Hôm qua, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XI ra Thông cáo số 12, nêu rõ: Ngày 1-11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu. Quốc hội đã nghe các báo cáo của Toà án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và Thanh tra Chính phủ về tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Tiếp đó, các đại biểu tiến hành thảo luận.

Đạt được kết quả bước đầu song còn nhiều bức xúc

Các báo cáo của ngành Toà án, Viện Kiểm sát và của Chính phủ về tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, cho thấy với sự cố gắng chung, chúng ta đã đạt được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận. Song tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn diễn biến phức tạp, số lượng đơn, thư không giảm; số vụ việc khiếu kiện đông người có chiều hướng gia tăng. Phần lớn đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân có liên quan đến các vấn đề đất đai như đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư… Trong khi đó, việc giải quyết của các cơ quan chức năng còn chưa triệt để, thiếu khách quan và có biểu hiện đùn đẩy trách nhiệm từ cơ quan này sang cơ quan khác. Việc xử lý một số trường hợp chưa nghiêm, một số vụ khác xét xử chưa công bằng... Nhiều vụ mặc dù đã có phán quyết cuối cùng của cơ quan chức năng nhưng người dân vẫn tiếp tục khiếu kiện vượt cấp…

Để nhanh chóng khắc phục tình trạng đó, các cấp, ngành hữu quan cần có nhiều biện pháp nhằm giải quyết dứt điểm các đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân, nhất là đối với các vụ khiếu kiện đông người. Đồng thời kiên quyết xử lý các trường hợp lợi dụng việc khiếu nại để kích động khiếu kiện, gây rối trật tự công cộng. Thực hiện tốt hơn công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; phải chủ động, sâu sát, lắng nghe ý kiến và đối thoại với người dân, giải quyết có lý có tình và đúng pháp luật các vụ việc, không để xảy ra khiếu kiện đông người. Các cấp, các ngành, các địa phương triển khai thực hiện đồng bộ Nghị quyết của Đảng, các luật và Nghị quyết của Chính phủ về giải quyết khiếu nại, tố cáo một cách thật sự thiết thực, hiệu quả. Tập trung chỉ đạo việc rà soát để bổ sung, điều chỉnh các văn bản pháp quy có liên quan và thực hiện công khai, minh bạch trong quản lý sử dụng đất đai, tài sản công, chi tiêu ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản... Triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm toán có trọng tâm, trọng điểm đối với các lĩnh vực nêu trên; làm rõ chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan thanh tra; nâng cao hiệu quả và chủ động ngăn ngừa tiêu cực, nhũng nhiễu trong thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

Cải cách hành chính ở từng cơ quan, địa phương, đơn vị phải gắn với thực hành Luật Khiếu nại, tố cáo. Công khai các quy định về thủ tục hành chính và các thông tin cần thiết khác tại tất cả các địa điểm tiếp dân, nhận hồ sơ, nơi làm việc trực tiếp với người dân và doanh nghiệp để mọi người biết, thực hiện và giám sát.

Tăng cường thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân; đề cao vai trò và trách nhiệm của các cơ quan báo chí trong việc phát hiện và phê phán các hành vi vi phạm pháp luật khiếu nại, tố cáo; không thổi phồng và đưa những thông tin không đúng sự thật. Mọi cố gắng là nhằm giải quyết khiếu nại, tố cáo kịp thời, đúng pháp luật để an dân, ổn định xã hội.

Cần đổi mới cơ chế giải quyết khiếu nại, tố cáo
Đại biểu Nguyễn Thị Vân Lan (Đà Nẵng) phát biểu ý kiến.

