 |
Chinh phục núi cao (ảnh Tuổi trẻ) |
Ngày 6-4, bốn chàng trai gồm Phan Thanh Nhiên, Lê Bá Công, Bùi Văn Ngợi và Nguyễn Mậu Linh sẽ lên đường đến Nepal để chinh phục đỉnh Everest. Họ là những người Việt Nam đầu tiên sẽ chinh phục nóc nhà thế giới cao 8.850m này.
Để hiểu rõ hơn quá trình chuẩn bị cũng như những suy nghĩ, cảm xúc của 4 chàng trai Việt Nam sắpbước vào hành trình rất gian khổ và khắc nghiệt này, Báo Thanh Niên đã tổ chức buổi giao lưu trực tuyến vào lúc 14h ngày 03-04-2008 để bạn đọc cùng chia sẻ với đoàn leo núi.
Rất nhiều câu hỏi, các lời chúc sức khỏe và động viên đã được gửi đến cho bốnchàng trai trong buổi giao lưu. Thoải mái, tự tin và quyết tâm là những gì mà các thành viên đoàn leo núi thể hiện với bạn đọc.
Báo Quân đội Nhân dân Điện tử xin trích đăng một số nội dung chính trong cuộc giao lưu đặc biệt này.
Nội dung giao lưu:
* Các bạn có thể chia sẻ một vài khó khăn nhất định khi quyết định chinh phục ngọn núi này?
- Phan Thanh Nhiên: Thứ nhất là về vấn đề độ cao. Ở độ cao từ 7.000m trở lên sẽ không đủ oxy, không khí loãng, do đó nhóm phải sử dụng đến bình oxy. Tuy nhiên, mỗi bình oxy đều có một khoảng thời gian sử dụng nhất định. Do đó, nếu sử dụng không đúng cách hoặc có trục trặc xảy ra có thể nguy hiểm đến tính mạng. Thứ hai, do phải đi với thời gian rất dài trên băng tuyết bằng những dụng cụ chuyên dụng nên sức khỏe có thể giảm sút. Thứ ba, do lượng thức ăn hạn chế vì khi lên núi chỉ được mang một lượng thức ăn nhất định và đôi khi phải sử dụng thức ăn của người bản địa nên không hợp khẩu vị. Ngoài ra, nước uống nếu không bảo quản tốt sẽ dễ bị đóng băng do nhiệt độ quá thấp. Thứ tư, do tác động của độ cao, cơ thể sẽ dễ mệt mỏi, khó ngủ. Thứ năm, nhóm luôn phải sẵn sàng đương đầu với những rủi ro về thời tiết như bão tuyết, lở tuyết...
* Hiện nay tâm lý lớn nhất mà các bạn cần phải vượt qua là gì? Nếu có thì hướng giải quyết ra sao?
- Bùi Văn Ngợi: Hiện nay, tâm lý của chúng tôi rất thoải mái bởi vì chúng tôi đã chuẩn bị tốt nhất cho chặng đường này và đang chờ đón sự thử thách để vượt qua đỉnh núi Everest cao nhất thế giới.
*Khi lên đến đỉnh Everest, các bạn sẽ làm gì để đánh dấu sự kiện trọng đại này?
- Bùi Văn Ngợi: Khi lên đến đỉnh Everest, chúng tôi sẽ cắm cờ tổ quốc, hát quốc ca và hô vang khẩu hiệu "Tinh thần Việt Nam hòa cùng thế giới" vì mục đích của chúng tôi là chứng minh cho thế giới biết được rằng người Việt Nam tuy nhỏ bé nhưng ý chí, nghị lực... không hề "nhỏ bé".
 |
4 chàng trai Việt Nam sẽ chinh phục đỉnh Everest (ảnh Thanh niên) |
* Theo như giới thiệu của chương trình thì lần này ngoài 4 vận động viên chuyên nghiệp, chương trình còn có những nhà quay phim, biên tập viên... vậy những người này họ sẽ chinh phục bằng cách nào?
