 |
Thị trường bất động sản tại Thành phố Hồ Chí Minh phát triển mạnh. Ảnh: VNN |
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng, giá nhà đất hiện đã giảm 15%-20%, số lượng rao bán tăng nhưng số lượng giao dịch thực tế không đáng kể. Nguyên nhân là do các chính sách kiểm soát chặt chẽ việc cho vay đầu tư, kinh doanh bất động sản đã khiến thị trường nhà đất tại các thành phố lớn chững lại.
Giá nhà giảm 20%
Bộ Xây dựng nhận định hiện tượng quá nóng của thị trường bất động sản tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và các vùng lân cận của 2 thành phố trên đã “chững lại đột ngột” sau khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát bằng các giải pháp rút bớt tiền trong lưu thông, kiểm soát chặt chẽ việc cho vay đầu tư, kinh doanh bất động sản, tăng lãi suất cho vay lên 14%-16%/năm và chủ trương thực hiện điều chỉnh một số sắc thuế liên quan đến bất động sản để hạn chế đầu cơ. Khảo sát thị trường ở thời điểm hiện tại cho biết, giá nhà đất hiện đã giảm 15% - 20%, số lượng rao bán tăng nhưng số lượng giao dịch thực tế không đáng kể, thị trường có dấu hiệu chững lại.
Thị trường bất động sản tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và một số tỉnh lân cận có những biến động phức tạp từ cuối năm 2007, đầu năm 2008 cùng với việc một số chủng loại hàng hóa, tăng đột biến. Nguyên nhân phần lớn là do đầu cơ mua đi bán lại hoặc tích trữ tài sản. Mặt khác, thuế trong sử dụng nhà đất quá thấp, không khuyến khích sử dụng có hiệu quả đất đai và không hạn chế được đầu cơ nhà đất. Bên cạnh đó, nguyên nhân lâu dài cơ bản vẫn là nhu cầu tăng nhanh trong khi cung không đáp ứng kịp trên thị trường.
Giá văn phòng cho thuê ở nước ta đứng ở vị trí thứ 17, giá căn hộ đứng ở vị trí thứ 30 trên thế giới. Mức giá trên chưa phải là cao so với thị trường thế giới, nhưng so với thu nhập của người dân và mức độ phát triển của nền kinh tế là không phù hợp.
Kiểm soát dự án để bình ổn thị trường
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà (Bộ Xây dựng), cho biết, giá đầu vào trong đầu tư xây dựng tăng cao cũng là nguyên nhân làm tăng giá bất động sản. Trong khi, các địa phương chưa có bộ máy chuyên trách để quản lý và điều hành thị trường, chưa có chiến lược phát triển thị trường bất động sản nên khi có biến động đã lúng túng trong xử lý. Bên cạnh đó, quỹ nhà ở cho thuê, cho thuê mua có giá cả phù hợp với thu nhập của đại đa số nhân dân để điều tiết thị trường, lại chưa có. Vì vậy, việc cấp bách là cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, các cơ chế chính sách quản lý bảo đảm đồng bộ, thống nhất. Quan trọng hơn, phải tăng cung hàng hóa bất động sản nhất là nhà ở, văn phòng và nhà xưởng để chủ động bình ổn thị trường theo quy luật cung cầu...
Để bình ổn thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng đã yêu cầu các đơn vị, địa phương rà soát, lập danh mục các dự án đầu tư bất động sản, nhất là các dự án phát triển nhà ở, văn phòng cho thuê, khu đô thị mới, khu công nghiệp... từ đó hạn chế những dự án không hiệu quả, dành ưu tiên giải quyết thủ tục, cung cấp tín dụng cho các dự án phục vụ nhu cầu thiết yếu cho dân sinh và phát triển kinh tế. Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác quy hoạch xây dựng phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội và công khai quy hoạch, dự án kêu gọi đầu tư tạo môi trường bình đẳng, cạnh tranh, minh bạch.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, tuy có những biến động và ảnh hưởng do chính sách kiềm chế lạm phát song thị trường bất động sản Việt Nam vẫn được đánh giá là tiềm năng và có nhiều cơ hội phát triển trong thời gian tới.
Theo HNM