QĐND - Ngày 20-2, Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) phối hợp với Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia) tổ chức Hội thảo khoa học: "Giá trị lý luận và thực tiễn của tác phẩm Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư gửi lẵng hoa chúc mừng Hội thảo. Giáo sư-Tiến sĩ (GS-TS) Lê Hữu Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia, chủ trì hội thảo.

Ban tổ chức hội thảo đã nhận được hơn 60 báo cáo khoa học gửi đến tham gia; trong đó có đại biểu lão thành cách mạng, nhà khoa học, tướng lĩnh, cán bộ cấp cao thuộc các bộ, ban, ngành, trung tâm nghiên cứu khoa học và trường đại học trên cả nước.

Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, GS-TS Lê Hữu Nghĩa nên rõ: “Hội thảo được tiến hành vào thời điểm toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang ra sức thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 119 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890/19-5-2009). Đây cũng là thời điểm Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động vừa tổ chức sơ kết hai năm thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Đặc biệt, hội thảo lần này diễn ra ở chính ngay nơi tác phẩm được Bác Hồ viết ra, nên có nhiều ý nghĩa sâu sắc".

Đồng chí bày tỏ: "Đúng vào dịp kỷ niệm 39 năm ngày thành lập Đảng, trên Báo Nhân Dân, số 5409 ra ngày 3-2-1969, với bút danh T.L, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho công bố bài báo quan trọng: Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Nội dung bài báo tập trung vào hai vấn đề chính là nâng cao đạo đức cách mạng và quét sạch chủ nghĩa cá nhân - hai vấn đề Người đã nhiều lần nói đến ở những mức độ và hoàn cảnh khác nhau trong quá trình lãnh đạo cách mạng cũng như sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam... Hiện nay, để chặn đứng đà suy thoái về đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, Đảng đã đề ra 9 nhiệm vụ và 7 nhóm giải pháp cần tập trung triển khai toàn diện, trước hết là về giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên về đạo đức, lối sống. Năm 2009, Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" đã quyết định lấy chủ đề là "Nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân". Vì vậy, hội thảo được tổ chức nhằm rút ra những bài học mang tính nguyên tắc và có giá trị thực tiễn về công tác xây dựng Đảng, về vai trò Đảng cầm quyền trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, phục vụ thiết thực cho việc đẩy mạnh Cuộc vận động".

Khi phân tích hoàn cảnh ra đời của tác phẩm, một số tham luận gửi đến hội thảo khẳng định: Đây là tác phẩm rất quan trọng, không chỉ thể hiện quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò lãnh đạo và truyền thống đạo đức cách mạng tốt đẹp của Đảng ta, mà còn cảnh báo cho Đảng một thứ “giặc nội xâm” đang làm suy yếu uy tín của Đảng, nếu không được ngăn chặn ngay. Đó chính là “chủ nghĩa cá nhân”. Tác phẩm ra đời trong một hoàn cảnh lịch sử đặc biệt: Cuộc kháng chiến chống Mỹ lâu dài và gian khổ của nhân dân ta đạt được nhiều thắng lợi quan trọng, đi gần đến giai đoạn quyết định, giành thắng lợi hoàn toàn. Nhưng đây cũng là giai đoạn nhiều khó khăn và thách thức đặt ra đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Về bối cảnh quốc tế, vào giữa những năm 1966, 1967, hệ thống xã hội chủ nghĩa trên thế giới giành được nhiều thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học kỹ thuật, quân sự, ngoại giao… nhưng cũng xuất hiện những quan điểm lệch lạc, tư tưởng chủ quan, nóng vội, thiếu sự đoàn kết nhất trí giữa các Đảng, mà suy cho cùng đều xuất phát từ chủ nghĩa cá nhân hẹp hòi. Trong nước, kể từ khi Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền, nhiều cán bộ, đảng viên nắm giữ các chức vụ then chốt trong bộ máy Nhà nước, không còn giữ được đạo đức cách mạng, bộc lộ chủ nghĩa cá nhân ngày càng nặng và trầm trọng hơn. Đặc biệt, một số cán bộ, đảng viên có tư tưởng sợ hy sinh, gian khổ... Chủ nghĩa cá nhân lại thừa cơ tấn công vào Đảng ta, làm mất uy tín của Đảng và gây hoài nghi, thiếu tin tưởng trong nhân dân... Vì vậy, tác phẩm Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân của Bác Hồ ra đời, đã kịp thời chỉ ra những vấn đề mang tính sống còn, những nhiệm vụ cấp thiết và lâu dài để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

Trên cơ sở phân tích khoa học, các tham luận tại hội thảo đã chỉ ra những nội dung luận điểm cơ bản của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm và thống nhất đánh giá rằng: Tác phẩm vô giá này là một di huấn tư tưởng có giá trị lý luận và thực tiễn hết sức quý giá và sâu sắc mà Người để lại cho Đảng ta, nhất là đối với công tác xây dựng Đảng cầm quyền. Với các luận cứ khoa học-thực tiễn, các tham luận cho rằng: Trong tình hình hiện nay, Đảng ta và mỗi đảng viên phải thấm nhuần sâu sắc hơn nữa các quan điểm của Bác Hồ trong tác phẩm, kiên quyết thực hiện đúng hai nhóm giải pháp, nói đi đôi với làm; gắn mối quan hệ hữu cơ giữa xây và chống; tiến hành liên tục và mạnh mẽ cuộc chiến đấu nhằm đẩy lùi chủ nghĩa cá nhân với các biểu hiện tham nhũng, lãng phí đang là nguy cơ lớn đe dọa sự sống còn của Đảng và chế độ ta.

Trong thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, hơn bao giờ hết, toàn Đảng, toàn dân, mà trước hết là cán bộ, đảng viên trong Đảng cần nghiên cứu, học tập để thấy được giá trị lý luận và thực tiễn của tác phẩm Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân của Chủ tịch Hồ Chí Minh để vận dụng vào thực tiễn, đề ra những giải pháp hữu hiệu; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tình trạng tham ô, tham nhũng trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, lấy lại lòng tin của nhân dân với Đảng, để Đảng ta làm tròn sứ mệnh của Đảng cầm quyền, lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, xứng đáng với lòng mong muốn của Bác Hồ: “Đảng là trí tuệ, là đạo đức, là văn minh”.

HỒNG HẢI