Trước đây, vùng biên giới Ea Súp heo hút với những cánh rừng nghèo kiệt. Nay có bàn tay, công sức của người lính Binh đoàn 16, những cánh rừng hoang sơ đã xanh ngút ngàn màu xanh no ấm.
Đúng giờ hẹn, thượng tá Lê Văn Lệ, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 736 có mặt ở thành phố Buôn Ma Thuột để cùng chúng tôi lên biên giới Ea Súp, thăm những làng công nhân tiêu biểu của Binh đoàn 16. Quê ở Thanh Hoá, nhưng đã 27 năm trong quân ngũ, trong đó hơn 20 năm gắn bó với đất và người Tây Nguyên, nên anh Lệ am hiểu khá sâu sắc những phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng đất này. Trên cương vị Trung đoàn trưởng Trung đoàn 736 từ ngày đầu thành lập (9-10-2001), anh Lệ là một trong những người đầu tiên: thượng tá Lưu Xuân Thụy, trung tá Đỗ Trọng Thành, trung tá Chế Văn Đủ... đi khai hoang, mở đất, khảo sát tìm vị trí đứng chân cho trung đoàn. Đáng tự hào lắm chứ! Bởi bao nhiêu gian khó của buổi đầu các anh đã vượt qua, để tạo dựng cơ ngơi bề thế và mở ra hướng phát triển kinh tế cho dải dất biên cương này.
VƯỢT QUA NGÀY ĐẦU GIAN KHÓ
Từ trung đoàn bộ, phóng tầm mắt ra xung quanh là những làng công nhân đội 4, đội 5 - đây là số hộ anh chị em công nhân mới lập gia đình và bà con từ tỉnh Bến Tre đi xây dựng kinh tế mới. Các anh chỉ huy trung đoàn cho biết, hầu hết các làng công nhân đã có điện thắp sáng, có nhà mẫu giáo; cả trung đoàn có 2 trường tiểu học và trung học cơ sở với 800 học sinh; trên địa bàn có 2 trạm y tế, một của trung đoàn và một của xã Ya Lốp. Đường dây điện thoại cố định, trạm phát sóng di động của Viettel và cả sóng phát thanh, truyền hình cũng đã phủ kín khu vực trung đoàn và các đơn vị khác trên dọc biên giới Ea Súp.
 |
Cán bộ Trung đoàn 736 hướng dẫn bà con buôn M’Tha chăm sóc vườn điều |
Nhớ lại những ngày đầu, hơn ba chục cán bộ, chiến sĩ nằm rừng hàng tuần để tìm nguồn nước, tìm địa điểm đặt sở chỉ huy trung đoàn, anh Lệ tâm sự: Ngày đó, khu vực này toàn là rừng khộp, anh em phải dựng lều bạt, ăn nước suối cả tuần, cả tháng để làm nhiệm vụ. Sau nhà bạt đến nhà dựng tạm bằng nứa lá. Do bốn phía là rừng, lại không có vật chuẩn nên trong những ngày đầu anh em đi rừng làm nhiệm vụ rất hay bị lạc đường... Ngày đầu đặt chân đến vùng biên giới heo hút này, khó khăn, thiếu thốn đủ bề, khổ nhất vẫn là thiếu nước sinh hoạt trong những tháng mùa khô; việc cung ứng lương thực, thực phẩm cũng chẳng dễ dàng, nên cuộc sống kham khổ.
Từ 7.200 ha đất lâm nghiệp chuyển đổi và rừng tự nhiên được giao, tháng 11-2001, trung đoàn bắt tay vào khai hoang phát triển sản xuất. Sau 5 năm kể từ ngày đầu mở đất, Trung đoàn 736 đã trồng được 3.996 ha điều cao sản, khoanh nuôi bảo vệ gần một nghìn ha rừng; tổ chức định canh, định cư cho 220 hộ dân kinh tế mới của tỉnh Bến Tre và 185 hộ dân tái định cư lòng hồ Cửa Đạt của tỉnh Thanh Hoá và đã hình thành được 7 đội sản xuất. Mỗi hộ công nhân của trung đoàn, ngoài việc được đơn vị khai hoang cấp cho 400m2 đất thổ cư và 1ha đất sản xuất, còn được giao khoán chăm sóc vườn điều, bình quân từ 3 đến 4 ha/lao động. Nhờ chăm chỉ làm lụng, biết tổ chức trồng trọt và chăn nuôi có hiệu quả, lại luôn nhận được sự trợ giúp về kỹ thuật của cán bộ Trung đoàn 736, nên đến nay đời sống kinh tế của 405 hộ dân đến từ hai tỉnh Thanh Hoá và Bến Tre có đời sống khá ổn định, thu nhập năm sau cao hơn năm trước.
