Cuộc gặp gỡ các hội viên của Hội dệt may thêu đan TP Hồ Chí Minh mới đây trở nên sôi động và và “nóng” hơn bình thường bởi diễn ra trong bối cảnh giá cả nguyên liệu đến hàng tiêu dùng từ đầu năm đến nay tăng vọt, tỷ giá đồng USD lại đi xuống và thậm chí các ngân hàng ngưng mua USD…
Đây là những vấn đề gây tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp dệt may. Theo ông Phạm Xuân Hồng – Phó chủ tịch Hội dệt may thêu đan TP Hồ Chí Minh, Chủ
 |
Ngành dệt may đang phải chịu nhiều tác động. Ảnh: Internet |
tịch hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần may Sài Gòn 3, chưa có năm nào ngành dệt may không gặp phải vấn đề, trở ngại. Tình hình lạm phát, tác động đến nhiều ngành trong đó có ngành dệt may rất lớn. Đồng USD giảm xuống từng ngày. Chưa kể là có USD mà không bán được để trả tiền lương công nhân, nguyên phụ liệu, trả nợ… nên doanh nghiệp hết sức bức xúc.
Theo tính toán, cứ 01 USD hiện nay đã làm cho doanh nghiệp mất khoảng 500 đồng. Cộng thêm giá đầu vào các thứ cộng lại mất thêm 500 đồng. Nếu giữ nguyên tiền lương hiện nay đã lỗ 1.000 đồng /01 USD. Nếu một doanh nghiệp xuất khẩu 10 triệu USD, coi như mất đi 10 tỷ đồng. Nhưng đó là tình hình hiện nay, còn sắp tới thì tình hình sẽ như thế nào nếu không có giải pháp. Nếu xuống với mức lỗ 2.000 đồng/1USD thì doanh nghiệp sẽ không chịu đựng nổi. Vì trước áp lực tăng giá, doanh nghiệp phải tính đến chuyện tăng lương để đảm bảo đời sống cho người lao động. Ông Hồng đưa ra ví dụ, hiện giá nhà trọ tăng, từ 100.000 lên 150.000 đồng/người/tháng và 800 mặt hàng trong siêu thị đã được thông báo sẽ đồng loạt tăng giá. Một tô phở 10.000 đồng tăng lên 15.000 đồng.
Còn ông Phùng Đình Ngọ - Giám đốc Công ty May Bình Hòa lại cho rằng, khá muộn đến hôm nay Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas), Hội dệt may thêu đan TP Hồ Chí Minh (Agtek) mới có hội nghị bàn về vấn đề nóng bỏng này, một ngành nghề mà có ảnh hưởng đến 02 triệu người lao động. Có phải ngành dệt may không được xác định là ngành chiến lược mặc dù kim ngạch xuất khẩu dẫn đầu trong các nhóm hàng xuất khẩu? Dù cho lợi nhuận thu về không cao, nhưng rõ ràng hoạt động của ngành dệt may ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề an sinh xã hội và cũng cần được các cấp điều hành vĩ mô kịp thời tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn trong tình hình thị trường biến động này.
Đa số lãnh đạo các doanh nghiệp đều cho rằng, trước hết các doanh nghiệp hãy tự cứu mình trước. Ông Hàn Phúc Sinh - Giám đốc tư nhân may Maika ví von, hiện nay các doanh nghiệp dệt may như chiếc thuyền mắc cạn. Theo ông có 02 giải pháp: một là bê đồ trên thuyền xuống cho nó nổi lên. Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp cần cô đọng lại. Số lượng lao động ít nhất, hiệu quả cao nhất để tự giữ lấy mình để vượt qua giai đoạn hiện giờ. Hai nữa là có đầu kéo trợ lực để kéo thuyền ra khỏi chỗ mắc cạn nhanh hơn. Lực kéo đó chính là từ phía Chính phủ. Và việc cần làm là cần bảo đảm tỷ giá cho các doanh nghiệp xuất khẩu một cách ổn định.
