Xáng - Tây Ninh) bị ô nhiễm hữu cơ nặng nhất, chất lượng nước sông không còn đảm bảo tiêu chuẩn cho mục đích cấp nước.

Sông Sài Gòn thuộc khu vực TPHCM cũng đã bị ô nhiễm hữu cơ nặng, đặc biệt là ô nhiễm dầu (DO) và vi sinh (Coliform). Hàm lượng DO đo được dao động khoảng 0,03mg/l, trong khi quy định không cho phép dầu hiện diện trong nguồn nước cung cấp sinh hoạt.

Ô nhiễm vi sinh cũng vượt 3 – 168 lần tiêu chuẩn cho phép. Khu vực nội thành với 5 hệ thống kênh rạch tiêu thoát nước chính thì hầu hết cũng ô nhiễm, vào mùa khô ô nhiễm trở nên đặc biệt nghiêm trọng, các giá trị ô nhiễm vượt tiêu chuẩn từ hàng ngàn đến hàng chục ngàn lần…

Nguyên nhân gây ô nhiễm LVHTSĐN chính từ các nguồn nước thải (công nghiệp, sinh hoạt, làng nghề, y tế, nông nghiệp…) và các tác động bởi hoạt động phát triển thủy điện - thủy lợi, nông nghiệp, khai khoáng… Trong đó, nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp đóng góp tỷ lệ lớn nhất, với tải lượng các chất gây ô nhiễm cao nhất.

Khi nào tình hình được cải thiện?

Sông Sài Gòn tại TPHCM cũng là một dòng sông không “khỏe” trong lưu vực hệ thống sông Đồng Nai. Ảnh: THÀNH TÂM

Câu trả lời đã có trong Quyết định 187/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Đề án bảo vệ môi trường LVHTSĐN đến năm 2020”.

Theo đó, quyết định lên kế hoạch cho các tỉnh thành: đến năm 2010 phải cải thiện có hiệu quả chất lượng môi trường và chất lượng nước của hệ thống sông Đồng Nai, cụ thể, 80% các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao; 40% các khu đô thị mới phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung; thu gom được 90% chất thải rắn sinh hoạt, 90% chất thải rắn công nghiệp, 70% chất thải nguy hại và 100% chất thải bệnh viện…

Nếu đạt được mục tiêu nêu trên, tình hình ô nhiễm LVHTSĐN sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, liệu có đạt được các mục tiêu nêu trên hay không? Câu trả lời không thấy toát lên ở hội nghị! Sau phần “nhắc lại” tình hình ô nhiễm, các đại biểu tập trung bàn về cơ chế phối hợp và một số giải pháp chống ô nhiễm ở lưu vực sông này.

Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ TN-MT Nguyễn Công Thành, Chính phủ cần thành lập ngay Ủy ban bảo vệ môi trường LVHTSĐN, gồm các thành viên là lãnh đạo UBND 12 tỉnh thành trong lưu vực và các bộ ngành liên quan. Bộ TN-MT đang xây dựng dự thảo quyết định thành lập và dự thảo quy chế tổ chức và hoạt động Văn phòng ủy ban.

Đại diện UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Trưởng phòng Hành chính, ông Huỳnh Đức Dũng cho rằng: Nếu Văn phòng ủy ban chỉ có nhiệm vụ thu thập thông tin, xem xét báo cáo (theo dự thảo) mà không đưa ra các hoạt động cụ thể thì văn bản giấy tờ cứ là văn bản giấy tờ, nước thải cứ thải, doanh nghiệp cứ thu lợi trong khi tình hình ô nhiễm vẫn tiếp diễn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thị Kim Vân cũng thừa nhận, năm 2010 không còn xa, trong khi các chương trình hoạt động hiện vẫn còn nặng về nghiên cứu, khảo sát, kiểm tra…, e rằng tình hình sẽ khó mà cải thiện. “Muốn thực hiện hiệu quả, quan trọng vẫn là cơ chế, nguồn vốn và tìm ra giải pháp cụ thể cho từng vấn đề.

Cụ thể như muốn sông Thị Vải “sống” lại, cần phải đào các kênh nhỏ, khơi nguồn nước từ sông Đồng Mô (thuộc sông Đồng Nai) về đồng thời áp dụng các biện pháp ngăn chặn, “rửa súc”… Nguồn nước hiện đã ô nhiễm, nếu chúng ta cứ chăm chú vào mục tiêu bảo vệ lâu dài mà không khắc phục các tồn tại lịch sử để lại, thì khó mà thành công” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Ao Văn Thịnh cho ý kiến.

Điều gây ngạc nhiên cho nhiều đại biểu tham dự là việc đề án được triển khai như thế nào, nhanh hay chậm một phần rất lớn phụ thuộc vào hai bộ: Tài chính và KH-ĐT, nhưng trong hội nghị triển khai lần này, đại diện các địa phương đã không được nghe ý kiến của họ. Với các đề án xây dựng nhằm bảo vệ môi trường LVHTSĐN mà chậm được phê duyệt, cấp vốn thì e rằng mục tiêu cải thiện tình hình đến năm 2010 đã đề trong quyết định của Chính phủ còn phải… chờ (?!).

