QĐND - Về điều kiện thứ hai, Trung Quốc chưa bao giờ công bố chính thức yêu sách Biển Đông theo đường ranh giới gồm 9 đoạn không liền nhau này. Theo luật pháp quốc tế, các hành vi mà quốc gia thể hiện phải mang tính công khai ý chí thực thi chủ quyền trên lãnh thổ đó. Các hành vi này phải chính danh như những hành vi bình thường của một quốc gia. Những hành vi bí mật không thể tạo nên cơ sở cho quyền lịch sử; ít nhất các quốc gia khác phải có cơ hội để biết được cái gì đang diễn ra.

Các học giả Trung Quốc mặc nhận rằng, con đường này tồn tại từ lâu mà không có quốc gia nào phản đối. Tuy nhiên, luật pháp quốc tế cho rằng một yêu sách phải được tuyên bố rõ ràng, không mập mờ, chính thức và được duy trì trong một thời gian dài đủ để quốc gia có ý kiến bất đồng phải đưa ra ý kiến chính thức của họ. Đường chữ U có nguồn gốc từ một bản đồ tư nhân, không phải là cái để các quốc gia khác có ý kiến. Hơn nữa, việc các nước tham gia Hội nghị Xan Phran-xi-xcô năm 1951 bác bỏ đề nghị của Liên Xô trao cho Trung Quốc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và thực tế tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như đòi hỏi của Phi-líp-pin, Ma-lai-xi-a đối với hầu như toàn bộ hoặc một bộ phận của quần đảo Trường Sa cho thấy không thể nói đường ranh giới 9 đoạn trên Biển Đông mà Trung Quốc vạch ra đã được các nước khác công nhận. Trong các hội nghị quốc tế như Hội nghị kiềm chế các xung đột tiềm tàng trong Nam Trung Hoa tổ chức hằng năm theo sáng kiến của In-đô-nê-xi-a, các đại biểu Trung Quốc luôn lảng tránh khi bị chất vấn về cơ sở pháp lý và lịch sử của con đường này.

Hội nghị Xan Phran-xi-xcô năm 1951. Ảnh tư liệu

 

- Con đường đứt khúc 9 đoạn này mâu thuẫn ngay với quan điểm chính thức của Trung Quốc đã nêu trong Tuyên bố ngày 4-9-1958 về các vùng biển Trung Quốc:

 “Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tuyên bố:

1. Bề rộng lãnh hải của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là 12 hải lý. Quy định này áp dụng cho tất cả lãnh thổ của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, bao gồm lục địa và các đảo ven bờ, cũng như Đài Loan và các đảo phụ cận, Bành Hồ, Đông Sa, Tây Sa, Trung Sa, Nam Sa quần đảo và tất cả các đảo thuộc Trung Quốc được tách rời khỏi lục địa và các đảo ven bờ bởi biển cả”.