- Nguyễn Kim Chi - BTC chương trình truyền hình thực tế Chinh phục đỉnh Everest: Trong chương trình “Chinh phục đỉnh Everest”, chỉ có 4 nhà leo núi tiêu biểu nhất mới đi tiếp chặng cuối là leo lên đỉnh Everest. Đội hỗ trợ trong đoàn rất đông, nhưng những người này không leo lên đỉnh Everest, họ chỉ dừng lại và tác nghiệp ở trạm căn cứ. Đoàn hỗ trợ sẽ dừng lại ở các trạm trên cao để đảm bảo an toàn (vì không phải ai cũng có thể leo đến độ cao trên 6.000m được). Việc ghi lại các hình ảnh của đoàn leo núi sẽ có các trang thiết bị chuyên dụng. Việc hỗ trợ cho các nhà leo núi ở các trạm trên cao sẽ do lực lượng hỗ trợ người Sherpa đảm trách.
* Có ý kiến cho rằng, nếu thành công trong lần này thì các bạn là người hùng. Còn ngược lại, đây là điều tệ hại khi bạn bè quốc tế nghĩ về thế hệ trẻ của Việt Nam? Các bạn nghĩ gì về điều này?
- Lê Bá Công: Trước chặng đường chinh phục này, chúng tôi hoàn toàn tự tin. Trong suy nghĩ của mình, chúng tôi coi chinh phục Everest là một thử thách hơn là một sự thách đố.
Những lời chúc tốt đẹp cho 4 chàng trai
* Chúc các anh là những người Việt Nam đầu tiên đặt chân lên nóc nhà thế giới nhé! (hoanchau)
* Tôi rất tự hào về các bạn với tư cách là những người thanh niên Việt Nam.Chúc các bạn thành công trong lần chinh phục nóc nhà thế giới sắp tới. (Lê Xuân Hòa)
* Chỉ biết nói một câu rằng: Tôi rất khâm phục và yêu quí các bạn. Hãy cố gắng lên, hàng triệu con người VN luôn bên cạnh các bạn. Chỉ còn ít ngày nữa các bạn sẽ bước vào chặng đường cuối đầy khó khăn và nguy hiểm. Chúc các bạn tới đích vinh quang. (Vĩnh Anh)
* Tôi luôn theo dõi chương trình Chinh phục Everest do HTV7 phát, và rất hãnh diện vì các anh. Chúc các anh có 1 chuyến chinh phục thành công. (meocon@traodoihanghoa.com).
* Hãy cố lên 4 chàng trai Việt Nam! Vì đất nước Việt Nam.Hãy chinh phục đỉnh Everest, chinh phục nóc nhà thế giới. (Võ Chu Toàn) |
* Hiện nay trên thế giới đã có rất nhiều người chinh phục đỉnh núi này. Vậy các bạn có dự định sẽ lập nên kỳ tích cho Việt Nam về leo nhanh nhất không?
- Nguyễn Mậu Linh: Mục đích của chúng tôi trong chuyến đi lần này là trở thành những người Việt Nam đầu tiên đặt chân lên “nóc nhà thế giới”. Chúng tôi chỉ muốn mang thông điệp đến những người bạn nước ngoài là Việt Nam luôn sẵn sàng hòa cùng thế giới. Đối với chúng tôi, ngọn núi này là một thử thách thật sự do người Việt Nam chưa bao giờ chinh phục những đỉnh núi tuyết với độ cao trên 8.000m trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Do đó chúng tôi chỉ mong muốn chuyến đi thành công tốt đẹp chứ không đặt mục tiêu lập nên kỳ tích nào.
* Có đơn vị nào hứa sẽ thưởng cho các bạn khi chinh phục đỉnh Everest thành công hay không? Nếu có thì bao nhiêu?
- Lê Bá Công: Hiện tại thì chưa có đơn vị nào hứa thưởng nhưng sau chặng Island Peak, BTC và nhà tài trợ đã có thưởng "nóng" cho đội.
* Đến thời điểm này thì sức khỏe của các bạn như thế nào? Có cần phải trang bị thêm những vật dụng gì không? (có thể là những vật dụng hiện đại trên thế giới, mà mình chưa có).
- Nguyễn Mậu Linh: Hiện sức khỏe của cả 4 thành viên đều tốt. Chúng tôi đã chuẩn bị các trang thiết bị tốt nhất của những hãng nổi tiếng trên thế giới: từ đôi tất cho đến những bộ quần áo chuyên dụng để đi tuyết.