Đại biểu Nguyễn Thị Vân Lan (Đà Nẵng) bày tỏ sự lo ngại về tình hình khiếu nại, tố cáo thời gian vừa qua; số vụ tăng cao và tính chất ngày càng phức tạp. Nếu không giải quyết đúng mức, tình hình này sẽ là yếu tố gây mất ổn định xã hội. Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, cần đánh giá những nguyên nhân chủ quan từ cơ chế, bộ máy giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trong thời gian tới, cần tiến hành thống kê đầy đủ số lượng đơn thư khiếu nại gửi lên cơ quan trung ương để tập hợp về một đầu mối, phân loại, giải quyết dứt điểm. Bên cạnh đó, đại biểu Quốc hội cần tập trung giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân ở các địa phương; đặc biệt là các đơn thư tồn đọng kéo dài.

Đại biểu Dương Thu Hương (Hà Nam) đặt câu hỏi: Tại sao phần lớn các vụ khiếu nại tố cáo xảy ra trên phạm vi cả nước có tính chất khá phức tạp và thường kéo dài và vượt cấp? Phải chăng do cơ chế giải quyết khiếu nại, tố cáo còn nhiều bất cập? Trong khi đó, tiến hành giải quyết lại không triệt để, còn có tình trạng đùn đẩy, né tránh, vòng vo… Theo đại biểu Nguyễn Thị Hồng Xinh (Bà Rịa- Vũng Tàu), các giải pháp mà chính phủ nêu vẫn còn chung chung, chưa giải quyết được tình trạng vòng vèo mà còn tiếp tục diễn ra việc dưới đẩy lên trên, trên trả xuống dưới. Chính phủ nên đề ra mốc thời gian cụ thể trong việc giải quyết các vụ việc tồn đọng. Những vụ việc mà các cấp có kết luận giải quyết khác nhau cần được tập trung lại và cho tiến hành thanh tra, giải quyết dứt điểm.

Đại biểu Trần Đình Đàn (Hà Tĩnh) nhận xét, Chính phủ ban hành các văn bản pháp luật liên quan đến giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa kịp thời. Hiện vẫn chưa có chế tài xử lý kẻ có hành động xúi giục, kích động nhiều người dân tham gia khiếu kiện. Về vấn đề này, Mặt trận Tổ quốc cần phối hợp cùng với chính quyền để giải quyết và xử lý nghiêm kẻ cầm đầu. Có lẽ cần tách thành hai luật riêng là Luật khiếu nại và giải quyết khiếu nại, Luật tố cáo và giải quyết tố cáo vì tính chất của chúng khác nhau và nhằm tránh sự lợi dụng. Vụ khiếu kiện đông người vượt cấp lên trung ương, trung ương yêu cầu chính quyền địa phương đến đưa dân về là không phù hợp, gây khó khăn cho cấp tỉnh và cũng chưa giải quyết được triệt để. Nên có quy định, đối với những vụ việc này, cấp uỷ địa phương phải nhanh chóng làm rõ nguyên nhân, giải quyết và chịu trách nhiệm trước Trung ương.

Nâng cao hiệu quả, hiệu lực của bộ máy công quyền

Theo đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) thì có nguyên nhân sâu xa là việc thực thi nhiệm vụ chưa tốt, chưa hết trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức. Bên cạnh đó, còn có những cán bộ, công chức đã có tác động tiêu cực trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, gây bất bình trong nhân dân. Đây chính là nguyên nhân gây ra tình trạng khiếu kiện vượt cấp và đông người. Đại biểu Hluộc Ntơr (Đắc Lắc) cho rằng cách giải quyết khiếu nại ở các cấp cơ sở còn quá cứng nhắc. Việc chấp hành các quy định về giải quyết khiếu nại tố cáo chưa nghiêm. Việc tiếp công dân cũng chưa được tổ chức tốt, còn coi nhẹ công tác này. Đồng thời còn xem thường công tác đối thoại trực tiếp với dân.

Đại biểu Điểu Kré (Đắc Nông) nhận xét: Để hạn chế khiếu kiện vượt cấp cần làm tốt việc giải quyết, hoà giải khiếu nại ở cơ sở. Quy định về việc không xem xét, giải quyết những đơn, thư khiếu nại, tố cáo không ký tên xem ra không còn phù hợp với tình hình hiện nay khi Luật Phòng, chống tham nhũng đã có hiệu lực; nó hạn chế việc thực hiện một số nội dung trong luật này. Nên chăng cần nghiên cứu lại quy định này.