Hội nghị đã kết thúc với những bàn luận như vậy trong khi trên thực tế, lưu vực sông Đồng Nai đang ngày một ô nhiễm trầm trọng.

Đặc điểm lưu vực hệ thống sông Đồng Nai - Sài Gòn
– Diện tích tự nhiên của lưu vực: 37.400 km².
– Tổng lượng nước hàng năm: khoảng 36,6 tỷ m³.
– Các sông chính trong lưu vực: Đồng Nai, Sài Gòn, Vàm Cỏ, Thị Vải và sông Bé.
– 12 tỉnh thành có liên quan: Đắc Nông, Đắc Lắc, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tây Ninh, TPHCM.

NGỌC LỮ


Sẽ có quy chế buộc các tỉnh thành tham gia bảo vệ lưu vực sông Đồng Nai

Tài liệu phục vụ hội nghị “cũ mèm”. Gần 10 năm kể từ khi các nhà khoa học gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng lưu vực sông Đồng Nai đã bị ô nhiễm và trên thực tế, sông Thị Vải đã chết, sông Sài Gòn bệnh nặng… nhưng tại hội nghị này, các bên liên quan vẫn đang còn bàn đến… cơ chế phối hợp! Bên lề hội nghị, chúng tôi đã trao đổi với Thứ trưởng Thường trực Bộ TN-MT Nguyễn Công Thành.
* PV: Tại sao Bộ TN-MT lại lấy những số liệu cũ để đưa ra thảo luận trong hội nghị này?

* Ông NGUYỄN CÔNG THÀNH: Việc đánh giá tổng thể chất lượng nước sông Đồng Nai phải dựa trên kết quả quan trắc, phân tích tại nhiều điểm khác nhau của lưu vực nên không thể thực hiện 1 năm 1 lần được mà phải 3 năm thực hiện 1 lần. Còn trong hội thảo này thì lấy số liệu cũ để đảm bảo thôi. Nhưng trong năm 2008, số liệu báo cáo mới sẽ được cập nhật.

* Việc giải quyết ô nhiễm môi trường là vấn đề dài hơi. Mô hình lãnh đạo các tỉnh luân phiên làm Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai liệu có đáp ứng yêu cầu giải quyết ô nhiễm môi trường sông Đồng Nai không, thưa ông?

* Quan điểm của chúng tôi, việc giải quyết ô nhiễm là nhằm bảo vệ môi trường cho từng địa phương, do vậy, các địa phương đều phải có trách nhiệm. Trách nhiệm đó không thể chia sẻ cho ai khác mà chính các địa phương phải làm. Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai sẽ còn có các bộ phận chuyên môn phụ trách những bộ phận chuyên môn để đảm bảo tính liên tục của công việc.

Hơn nữa, mỗi địa phương khi giữ vai trò chủ tịch sẽ cụ thể hóa đặc điểm của địa phương mình trong tổng thể để thực hiện công việc.

* Nhưng có ý kiến cho rằng hiện các tỉnh thành ở thượng lưu chưa quan tâm lắm đến vấn đề bảo vệ môi trường sông Đồng Nai vì chưa bị ô nhiễm nhiều. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

* Chính vì thế mới phải ngồi với nhau để bàn, để thấy rằng tất cả vấn đề đều liên quan đến nhau. Quản lý tài nguyên nước thì phải quản lý theo lưu vực. Đúng là thượng lưu chưa thấy ô nhiễm nhiều nhưng nếu bây giờ không góp sức bảo vệ môi trường thì sau này giải quyết sẽ khó khăn hơn, tốn kém hơn.

* Hiện nay bộ đã có quy chế nào để buộc 12 tỉnh thành phải tham gia thực hiện cải tạo hệ thống sông Đồng Nai?

* Chắc chắn là phải có quy chế để buộc các tỉnh thành tham gia thực hiện cải tạo hệ thống sông Đồng Nai. Tuy nhiên, hiện chưa xác định được rõ vấn đề đó và đang chờ đến khi nào thành lập Ủy ban Bảo vệ sông Đồng Nai thì sẽ bàn đến quy chế phối hợp cụ thể giữa 12 tỉnh, thành.

* Năm 2006, bộ và 12 tỉnh thành cũng đã họp bàn về việc chống ô nhiễm cho lưu vực sông Đồng Nai. Sau cuộc họp ấy, tình hình ô nhiễm của lưu vực có được cải thiện?

* Có một số điểm tiến bộ nhưng cũng có một số vấn đề phát sinh mới. Còn cụ thể của những tiến bộ thì sẽ được đề cập vào một dịp khác. Bây giờ bộ đang tiến hành rà soát lại tất cả và các vấn đề đang được nâng lên tầm cao mới với mối liên kết tổng hợp ở mức độ mới. Tuy nhiên, tôi cho rằng đây là công việc lâu dài, không thể thực hiện một lúc. Nhìn chung so với năm 2006, đến nay tình hình đã có tiến bộ hơn.

ÁI VÂN

Theo: SGGP