* Trong quá trình tập luyện thì các bạn có được sự hướng dẫn của các chuyên gia nước ngoài không? Theo bạn thì các bạn trẻ nước ngoài hơn chúng ta về mặt gì (sức khỏe, độ dẻo, thể trạng, sức bền...)?
- Nguyễn Mậu Linh: Chúng tôi đã được sự hướng dẫn của rất nhiều chuyên gia nước ngoài, từ thể lực, kỹ thuật, dinh dưỡng… Chúng tôi đều tiếp thu tốt những bài học mà các chuyên gia đưa ra. Theo nhận định của các chuyên gia, nói về sức khỏe, độ dẻo dai, sức bền… thì người Việt Nam không thua kém gì các bạn trẻ nước ngoài mặc dù tầm vóc hơi nhỏ bé.
* Theo như tôi theo dõi qua đoạn video clip thì, khi càng lêncao càng lạnh vànước uống sẽ đóng băng. Vậy lần này các bạn sẽ giải quyết như thế nào? Thức ăn là gì?
- Phan Thanh Nhiên: Chúng tôi có mang theo những bình đựng nước chuyên dụng có thể giữ ấm tốt trong điều kiện nhiệt độ thấp. Trong chuyến đi trước do chỉ là tập luyện, dụng cụ mang theo chưa đầy đủ chúng tôi đã gặp trường hợp nước bị đóng băng. Chúng tôi đã giải quyết bằng cách đút khối nước bị đóng băng vào túi áo và dùng nhiệt độ của cơ thể để làm tan nước ra. Tất nhiên lượng nước tan ra là rất ít nhưng cũng đủ để sử dụng. Trải qua những kinh nghiệm đó, chúng tôi sẽ không để trường hợp tương tự xảy ra trong chuyến đi này. Thức ăn chúng tôi sử dụng chia làm hai loại. Một loại sử dụng ở độ cao thấp do chúng tôi mang theo từ Việt Nam. Khi gần lên đỉnh chúng tôi buộc phải sử dụng đồ khô như bánh mì, trứng luộc, schocolate (chủ yếu)…
* Chào các bạn Ngợi, Nhiên, Công và Linh, chúc mừng các bạn đã chinh phục thành công đỉnh núi tuyết Island Peak. Tôi có 1 câu hỏi như thế này: Khi chinh phục đỉnh núi đa dạng về địa hình, các bạn cần phải dùng dây leo và các dung cụ chuyên dụng, thế nhưng để cột dây vào 1 điểm cố định trên đỉnh thì các bạn phải làm thế nào? Vì làm sao có ai đó leo lên trước để cột dây leo cho các bạn như lúc tập tại Việt Nam?
- Nguyễn Mậu Linh: Khi leo đỉnh Island Peak chúng tôi đã phải dùng đến dụng cụ chuyên dụng như giầy leo núi, dây leo. Địa hình ở đây rất phức tạp, phía dưới là núi đá còn ở trên là băng tuyết cho nên chúng tôi phải thay đổi dụng cụ phù hợp với địa hình từng đoạn. Khoảng 500m cuối cùng chúng tôi mới phải dùng dây leo và các dụng cụ leo núi chuyên dụng. Những đoạn dây được kiểm tra kỹ lưỡng do những người dẫn đường bản địa cột trước đó. Những đoạn dây cố định chỉ được đóng vào băng sâu khoảng 10cm nhưng rất chắc chắn vì băng ở đây là băng vĩnh cửu. Cả 4 người cùng đu một lúc cũng không hề gì.
* Nếu thất bại trong cuộc chinh phục này, các bạn có ý định thực hiện lại vào một lần khác không?
- Phan Thanh Nhiên: Cho dù thất bại hay thành công nếu có điều kiện chúng tôi vẫn muốn chinh phục đỉnh Everest nhiều lần nữa. Có lẽ hình ảnh ngọn núi đã in sâu vào trái tim chúng tôi.
* Các bạn là những người đầu tiên của Việt Nam chinh phục "nóc nhà thế giới". Theo bạn đó là điều may mắn hay lại là một áp lực rất lớn cho chuyến chinh phục này?