Chúng tôi ghé thăm làng công nhân đội 4. Ở đây, gia đình nào cũng trồng được vườn cây ăn quả với đủ giống cây trái đặc sản của đồng bằng và miền núi, mùa nào thức ấy, hoa trái đầy vườn. Gia đình anh Quang Văn Đành, đến từ huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre nhận khoán của trung đoàn 9ha điều, cùng với 1ha đất rẫy được cấp, bình quân mỗi tháng gia đình anh thu nhập từ 2 đến 3 triệu đồng. Anh Đành tâm sự: “Thời gian đầu, khi mới đến đây, cuộc sống còn kham khổ, thiếu thốn; lại buồn vì nhịp sống không tấp nập, đông vui như quê cũ. Nhưng chỉ sau một vụ sản xuất, thấy trúng nhiều lúa, nuôi được nhiều heo, bò là bà con chúng tôi mê luôn. Bây giờ cuộc sống của công nhân ở đây so với quê cũ thì hơn hẳn!. Mấy đứa em mình ở Bến Tre muốn lên đây làm ăn lắm !”.
Đất lành chim đậu, cuộc sống no đủ, sung túc luôn là điều ao ước của những người nông dân chân lấm tay bùn như bác Nguyễn Văn Xe, anh Nguyễn Thanh Lâm, Nguyễn Văn Mận và Nguyễn Văn Lưỡng. Quê cũ, đất chật người đông, người dân thiếu việc làm nên thiếu đói. Nhưng khi đến đây thấy đất tốt, ham việc, các bác, các anh và các chị cứ ngơi vườn điều lại chạy sang ruộng lúa, vãn việc trên rẫy liền tranh thủ lùa đàn bò, đàn dê ra đồng cỏ, công việc chẳng ngơi chân ngơi tay. Chỉ tính riêng cây lúa - cây cho thu nhập phụ thôi, bây giờ công nhân Trung đoàn 736 đã trồng được 1.000ha lúa một vụ, mỗi năm thu về hơn 1.500 tấn thóc, nếu tính bình quân lương thực theo đầu người thì công nhân Trung đoàn 736 đạt gần 1 tấn lúa/người/năm. Vậy mà cả chỉ huy trung đoàn cho đến người công nhân vẫn còn tiếc rẻ, giá như được đầu tư công trình thủy lợi, thì 1.000 ha lúa sẽ nâng lên sản xuất hai vụ, khi ấy sản lượng lương thực hàng năm sẽ tăng gấp đôi, gấp ba; mặt khác năng suất vườn điều cũng sẽ vượt trội.
Theo tính toán của anh Nguyễn Thanh Lâm, công nhân đội 4, mỗi năm một hộ công nhân nhận khoán 10 ha điều sẽ có thu nhập 20 triệu đồng từ tiền lương. Ngoài ra, công nhân Trung đoàn 736 còn phát triển đàn bò hơn 500 con, đàn dê 50 con và đàn gia cầm hàng nghìn con, tạo nguồn thu nhập phụ khá ổn định. Bây giờ hộ công nhân nào cũng sắm được xe máy làm phương tiện đi lao động. Nhiều công nhân còn trang bị được cả máy điện thoại di động để tiện liên lạc.