Rõ ràng Trung Quốc công nhận rằng các đảo bị tách biệt với lục địa bởi biển cả, chứ không phải các vùng nước lịch sử. Trong Luật về lãnh hải và vùng tiếp giáp của CHND Trung Hoa năm 1992, Trung Quốc cũng chỉ nêu đòi hỏi lãnh hải 12 hải lý xung quanh những vùng đất yêu sách chủ quyền và vùng tiếp giáp 12 hải lý dành cho thuế quan và các mục đích tương tự chứ không xác định “vùng nước lịch sử”. Ngày 15-6-1996, Trung Quốc phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và ban hành “Quy định về hệ thống đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải, bao gồm quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa). Quy định đường cơ sở của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa đã vi phạm hai nguyên tắc cơ bản: Đó là sự vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam và cũng là sự vi phạm các quy định của Luật Biển quốc tế về vạch đường cơ sở. Nếu đặt vấn đề chủ quyền lãnh thổ sang một bên để chỉ xét về mặt kỹ thuật thì việc vạch đường cơ sở của Trung Quốc tại Hoàng Sa không tôn trọng tinh thần và nội dung của Công ước Liên hợp quốc năm 1982 về Luật Biển. Hệ thống đường cơ sở thẳng ở đây nối liền các điểm nhô ra nhất của các đảo, các bãi nửa nổi nửa chìm ngoài cùng của quần đảo như: Đá Bắc (Beijiao), Cồn Cát Tây (Zhaoshudao), Đảo Bắc (Beidao), Đảo Nam (Nandao), Đảo Lincon (Dongdao), Đá Bông Bay (Langhuajiao). Các đoạn dài nhất là đoạn 3-4 (Lincon-Đá Bông Bay) 36,3 hải lý; đoạn 7-8 (Đá Bông Bay-Đá Triton) 75,8 hải lý; đoạn 14-15 (Đá Triton-Đá Bắc) 78,8 hải lý; đoạn 22-23 (Đá Bắc-Cồn Cát tây) 41,5 hải lý; đoạn 28-1 (Đảo Nam-Đảo Lincon) 28 hải lý. Ở đây rõ ràng Trung Quốc đã áp dụng phương pháp vạch đường cơ sở quần đảo chỉ quy định cho các quốc gia quần đảo (Điều 47 của Công ước) để vạch đường cơ sở cho các quần đảo xa bờ. Điều 47 quy định: Quốc gia quần đảo có thể vạch các đường cơ sở thẳng của quần đảo nối các điểm ngoài cùng của các đảo xa nhất và các bãi đá nửa nổi nửa chìm của quần đảo, với điều kiện là tuyến các đường cơ sở này bao lấy các đảo chủ yếu và xác lập một khu vực mà tỷ lệ diện tích nước so với đất, kể cả vành đai san hô phải ở giữa tỷ số 1/1 và 9/1. Diện tích mà hệ đường cơ sở này của Trung Quốc bao lấy là một khu vực rộng 17.000km2, trong khi tổng diện tích các đảo nổi của quần đảo Hoàng Sa là 10km2. Ngoài ra, hầu hết các đá, bãi san hô mà Trung Quốc sử dụng ở đây đều không thích hợp cho con người đến ở hoặc không có một đời sống kinh tế riêng. Các đảo này lại cách xa nhau quá 24 hải lý, không có lý do gì có thể nối các đoạn đường cơ sở như vậy. Do vậy, bất kỳ một vùng biển nào mà Trung Quốc tuyên bố bao quanh vùng biển của các mỏm đá, bãi san hô này về mặt kỹ thuật đều trái với các quy định của Công ước 1982. Tuyên bố về đường cơ sở ngày 15-5-1996 của Trung Quốc áp dụng đối với cả quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam cho thấy, việc Trung Quốc yêu sách một vùng nội thủy nằm trong một vùng nước lịch sử có cùng chế độ nội thủy là một mâu thuẫn lớn trong lập trường của họ. Lập trường này của Trung Quốc cũng mâu thuẫn ngay với chính các tuyên bố của Trung Quốc về việc tàu chiến Mỹ đã vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc trong vụ ngày 8-3-2009. Chẳng lẽ cùng lúc Trung Quốc lại yêu sách một vùng biển với hai chế độ pháp lý khác nhau: Quyền chủ quyền trong vùng đặc quyền kinh tế nằm trong vùng nước nội thủy có tính chất chủ quyền?

- Trong lập luận của mình, các học giả Trung Quốc đã viện dẫn một số trường hợp yêu sách vùng nước lịch sử trong thực tiễn quốc tế như yêu sách của Liên Xô trước đây ngày 20-7-1957 tại vịnh Pierre Đại đế, yêu sách của Li-bi ngày 11-10-1973 tại vịnh Sidra. Theo họ, các ví dụ này chứng tỏ rằng trong thực tiễn quốc tế, luật về các vịnh lịch sử đã có được một quy chế pháp lý riêng biệt và như vậy yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc là hợp pháp. Lập luận này dựa trên cơ sở 15 trường hợp yêu sách quá đáng vùng nước lịch sử mà luật pháp quốc tế luôn phê phán. Các trường hợp ít ỏi này không tạo ra được một opinion juris (ý thức pháp luật) và một thực tiễn pháp lý không đổi nên chúng không bao giờ được luật quốc tế chấp nhận như một quy tắc tập quán. Vùng nước nằm trong đường 9 đoạn chiếm 80% diện tích Biển Đông mà Trung Quốc cho là “vùng nước lịch sử” là không có cơ sở pháp lý. Luật quốc tế không hề biết đến một vùng nước lịch sử lớn đến như vậy. Yêu sách “đường lưỡi bò” đi ngược lại với học thuyết các vùng nước lịch sử. Cộng đồng quốc tế chưa bao giờ ghi nhận một yêu sách như vậy và sẽ không chấp nhận một khoảng không gian rộng lớn như Biển Đông - biển lớn nhất, nhì thế giới - nằm dưới quyền tài phán của duy nhất một nước.

- Quan điểm của Trung Quốc và Đài Loan, bên đầu tiên đưa ra yêu sách Đường chữ U cũng khác nhau. Ngày 30-12-1992, Viện Lập pháp Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) đã thông qua “Luật vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Trung Hoa Dân quốc”. Luật này được ban hành trên cơ sở nguyên tắc “chủ quyền thực tế” bỏ đi điều khoản về “vùng nước lịch sử” (vùng nước trong Đường chữ U). Ngày 2-1-1993, Viện Lập pháp Trung Hoa Dân quốc (Đài Loan) thông qua “Luật Lãnh hải và vùng tiếp giáp Trung Hoa Dân quốc”. Luật này quy định Lãnh hải Trung Hoa Dân quốc (Đài Loan) rộng 12 hải lý đồng thời quy định các điểm cơ sở để vạch đường cơ sở và ranh giới ngoài lãnh hải do Viện Hành chính quy định và công bố trong thời gian tới. Trong các đạo luật này, khác với Trung Quốc, Đài Loan đã không đề cập "tính chất lịch sử" của "đường lưỡi bò" mà họ đã từng yêu sách năm 1947. Họ chỉ yêu sách các đảo đá, bãi cạn nằm trong giới hạn Đường chữ U nhưng không yêu sách vùng nước trong giới hạn đó.