- Phan Thanh Nhiên: Chúng tôi rất vinh dự khi may mắn là 4 thành viên đại diện Việt Nam đem lá cờ Tổ quốc lên đỉnh núi cao nhất thế giới. Nhưng điều này không phải là áp lực đối với chúng tôi. Chúng tôi luôn cố gắng hết sức mình để hoàn thành mục tiêu này.
* Chào các chàng trai dũng cảm. Các cháu sắp lên đường bắt đầu một cuộc hành trình đầy gian khổ nhưng cũng rất vinh quang khi cắm lá cờ Tổ quốc lên đỉnh núi cao nhất thế giới - Everest. Chuyến đi sẽ rất khó khăn và nguy hiểm, đòi hỏi người thực hiện ngoài sự chuẩn bị tốt về thể lực phải có ý chí và quyết tâm cao. Các cháu đã đọc gì về Edmun Hillary, người đầu tiên đặt chân lên đỉnh núi này vào năm 1953 chưa? Và cả những câu chuyện cảm động về đại úy James Cook và các thành viên trong đoàn thám hiểm Anh khi họ thực hiện chuyến đi đầu tiên đến mũi Nam Cực vào năm 1773 chưa?
- Bùi Thanh Nhiên: Cám ơn bác về những động viên và gợi ý tốt đẹp. Chúng cháu đã tham khảo rất nhiều tài liệu phim, hình ảnh, sách báo và qua các kinh nghiệm từ các đoàn đi trước. Chúng cháu luôn xem Edmun Hillary như một tấm gương để cố gắng noi theo.
* Sau khi chinh phục thành công, các bạn có dự định gì cho tương lai (mở lớp huấn luyện, tập huấn cho các bạn trẻ...)?
- Nguyễn Mậu Linh: Trước mắt chúng tôi chỉ nghĩ đến việc chinh phục đỉnh Everest huyền thoại thành công, còn những dự định sau đó có lẽ chờ đến khi trở về chúng tôi mới có thể bật mí cho các bạn.
Chúc các bạn thành công!
Tổng hợp từ báo Thanh Niên
Nguyễn Mậu Linh: 31 tuổi. Hà Nội, võ sĩ quyền anh.
Lê Bá Công: 30 tuổi. Nha Trang, từng là cầu thủ bóng đá.
Bùi Văn Ngợi: 25 tuổi. Gia Lai, sinh viên năm 4 khoa điền kinh Trường đại học Thể dục thể thao 2.
Phan Thanh Nhiên: 23 tuổi, Vũng Tàu, sinh viên năm 3 khoa thể dục dụng cụ Trường đại học Thể dục thể thao 2.
Đỉnh Everest (hay còn gọi là đỉnh Chomolungma) cao 8.850m thuộc dãy Himalaya được xem là đỉnh núi cao nhất thế giới. Đường lên đỉnh nằm giữa biên giới Nepal và Tây Tạng (Trung Quốc). Từ năm 1921, đã có đoàn thám hiểm người Anh muốn chinh phục ngọn núi này nhưng không thành công.
11g30 sáng 29-5-1953, Edmund Hillary (người New Zealand) và Tenzing Norgay (người Sherpa) đã ghi tên mình vào lịch sử khi chinh phục thành công đỉnh núi huyền thoại Everest.
Đến nay có hơn 2.249 nhà leo núi từ hơn 20 quốc gia ghi tên mình vào danh sách những người chiến thắng được ngọn núi huyền thoại này.
Năm 1975, Junko Tabei (người Nhật Bản) trở thành người phụ nữ đầu tiên trên thế giới chinh phục thành công Everest.
Năm 2001, Erik Weihenmayer (người Mỹ) trở thành người mù đầu tiên lên đỉnh.
Ở Đông Nam Á, các quốc gia Thái Lan, Indonesia đã chi hàng triệu đôla để đầu tư nhưng cuộc chinh phục của họ không thành công. Chỉ riêng Philippines đã chinh phục thành công vào 17-5-2007. Ba vận động viên đều là nữ gồm Noelle Wenceslao, Karina Dayondon và Janet Belarmino. (Đặc biệt là Belarmino, cô đã sinh con đầu lòng trước ngày chinh phục... năm tháng).
(Theo báo Tuổi trẻ) |