Chẳng biết có phải nhờ chỉ huy Trung đoàn 736 mát tay “mai mối” hay không, mà trong số 230 công nhân lao động quốc phòng được tuyển vào đơn vị thực hiện dự án kinh tế - quốc phòng, nay đã hình thành thêm 128 hộ gia đình. Những hộ này được Bộ Quốc phòng hỗ trợ ban đầu 15 triệu đồng/hộ để làm nhà ở, và được đơn vị cấp đất thổ cư, ưu tiên giao diện tích nhận khoán nhiều hơn.
Không còn nghi ngờ gì nữa về tính hiệu quả của dự án kinh tế - quốc phòng trên vùng biên giới Ea Súp này. Cây điều đã phát triển rất tốt. Năm 2006, mới cho thu bói thôi, nhưng Trung đoàn 736 đã thu được 50 tấn hạt điều khô, đạt doanh thu 500 triệu đồng; dự kiến, mùa thu hoạch năm 2007 tới đây, đơn vị sẽ thu được 200 tấn điều khô, trị giá 2 tỷ đồng. Và kể từ năm 2008, khi 3.996 ha điều cho thu hoạch, thì mỗi năm Trung đoàn 736 đạt sản lượng điều hơn 1.000 tấn, doanh thu hàng chục tỷ đồng. Thời điểm trung đoàn làm ăn phát đạt không còn xa nữa, sự sung túc của vùng biên đang hiển hiện rõ từng ngày.
GIÚP DÂN TÌM NO ẤM TRÊN MẢNH ĐẤT CỦA MÌNH
Ngay từ những ngày đầu đặt chân tới vùng đất mới Ea Súp, Trung đoàn 736 đã nhận đỡ đầu, kết nghĩa với buôn M’Tha, xã Ea Rốc. Đây là buôn thuộc diện khó khăn nhất về kinh tế của huyện Ea Súp, và cũng là buôn còn để xảy ra tình trạng một vài người bị bọn phản động lừa phỉnh làm những việc ảnh hưởng xấu đến an ninh chính trị và trật tự trị an ở địa phương. Cả buôn M’Tha có 82 hộ, lâu nay bà con chỉ quen làm lúa rẫy và trồng bắp, đậu trong vườn và trên nương. Mặc dù bình quân diện tích đất canh tác khá cao, hơn 2 ha/hộ, nhưng do tập quán canh tác lạc hậu, nên đại đa số hộ dân ở M’Tha có thu nhập thấp, đời sống khó khăn, vì vậy hàng năm huyện Ea Súp và tỉnh Đắc Lắc phải cứu trợ thường xuyên.
Ngay sau lễ kết nghĩa với buôn M’Tha, Đảng ủy, ban chỉ huy Trung đoàn 736 xác định, bằng mọi cách phải vận động nhân dân tổ chức lại sản xuất, giúp dân biết cách làm ăn để tìm no ấm ngay trên mảnh đất của họ. Chỉ huy trung đoàn mạnh dạn tham mưu đề xuất Huyện ủy và UBND huyện Ea Súp cho đơn vị khai hoang 167,37ha đất và giúp bà con trồng điều cao sản. Bộ đội đã tổ chức khai hoang đất, xuống giống điều và phân công đội công tác “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với bà con buôn M’Tha trong suốt 3 năm, từ khi cây điều xuống giống cho đến khi điều ra hoa cho hạt. Sau khi cây điều cho quả bói, cũng là lúc người dân M’Tha thạo việc chăm sóc, thu hái điều bộ đội mới giao hẳn vườn điều cho bà con. Trung tá Chế Văn Đủ, Phó trung đoàn trưởng về kỹ thuật cho biết, kể từ khi khai hoang cho đến lúc giao vườn điều cho dân, đơn vị chi phí đầu tư mỗi ha điều 8 triệu đồng. Song cái được ở đây không phải là trị giá bao nhiêu tiền, mà là ở chỗ bà con Gia Rai, Ba Na, M’nông ở buôn M’Tha đã biết làm điều cao sản để có thu nhập cao, xoá đi cái nghèo cố hữu bấy lâu.