- Đường đứt khúc 9 đoạn mà Trung Quốc yêu sách này chạy sát bờ biển của các nước, có đoạn chỉ cách bờ biển Việt Nam khoảng 50 – 100km, trong khi Trường Sa cách bờ Việt Nam khoảng hơn 200 hải lý. Đường này còn chạy sát bãi Shoal James (Tăng Mẫu) của Ma-lai-xi-a và đảo Natuna của In-đô-nê-xi-a, quần đảo Phi-líp-pin, gây lo ngại sâu sắc cho các nước trong khu vực. Vì vậy, thật khó có thể đồng ý với các học giả Trung Quốc rằng con đường này được vạch “theo cách gần như là đường cách đều giữa rìa ngoài của bốn quần đảo trong biển Nam Trung Hoa với đường bờ biển của các quốc gia kế cận, phù hợp với các công ước quốc tế”. Trước hết, các công ước quốc tế cũng như thực tế xét xử của các cơ quan tài phán quốc tế không trù định quyền ưu tiên của phương pháp đường cách đều trong phân định nhất là trong trường hợp có các danh nghĩa lịch sử. Trung Quốc khẳng định xây dựng yêu sách của mình trên cơ sở “danh nghĩa lịch sử”, đồng thời lại áp dụng phương pháp đường cách đều để phân định, phủ nhận danh nghĩa lịch sử đó. Điều này không nhất quán. Thứ hai, nếu vẽ đúng kỹ thuật, con đường này hoàn toàn không thể là con đường cách đều giữa các đảo nằm giữa Biển Đông với bờ biển của các nước xung quanh. Đó là chưa kể đến điều 121 của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 quy định rằng những đảo, đá nào không thích hợp cho con người đến ở hoặc cho một đời sống kinh tế riêng thì chỉ có lãnh hải rộng không quá 12 hải lý.

Thay lời kết, B.A. Hamzah, học giả Ma-lai-xi-a nhận xét: “Một yêu sách phi lý như vậy không thể có một danh nghĩa gì, do đó sự không có danh nghĩa sẽ kéo theo sự không có quyền tài phán”. Chủ quyền không thể suy diễn, không thể dựa trên những dẫn chứng thiếu cơ sở. “Đường đứt khúc 9 đoạn”, con đường không được xác định rõ cả về cơ sở pháp lý lẫn tọa độ địa lý, đã vi phạm chủ quyền lãnh thổ không chỉ của các nước liên quan mà còn là sự thách thức đối với quyền lợi hàng hải, hàng không… của cộng đồng quốc tế. Từ bao đời nay, các quốc gia trong khu vực vẫn tiến hành các hoạt động sử dụng biển một cách bình thường trong Biển Đông không có sự ngăn cản nào của Trung Quốc. Đòi hỏi Đường chữ U như là một đường biên giới quốc gia trên biển và yêu sách hầu hết Biển Đông cùng các đảo, đá trong đó như Daniel Schaeffer - nguyên Tùy viên quân sự Pháp tại Trung Quốc, Việt Nam và Thái Lan - nhận xét, “thực chất cố tình làm cho hầu hết người dân Trung Quốc và một số người khác hiểu rằng đây đơn giản là sự khẳng định đối với “việc đã rồi”, biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) và 4 quần đảo trong đó là của Trung Quốc, và vì thế không việc gì phải bàn cãi”.

Tuy nhiên, đối với những người Trung Quốc đang muốn đất nước mình là một thành viên đáng tin cậy của cộng đồng quốc tế, của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 thì việc từ bỏ đường này sẽ khắc phục được tình trạng mập mờ cản trở thực tiễn, tạo niềm tin với các nước hữu quan, làm cho các cuộc đàm phán phân định biển trong khu vực trở nên khách quan hơn, thúc đẩy hợp tác và phát triển.

Một cách tự nhiên, Biển Đông là nơi liên kết các nền văn minh kinh tế giữa các nước Đông Nam Á và giữa họ với phần lục địa phía Nam Trung Quốc. Với vị trí địa chính trị, cấu tạo tự nhiên và hoạt động kinh tế - xã hội liên kết giữa các quốc gia, Biển Đông là ngôi nhà chung của các nước trong khu vực và chứa đựng nhiều quan tâm chung của các nước trong và ngoài khu vực. Các vấn đề của Biển Đông cần được các nước trong khu vực, trên tinh thần cầu thị, tôn trọng chủ quyền và lợi ích của nhau, tuân thủ pháp luật quốc tế, cùng nhau tìm một giải pháp công bằng, mà các bên có thể chấp nhận.

Nguyễn Hồng Thao

"Đường đứt khúc 9 đoạn” – Một yêu sách phi lý