Cần sửa đổi, bổ sung kịp thời các chính sách kinh tế-xã hội

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) nêu ý kiến, rằng tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp, kéo dài ở nhiều địa phương mới là phần nổi của tảng băng chìm; cần nghiên cứu nguyên nhân tại sao. 80% khiếu kiện có nội dung về vấn đề ruộng đất, vì vậy nên xem lại toàn bộ các chính sách về đất đai đã hợp lý chưa, như: tiền đền bù giải phóng mặt bằng, các chương trình đào tạo lao động, giải quyết việc làm cho nông dân không còn đất sản xuất… Đại biểu Võ Minh Phương (Lâm Đồng) cũng cho rằng cần có những quy định về việc xác định giá đất đền bù cho hợp lý hơn; rà soát lại chính sách đền bù tái định cư để quy định phù hợp.

Các đại biểu Nguyễn Ngọc Minh (Ninh Thuận) và Lâm Văn Kỷ (Sóc Trăng) cùng ý kiến là trước kia, chính sách hợp tác hoá nông nghiệp ở các tỉnh phía Nam chưa phù hợp, vẫn còn để lại nhiều bức xúc trong dân. Đến khi thay đổi chính sách, thực hiện khoán đất cho dân, chính quyền lại không dựa trên cơ sở nào, tiến hành giao đất cho dân tuỳ tiện và có nhiều tiêu cực, tiếp tục gây bất bình trong dân. Rồi đến khi thu đất làm dự án, chính sách đền bù tái định cư chưa hợp lý và thống nhất… Dó đó, cần rà soát lại toàn bộ việc thực hiện Luật Đất đai, xem xét đã phù hợp với thực tế chưa và cần nhanh chóng điều chỉnh, nhất là những chính sách về đất đai chưa phù hợp vì nó liên quan trực tiếp đến đời sống của dân; nếu chậm trễ, theo thời gian, bất bình càng lan rộng trong dân, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, xã hội. Cần tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát của đại biểu Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương. Đại biểu Đỗ Tiến Dũng (Quảng Ngãi) đề nghị: Thực tế có những vụ việc, người có công với cách mạng gặp khó khăn cần sự trợ giúp đã có đơn thư kiến nghị, nhưng chính quyền cơ sở không thể giải quyết được do chưa có chính sách. Nên quan tâm bổ sung chính sách về vấn đề này trong thời gian tới.

Đại biểu Hoàng Văn Minh (Nghệ An) nhận thấy việc hoạch định chính sách cần được tính toán kỹ. Ví dụ chính sách đền bù giải phóng mặt bằng, mới chỉ quan tâm đến vấn đề đền bù và để lại cho người dân nhiều khó khăn khi cầm tiền trong tay mà không biết làm thế nào để ổn định chỗ ở, làm công việc gì để sinh sống… Việc bố trí tái định cư, hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm… cần được lập thành chương trình cụ thể ngay khi quyết định dự án; không để tình trạng nói suông, nói cho xong việc…

Kết thúc cuộc thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu cho biết, có tất cả 24 ý kiến phát biểu. Đa số ý kiến tán thành với báo cáo của Chính phủ, nhất là những nhóm giải pháp trong thời gian tới. Để hạn chế khiếu nại, tố cáo, một yếu tố quan trọng là cần giải quyết thật tốt, minh bạch, dứt điểm từ địa phương và cơ sở. Nên nghiên cứu lại những quy hoạch, dự án có liên quan đến đất đai; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về khiếu nại, tố cáo; tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân trong công tác này… Tất cả các ý kiến sẽ được tiếp thu để hoàn chỉnh chương trình công tác của ngành trong năm 2007.

VIỆT ÂN và HẠNH NGUYÊN