Biểu tượng cổng "Khuê Văn Các" trên đường Lê Lai. Ảnh: HNM

Vào đúng 24 giờ ngày 13-1-2008, người dân Hà Nội và cả nước sẽ đón nhận một sự kiện quan trọng: Chiếc đồng hồ đếm ngược bắt đầu điểm chuông nhắc nhở các cấp, ngành, tổ chức và người dân nâng cao ý thức, nỗ lực thực hiện trách nhiệm và hoàn thành nhiệm vụ được giao theo đúng kế hoạch đề ra, hướng đến 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Đó chính là ý nghĩa của chương trình “Khoảnh khắc Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội” được UBND thành phố Hà Nội, Ban chỉ đạo 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Sở Văn hóa-Thông tin, Quỹ Văn hóa Hà Nội và Công ty cổ phần Truyền thông Tài chính Dầu khí tổ chức từ nay cho tới tháng 10-2010.

Lễ và hội bên Hồ Gươm

Trong ngày hôm nay, một lễ hội lớn được tổ chức xung quanh Hồ Gươm với các hoạt động văn hóa dân gian phong phú như: Triển lãm không gian chợ xưa, thao tác nghề thủ công mỹ nghệ (trên tuyến phố Lê Thạch); biểu diễn văn nghệ dân gian (ca trù, hát xẩm, hát trống quân, hát văn, hát đối, ngâm thơ cổ...); tái hiện các lễ hội dân gian như lễ hội đền Lý Bát Đế (Bắc Ninh), lễ hội Đức Thánh Trần (Nam Định), lễ hội Lam Sơn (Thanh Hóa); Diễu hành Thể thao-Văn hóa của các thế hệ người dân Hà Nội… Trong khuôn khổ chương trình, một chuỗi các cuộc phát động sẽ diễn ra như: phát động cuộc thi sáng tác mẫu biểu trưng (logo) cho Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội; phát động cuộc thi thiết kế Khu đặt phương tiện lưu giữ vật phẩm “Gửi tới thế hệ mai sau” và Mẫu hình dáng phương tiện lưu giữ; Lễ phát động 1.000 ngày xanh, sạch, đẹp Thủ đô hướng tới 1000 năm Thăng Long - Hà Nội cũng được công bố…

Khu vực chính của ngày lễ sẽ diễn ra từ 22 giờ tới 24 giờ tại Đền Bà Kiệu với Lễ khai trương đồng hồ đếm ngược, được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1. Đây là một chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc với sự tham gia của 500 người đồng diễn võ thuật, 300 người đồng diễn thể dục dưỡng sinh, 500 người đồng diễn thể dục nhịp điệu, 600 học sinh xếp chữ xếp hình, 200 người hát trong dàn ca nhạc hợp xướng, nhiều đoàn nghệ thuật tham gia màn múa hát “Hà Nội nghìn năm văn hiến. Thủ đô Anh hùng”, múa rồng của 14 quận, huyện Hà Nội….

Mang dáng dấp của Khuê Văn Các, đồng hồ điện tử đếm ngược nhập khẩu từ Hàn Quốc, được lắp ghép từ 18 bảng điện tử nhỏ (chiều rộng 1m x chiều cao 2m), mỗi bảng điện tử nhỏ có chức năng hiển thị số khác nhau tạo thành màn hình điện tử lớn (chiều rộng 6m x chiều cao 7m). Người dân Hà Nội sẽ cùng đếm ngược với đồng hồ từng ngày cho đến thời khắc thiêng liêng: Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. NSND Lê Hùng-Tổng đạo diễn của chương trình-cho biết, ban tổ chức đang cố gắng liên hệ để vào thời khắc quan trọng đó, tất cả chuông nhà thờ của Thành phố sẽ cùng đổ theo điệu nhạc “Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội”…

Giục giã lòng người

“Khoảnh khắc Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội” là một trong những sự kiện mở đầu trong chuỗi các hoạt động hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Khởi động cho sự kiện này là việc UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch tổ chức vệ sinh môi trường “Vì Thủ đô xanh - sạch - đẹp”, tuyên truyền vận động trong nhân dân không xả rác ra đường và nơi công cộng từ ngày 12-1-2008. Theo đó, vào 6 giờ 30 phút ngày thứ bảy hằng tuần, tất cả các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị, lực lượng vũ trang của địa phương và Trung ương trên địa bàn Hà Nội, các hộ gia đình tại các phường, thị trấn tổ chức tổng vệ sinh nhà cửa, sân vườn, đường ngõ, công sở và khu vực cư trú. Công việc này cần được duy trì thường xuyên, tạo thành nền nếp nhằm xây dựng nếp sống văn hóa đẹp của người Hà Nội...