Bà Nguyễn Thị Phương Quang – Công ty Cổ phần may xuất khẩu Long An tự cho mình là người xung phong vào chỗ “chết”. Vì hiện nay công ty đang triển khai xây dựng nhà máy dở dang (được khởi công từ tháng 10-2007), và theo đó, số công nhân sẽ tăng từ 1.700 lên 2.200 người. Mặc dù tình hình biến động nhưng không thể dừng lại. Khách hàng là khách hàng truyền thống, nếu thu hẹp thì khó đáp ứng yêu cầu khách hàng. Nhưng chúng tôi cũng đã mua 85% vật liệu xây dựng nên chỉ ảnh hưởng 15%. “Chúng tôi xác định, mỗi tháng doanh thu 400.000 USD chúng tôi mất đi khoảng 200 triệu đồng. Tuy nhiên, chúng ta cần bình tĩnh. Những cái bất ngờ không tránh được. Nếu doanh nghiệp vội vàng chuyển qua vay bằng USD thay vì vay bằng đồng Việt Nam vì lãi suất thấp hơn thì nhiều khi bất ngờ trở tay không kịp. Theo những thông tin mới nhất, tình hình tỷ giá USD đang tươi tắn lại, tình hình thị trường chứng khoán của Mỹ cũng đã tăng trở lại…” - bà Quang cho biết.
Còn theo ông Ngô Trung Kiên – Giám đốc công ty Cổ phần May Sài Gòn 2, có thể nói đây là lần đầu tiên thấm đòn của nền kinh tế thị trường, hồi nào tới giờ lúc nào doanh nghiệp cũng có màn chắn của Chính phủ. Trong khi chờ đợi những giải pháp từ phía điều hành vĩ mô, doanh nghiệp cần tìm các biện pháp tăng năng suất. Nhưng muốn tăng năng suất phải tăng đầu tư chứ không phải chỉ tiết giảm chi phí. Hai là thay đổi đồng tiền thanh toán. Tuy nhiên, phải xem xét đồng tiền đó, thanh toán ở Việt Nam và ở nước sử dụng đồng tiền ấy có ổn định, có giống nhau không?
Theo ông Diệp Thành Kiệt - Phó chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP Hồ Chí Minh, Hội sẽ kiến nghị với Chính phủ một số giải pháp sau: Ngân hàng cần phải mua lại những đồng USD thanh toán từ các hợp đồng xuất khẩu với biên độ giá cao nhất. Biên độ là do ngân hàng Nhà nước đưa ra, Nhà nước phải có yêu cầu mua với giá cao nhất. Về cho vay để phục vụ kinh doanh xuất nhập khẩu, các ngân hàng cần cho vay với biên độ thấp nhất. Ngoài ra cũng cần xem xét việc bỏ thu phí công đoàn và các loại phí và dùng số tiền này để tăng lương cho công nhân. Hiện Chính phủ đang lấy ý kiến doanh nghiệp về dự thảo Luật thuế thu nhập Doanh nghiệp sửa đổi, nhân tình hình cấp bách này Giảm thuế thu nhập, cần giảm trong năm 2008 này. Về phía doanh nghiệp, cần đồng lòng để đàm phán với khách hàng tăng giá.
Dù có đưa ra những giải pháp gì đi nữa, theo ông Phạm Xuân Hồng, nên dựa trên nguyên tắc chia sẻ. Trước hết là chia sẻ giữa doanh nghiệp và người lao động để thấu hiếu và cùng nhau vượt qua khó khăn. Chia sẻ với khách hàng để đàm phán tăng giá một cách hợp lý hoặc chuyển đổi ngoại tệ thanh toán phù hợp. Chia sẻ giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp về thông tin, kinh nghiệm, kỹ thuật để cùng tìm ra giải pháp để phát triển. Nhất là đồng lòng với nhau về việc đàm phán tăng giá. Và cuối cùng là chia sẻ khó khăn giữa doanh nghiệp và nhà nước, để kịp thời có những biện pháp phù hợp với yêu cầu và biến động của thị trường.
Theo VOV (Hòa Bình)