 |
Những ruộng sắn trơ trụi như củi ở xã Quốc Khánh. |
Trâu, bò chết hàng loạt, cây cối táp lá, ruộng đồng không thể cấy cày, nương rẫy chưa thể trồng trọt đang là thực tế khiến không ít hộ nông dân ở huyện Tràng Định lâm vào cảnh khó khăn…
Sáng sớm ngày 19-2, từ TP Lạng Sơn, chúng tôi về huyện Tràng Định trong những cơn mưa phùn mù mịt và cái rét cắt da, cắt thịt. Sau 2 tiếng đồng hồ, vượt qua 80 km đường núi, chúng tôi đến thị trấn Thất Khê, trung tâm huyện Tràng Định. Dọc đường, cũng như tại Thất Khê, lượng người ra khỏi nhà rất ít. Trên đường loáng thoáng thấy bóng người, còn trên ruộng và nương rẫy hầu như vắng bóng người. Ai ra đường cũng chằng, buộc áo mưa kín mít.
Thượng tá Hoàng Văn Công, chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Tràng Định lo lắng cho biết: “Thời tiết khắc nghiệt quá, người dân dù đã quen sống với cái rét miền núi nhưng cũng không chống đỡ được đợt rét quá dài này. Ngoài cây cối bị ảnh hưởng, theo thống kê đến nay trên toàn huyện đã bị chết 1.416 con trâu, bò. Chứng kiến trâu bò chết mà xót xa quá!”.
Trước, trong đợt rét, UBND huyện đã phối hợp với các ban ngành trên địa bàn tuyên truyền, hướng dẫn, vận động người dân tiến hành những biện pháp phòng, chống rét. Tuy nhiên do rét đậm, kéo dài, hậu quả xấu vẫn xảy ra.
Để thấy rõ hơn tác hại của đợt rét, chúng tôi tiếp tục đi vào Quốc Khánh, một xã vùng biên nằm trên địa hình núi đá. Chỉ đi hết những khu dân cư của thị trấn Thất Khê chúng tôi đã thấy được những tác hại ghê gớm của đợt rét này. Hai bên đường là những vườn cây táp lá, hoa màu còn ở trên đồng đa phần đều úa vàng. Những vạt sắn rộng không lá bị khô trắng, như những bãi cỏ hoang.
Phó chủ tịch UBND xã Quốc Khánh, Chu Văn Đàm chỉ về những dải đất đã được cuốc cày của xã cho biết: “Lạng Sơn đã là vùng có nhiệt độ thấp, Tràng Định lại là một trong 2 địa bàn bị rét nhất của tỉnh vậy mà Quốc Khánh lại thấp hơn nhiệt độ của trung tâm huyện tới 1-2 độ. Trời quá rét, cây cối khó sống, đất nhiều nơi đã làm xong từ lâu, nhưng không thể trồng trọt được. Một số hộ do tiếc đất, tiếc thời gian đã cố tranh thủ gieo ngô, nhưng đều bị chết hết. Nay do được tuyên truyền và từ thực tế trong xã, người dân đã ngừng các hoạt động trồng mới, chờ thời tiết ấm lên. Chăn nuôi trong xã cũng gặp nhiều khó khăn, giờ các hộ còn trâu, bò chỉ biết tập trung hết sức để chăm sóc, giữ ấm cho chúng”.
Gặp chúng tôi anh Lý Văn Thiện, bản Cốc Phịa, xã Quốc Khánh ngán ngẩm: “Đợt rét khiến người dân khổ quá. Có đất, có lao động, không chịu đất để không, nhà mình đã gieo hơn một túi ngô, nhưng bị chết hết, giờ chẳng dám làm gì nữa. Với những nhà bị chết gia súc còn khổ hơn. Trâu bò không còn, ruộng, nương chưa cấy được, ra ngoài thì rét, cứ phải ngồi nhà chơi rồi ăn dần lượng lương thực tích trữ vốn đã ít ỏi”.