Năm 2008, thành phố Hà Nội tập trung hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội bằng việc: bảo tồn, tu bổ tôn tạo và triển khai xây mới một số công trình văn hóa, di tích lịch sử, cách mạng. Trong đó có các công trình tiêu biểu như: Bảo tàng Hà Nội, Thư viện Hà Nội, Công viên tượng đài Hòa Bình, Tượng đài Quảng trường Cách mạng Tháng Tám, Tượng đài Thánh Gióng, Nhà hát Lớn Thăng Long, rạp Đại Nam...

Cùng với việc triển khai các đề án “Nghiên cứu, kiểm kê phân loại di sản văn hóa có trong di tích”, “Kiểm kê, phân loại hệ thống địa điểm, di tích cách mạng kháng chiến trên địa bàn thành phố”, “Bảo tồn tôn tạo, xây dựng mới và phát huy tác dụng các di sản văn hóa của Thủ đô”, Sở Văn hóa-Thông tin Hà Nội tiếp tục hoàn thiện hồ sơ khảo sát 150 di tích trên địa bàn quận Hoàng Mai và các huyện Sóc Sơn, Thanh Trì. Đồng thời phối hợp với các quận, huyện lập hồ sơ đề nghị xếp hạng cho gần 90 di tích, hồ sơ khoa học 14 di tích đã xếp hạng trong những năm 1962-1986; khảo sát lập hồ sơ 18 điểm di tích Cách mạng kháng chiến và tổ chức gắn biển tại các địa điểm Nhà máy Xe lửa Gia Lâm (quận Long Biên), Bia căm thù Yên Ninh (quận Ba Đình); Trận chiến đấu làng Cam và làng Giao Tất (huyện Gia Lâm).

Thủ đô hôm nay không chỉ bó hẹp ở 36 phố phường với bốn quận nội thành, mà đã mở rộng ra thành chín quận nội thành. Các cửa ngõ vào Thủ đô đã mọc lên nhiều khu đô thị mới như: Linh Đàm, Định Công, Trung Hòa - Nhân Chính, Trung Yên, Nam Thăng Long, Mỹ Đình, Mễ Trì, Việt Hưng... Song song với phát triển đô thị mới, hệ thống giao thông cũng được quan tâm đầu tư. Cầu Thanh Trì dài nhất Đông Dương, bắc qua sông Hồng, được đưa vào sử dụng từ ngày 3-2-2007, góp phần làm giảm ùn tắc giao thông cho cửa ngõ phía nam Hà Nội. Cầu Vĩnh Tuy là cây cầu do TP Hà Nội sử dụng nguồn vốn phát hành trái phiếu xây dựng Thủ đô để xây dựng, đang bước vào giai đoạn cuối để kịp khánh thành vào ngày 30-4-2008. Dự án cầu Nhật Tân cũng đang được phê duyệt, phấn đấu cuối năm 2008 sẽ khởi công, góp thêm phần giảm sức ép giao thông lên trung tâm Thủ đô mở rộng thoáng thành phố sang phía bắc sông Hồng. Những công trình giao thông trong tuyến đường vành đai I, II, III, các tuyến đường cao tốc nối Thủ đô Hà Nội với Hải Phòng, Tây Bắc, với phía Nam cũng được khẩn trương hoàn thành. Hàng loạt khu công nghiệp, các công trình y tế, thể thao, giáo dục sẽ làm đẹp và thay đổi chất lượng sống của thành phố.

NĂM 2010: HÀ NỘI PHẤN ĐẤU GDP BÌNH QUÂN 2.500 USD/NGƯỜI. Hà Nội đề ra chỉ tiêu: Tốc độ tăng GDP bình quân hàng năm giai đoạn 2006-2010 đạt 11-12% và phấn đấu tăng trưởng hơn 12%. GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt khoảng 2.500 USD. Đến năm 2010, dịch vụ chiếm khoảng 57,3-57,5% GDP, công nghiệp và xây dựng 41,2-41,4%, nông nghiệp 1,1-1,3%... Năm 2010, dân số Hà Nội khoảng 3,6-3,7 triệu người. Tỷ lệ thất nghiệp đô thị dưới 5,5%; giải quyết việc làm mới bình quân hàng năm cho 85.000-90.000 người. Nhà ở đô thị bình quân đầu người 9-10m2. Cấp nước sạch đô thị/người/ngày/đêm đạt 140-160 lít, 100% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch...

1.000 ngày đến Đại lễ, mệnh lệnh tăng tốc đang giục giã người Hà Nội cùng nhân dân cả nước dốc lòng dốc sức vì Hà Nội-Thủ đô của hào khí lịch sử, của khát vọng và tầm vóc thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

VƯƠNG HÀ