Hôm chúng tôi đến thăm vườn điều kết nghĩa giữa Trung đoàn 736 và bà con buôn M’Tha, cây điều đã gần khép tán, nụ và hoa bung đầy kẽ lá, hứa hẹn mùa bội thu. Dưới những tán điều sum suê, bà con xới lại đất và đang tiến hành vun gốc, làm cỏ. Một số hộ còn tỉa xen đậu, bắp vào khoảng đất trống giữa những hàng điều, khi điều chưa khép tán. Những thiếu nữ M’nông, Gia Rai lưng đeo gùi, tay thoăn thoắt hái từng chùm đậu chín, miệng các cô tươi cười hớn hở, bởi năm nay đậu trúng mùa. Gặp chị H’ Ya cùng con gái H’ Phin đang thu đậu đen trồng xen trong 2,5 ha điều bộ đội Trung đoàn 736 mới bàn giao, chị H’Ya không giấu niềm vui: “Năm nay nhà mình thu đậu cũng được gần chục triệu đồng. Nhờ bộ đội hướng dẫn mới làm được đấy. Nhìn mà xem, vườn điều bộ đội trồng và bàn giao cho mình phát triển tốt lắm, năm vừa qua cho thu bói rồi, sang năm chắc sẽ nhiều hạt hơn. Đây này, điều ra hoa nhiều lắm!”. Chúng tôi ghé vào nhà rẫy của gia đình Y Min Siu. Qua tâm sự chúng tôi hiểu rằng, cái đói nghèo bấy lâu đeo bám bà con Gia Rai, Ba Na, M’nông ở buôn M’Tha này không phải vì bà con thiếu đất, mà cái chính là thiếu khoa học kỹ thuật, không tìm ra cây trồng vật nuôi phù hợp. Cũng mảnh đất ấy bà con trồng điều cả chục năm nay rồi mà thu hoạch chẳng được bao nhiêu. Nay bộ đội còn hướng dẫn bà con tận dụng đất trống giữa những hàng điều để tỉa bắp, trồng đậu, vừa có thêm thu nhập lại ngăn ngừa được cỏ dại. Gia đình Y Min Siu cũng được bộ đội hướng dẫn trồng 2,5 ha điều cao sản, năm vừa qua điều cho thu bói được 4 tạ hạt, bán được hơn 4 triệu đồng; còn năm nay, điều ra hoa nhiều chắc sẽ được hơn một tấn. Y Min Siu cầm chắc trong tay cả chục triệu đồng rồi, ngoài ra thu đậu trồng xen cũng được chừng ấy, gia đình ông đã dư cái ăn, cái mặc.
Rời rẫy điều nhà Y Min Siu, chúng tôi sang rẫy của các gia đình Ma Đơng, Y Sa Ly, vườn nào cũng xanh mướt, cây cao vượt quá đầu người, tán sum suê. Mô hình khai hoang đất và trồng điều cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ của Trung đoàn 736 được lãnh đạo huyện Ea Súp đánh giá rất cao. Mô hình này thể hiện sinh động về tình cảm gắn bó máu thịt “quân dân” trên vùng biên giới Ea Súp.
Chúng tôi tạm biệt vùng biên Ea Súp khi hoàng hôn buông xuống sau những cánh rừng già. Xa xa, ánh điện trong làng công nhân đã tỏa sáng, từng tốp công nhân nam nữ từ các vườn điều hối hả đi về, họ cười đùa rộn rã cả rừng điều. Tiễn chúng tôi ra khỏi rừng Ea Súp, Trung đoàn trưởng Lê Văn Lệ mới thông báo tin vui: “Năm nay Trung đoàn 736 được Bộ Quốc phòng tặng cờ đơn vị thi đua xuất sắc lần thứ hai!”. Vậy là đã mấy năm liền, Trung đoàn 736 dẫn đầu cụm thi đua của Binh đoàn 16 rồi, đáng vui, đáng tự hào lắm chứ. Nhưng với những người lính của Trung đoàn 736, niềm vui lớn hơn còn là ở chỗ, các anh đã đồng cam, cộng khổ với nhân dân để trụ vững trên biên cương Tổ quốc, tạo dựng được một vành đai vững chắc, góp phần giữ cho biên giới Ea Súp mãi mãi bình yên./.
Ea Súp cuối năm 2006
Bài và ảnh: KIỀU BÌNH ĐỊNH