Để cứu trâu, bò các gia đình đã phải tốn rất nhiều vật chất, công sức. Có hộ ăn cơm nhạt, nhưng thậm chí trâu còn được ăn cháo trứng. Những cây gì trong vườn, trên nương, tốt cho gia súc đều được chặt hạ về cho chúng ăn. Dẫu vậy, nhiều nhà cũng không cứu nổi gia súc của mình. Anh Nông Văn Đức, bản Pật, xã Quốc Khánh giải thích: “Trâu, bò chết nhiều cũng còn do tập tục thả rông của người dân địa phương. Các cấp chính quyền đã vận động, hướng dẫn người dân lùa gia súc về chăm sóc trong đợt rét. Nhưng người dân chậm làm theo, đến khi thấy rét quá đậm và kéo dài, đi lùa gia súc về thì nhiều con đã chết, số còn lại sức khỏe yếu, mang về nhà chăm sóc, cũng không vực lại được”.
Tại xã Đại Đồng (được coi là vựa lúa của Tràng Định), rất may cây nông nghiệp không bị thiệt hại nhiều do chưa đến thời vụ gieo trồng. Song với cây ăn quả và những hộ nông dân nuôi thả cá lại bị ảnh hưởng rất lớn.
Chúng tôi có mặt tại nhà ông Khánh, thôn Nà Khuất xã Đại Đồng khi ông vừa tát ao xong. Một ao cá rộng khoảng 300m2 được xây kè cẩn thận để nuôi cá phát triển kinh tế, nhưng thu hoạch được chỉ là một số ít cá con. Ông Khánh buồn kể: “Ao của tôi là một trong những ao tốt trong thôn. Một thời gian dài chăm sóc cẩn thận, nhìn thấy cá lớn, tôi dự định, ra Tết sẽ tiến hành thu hoạch và mong chờ vào kết quả kinh tế cao. Tuy nhiên, đợt rét đã làm thay đổi tất cả. Sau mấy ngày vui Tết tôi giật mình khi thấy những con cá trê, phi nặng 1,5 đến 2kg của tôi chết nổi trên mặt ao. Nhà tôi cho tát ao ngay để vớt vát, nhưng chỉ thu được ít cá con, ăn chẳng được, bán không ai mua, đành đưa vào vật dụng đựng nước, che chắn lại giữ ấm để chờ hết rét thả xuống nuôi tiếp nhưng xem ra số cá ít ỏi này khó cầm cự qua được đợt rét”.
Theo dự báo, sau đợt rét đậm này, toàn miền Bắc sẽ phải đối mặt với khô hạn nặng. Tại Tràng Định, đây đã là thực tế. Do lượng mưa trong năm ít, các hồ trữ nước trên địa bàn đều trong tình trạng cạn kiệt. Dọc đường từ Thất Khê vào Quốc Khánh chúng tôi cũng được tận mắt thấy những hồ trữ nước gần như trơ đáy. Với lượng nước này, dù có dùng tiết kiệm cũng không thể đáp ứng đủ nhu cầu nước cho nông nghiệp. Không chỉ nước, giống cũng đang là vấn đề đặt ra. Ông Chu Văn Đàm cho biết thêm: “Người dân thường lấy thân sắn, dây khoai lang của vụ trước để trồng cho vụ sau. Song, hiện tại các thân sắn trên địa bàn đã bị chết hết. Khoai lang dù được người dân vùi đất lên chống rét nhưng cũng không sống nổi. Do vậy thời gian tới, người dân không còn giống sắn và khoai để tiếp tục trồng. Trong khi giá cả tăng, phân bón đắt khiến việc phát triển nông nghiệp của người dân sẽ gặp nhiều khó khăn”.
Số lượng gia súc trên địa bàn Tràng Định chết nhiều, nếu muốn phục hồi và phát triển lại đàn gia súc sẽ cần sự hỗ trợ của nhiều cấp, nhiều ngành. Theo báo cáo và đánh giá của UBND huyện, tuy trong số các gia đình có gia súc chết không có hộ nào rơi vào tình trạng nợ đọng ngân hàng do vay mượn để mua con giống. Song con trâu, con bò cũng là toàn bộ tài sản giá trị của nhiều gia đình mà khi mất đi, không còn vốn để gây dựng lại. Những hộ nghèo sẽ nghèo thêm và mất khả năng phục hồi sản xuất.
Tất cả những thực tế trên đang đặt ra những đòi hỏi cho các ngành chức năng và chính quyền địa phương cần sớm có những biện pháp hỗ trợ cụ thể, thiết thực sớm ổn định đời sống người dân, khôi phục lại sản xuất sau rét.
Bài và ảnh: ĐINH XUÂN DŨNG