QĐND Online – Đó là chủ đề Hội thảo do Bộ Y tế phối hợp với Đại sứ quán và Thương vụ Thụy Điển tổ chức chiều 27-5, tại Hà Nội. Tham dự Hội thảo có lãnh đạo Bộ Y tế, Đại sứ quán Thụy Điển tại Hà Nội và các Cục, Vụ thuộc Bộ Y tế cùng đại diện nhiều bệnh viện lớn thuộc Hà Nội và các tỉnh miền Bắc.

Theo PGS, TS Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, những năm qua Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển hệ thống y tế và phần lớn các nhiệm vụ đề ra trong Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc. Tuy nhiên, hệ thống này cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức trên con đường công nghiệp hóa. Sự quá tải tại các bệnh viện ở các thành phố lớn và chất lượng dịch vụ y tế hạn chế ở nông thôn là một trong những khó khăn mà Bộ Y tế đã và đang nỗ lực khắc phục thông qua đề án giảm tải tại các bệnh viện tuyến trung ương. Bên cạnh đó, sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu Việt Nam đã hình thành nhu cầu về dịch vụ y tế chuẩn quốc tế. Thực tế cho thấy, khi mức thu nhập tăng lên, các bệnh tật bị tác động từ lối sống như: Ung thư, tim mạch, tiểu đường... cũng tăng theo. Tất cả những điều này cho thấy hệ thống y tế cần mở rộng và hiện đại hóa nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Tại hội thảo, bà Vivianne Gillman, Tùy viên Thương mại của Đại sứ quán Thụy Điển chia sẻ: “Tôi tin rằng, sự kiện này sẽ giúp củng cố mối quan hệ đối tác giữa hai nước Việt Nam - Thụy Điển và Thụy Điển sẵn sàng chuyển giao các công nghệ tiên tiến nhất trong lĩnh vực y tế nhằm giúp Việt Nam giải quyết các thách thức về chăm sóc sức khỏe trong thời gian tới”.

Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam, bà Camilla Mellander cũng cho biết: “Trong lĩnh vực y tế, Việt Nam – Thụy Điển đã có một lịch sử hợp tác truyền thống và lâu đời. Thụy Điển đã hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng Bệnh viện Nhi Trung ương ở Hà Nội cũng như Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển tại Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Đây là những biểu tượng của tình hữu nghị xuyên thời gian. Nhiều chương trình hợp tác, nghiên cứu đang tiếp tục triển khai, ví dụ như giữa Viện Karolinska, Trường Đại học Uppsala với Bệnh viện Nhi Trung ương. Hiện tại, Việt Nam có kế hoạch phát triển mạnh mẽ ngành y tế công cộng và tư nhân, còn Thụy Điển là một quốc gia đứng đầu trong lĩnh vực thiết bị y tế”.

Quang cảnh hội thảo.

Cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, trong những năm qua, y tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng tự hào. Các chỉ số sức khỏe cơ bản tốt hơn các nước có mức thu nhập tương đương. Việt Nam đạt được những tiến bộ trong thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc trong lĩnh vực y tế. Mặc dù vậy, hệ thống y tế vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, bất cập, đó là cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế, chất lượng khám chữa bệnh tuyến trên còn nặng nề; tuyến y tế cơ sở chưa cao; tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên vẫn còn nhiều; phát triển y tế đòi hỏi đầu tư rất lớn nhưng nguồn ngân sách nhà nước chỉ đáp ứng một phần nhu cầu. Thách thức trong thời gian tới cũng rất lớn như: Nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng cao và đa dạng gắn với kinh tế phát triển; gia tăng các bệnh không lây nhiễm, ung thư, tiểu đường, béo phì, tim mạch, tai nạn thương tích…

“Trong thời gian tới Việt Nam phát triển hệ thống y tế bền vững theo hướng công bằng, hiệu quả, phát triển y tế chuyên sâu bảo đảm cho mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế cơ bản, có chất lượng gần nơi sinh sống đồng thời có thể tiếp cận với các dịch vụ kỹ thuật cao, hiện đại khi có nhu cầu. Ngành y tế hiện đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong đó có việc đầu tư, hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các bệnh viện Trung ương, tuyến huyện, tuyến tỉnh, đẩy mạnh xã hội hóa y tế cơ sở, thực hiện BHYT toàn dân, mở rộng, phát triển dịch vụ kỹ thuật cho tuyến dưới, thực hiện chăm sóc sức khỏe liên tục, toàn diện, phát hiện và quản lý bệnh không lây nhiễm”, PGS, TS Phạm Lê Tuấn nhấn mạnh.

Thông qua hội thảo này sẽ mở ra cơ hội đầu tư, hợp tác giữa các doanh nghiệp, các trường đại học, bệnh viện, các cơ sở y tế của Việt Nam với Thụy Điển.

Tin, ảnh: VƯƠNG THÚY