Những chiếc riskshaw chở niềm hy vọng

Từ New Delhi, chiếc chuyên cơ chở Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam chỉ mất chưa đầy một giờ bay là tới Dhaka, thủ đô nước Cộng hòa Nhân dân Bangladesh, bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Bangladesh của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân.

Bangladesh chưa phải là một quốc gia giàu có. Với diện tích trên 147.000 km2 trong khi dân số luôn nằm trong số mười quốc gia đông dân nhất thế giới (trên dưới 150 triệu người theo nhiều số liệu khác nhau), Bangladesh luôn phải đối mặt một trong những thách thức lớn nhất là sự nghèo đói. Với phần lớn diện tích nằm dưới mực nước biển, Bangladesh cũng là một trong các quốc gia phải hứng chịu những hậu quả nặng nề nhất của hiện tượng nước biển dâng. Cộng thêm với những thảm họa thiên nhiên như lũ lụt, bão lốc, lở đất do thủy triều năm nào cũng xảy ra khiến nền kinh tế Bangladesh luôn phải gồng mình vượt khó, nhằm cải thiện đời sống cho người dân, giảm bớt khoảng cách giàu nghèo.

Ở khắp thủ đô Dhaka, có thể thấy những người dân Bangladesh bươn chải khắp mọi nơi. Một điểm dễ nhận thấy ở Bangladesh là công việc bán buôn chỉ dành cho đàn ông chứ không phải là của phụ nữ, thế nên tại tất cả cửa hàng, khu chợ, trong siêu thị, người đứng bán hàng đều là đàn ông. Công việc hiếm hoi mà người phụ nữ làm trên đường phố là bó những bông hoa đủ loại để cho... đàn ông bán!

Nếu có dịp trải nghiệm một Dhaka ban đêm mới thấy sức sống của thủ đô Bangladesh, của người dân nơi đây thực là ghê gớm. Hàng đợt sóng người cùng xe cộ chảy liên miên trên đường phố Dhaka, tràn vào các khu chợ, các ngõ hẻm, lan lên mọi lề đường. Trên các vỉa hè, những người đàn ông ngồi bán hàng tới tối muộn, với những quầy hàng di động hay các cửa hàng nhỏ. Nhiều nhất là giày dép và quần áo, những món hàng mà người Bangladesh gia công cho các thương hiệu nổi tiếng thế giới. Những chiếc áo sản xuất tại Bangladesh có mặt trên kệ ở nhiều cửa hàng sang trọng ở New York, Honolulu... Bàn tay lao động của người Bangladesh đã in dấu trên sản phẩm có xuất xứ từ đây và theo các hiệp định thương mại tự do để đến với người tiêu dùng khắp thế giới. Theo cái cách như vậy, kinh tế Bangladesh đang hội nhập với kinh tế toàn cầu.

Trên đường phố Dhaka, một hình ảnh quen thuộc đập vào mắt những người Việt Nam lần đầu tới đây là những chiếc riskshaw-xe ba bánh. Nó chính là chiếc xích lô ở Việt Nam, nay đã vắng bóng nhiều trên các đường phố mà chỉ còn lại trong những tour tham quan du lịch nhẹ nhàng, không tiếng ồn.

Khác với xích lô của Việt Nam là ở đây, người lái xe ngồi phía trước, ghi đông xe giống như của chiếc xe đạp. Nếu như Hà Nội là thành phố xe máy thì Dhaka là thành phố của những chiếc xích lô có tên riskshaw này. Có nhiều thông tin khác nhau về số lượng những chiếc riskshaw ở thủ đô, nhưng tựu trung lại, người ta ước lượng có ít nhất 400.000 chiếc như thế lưu thông mỗi ngày trên các đường phố Dhaka. Một con số khổng lồ nhưng vẫn chưa thấm vào đâu so với số dân lên tới trên dưới 15 triệu người của thủ đô! Nhưng đấy là những chiếc xe chở niềm hy vọng cho mỗi gia đình trong công cuộc mưu sinh ở thành phố lớn nhất đất nước luôn rực sáng dưới ánh mặt trời này.

Gắn kết bởi quá khứ và hiện tại

Nhịp sống sôi động của Dhaka trong những ngày này bất chợt có một sự xáo động: chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam. Trên các đường phố đông đúc của thủ đô, những tấm biểu ngữ màu đỏ giăng ngang trên các thành cầu vượt với dòng chữ nổi bật: Thành tâm chào mừng Chủ tịch nước Trần Đại Quang! Những tấm ảnh cực lớn của Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng với Tổng thống Mohammad Abdul Hamid hoặc Thủ tướng Sheikh Hasina được dựng ở các giao lộ, trước các địa điểm quan trọng ở thủ đô, để thông báo với người dân về chuyến thăm cấp Nhà nước của lãnh đạo Việt Nam.

Hình ảnh chào đón Chủ tịch nước Trần Đại Quang xuất hiện trên các đường phố ở thủ đô Dhaka

Các bạn Bangladesh dành sự tiếp đón trọng thị nhất đối với Chủ tịch nước Trần Đại Quang khi chiều 4-3, Tổng thống Mohammad Abdul Hamid cùng Phu nhân ra tận chân cầu thang đón Chủ tịch nước và Phu nhân trong tiếng đại bác vang rền khiến những đàn chim quanh sân bay Hazrat Shahjalal giật mình bay vù lên trong buổi chiều Dhaka...

Mà sự tiếp đón trọng thị đó cũng xuất phát từ một căn nguyên mà nhiều bạn Bangladesh, trong các cuộc tiếp chính thức hay không chính thức, đã nhắc tới không chỉ một lần: Cuộc đấu tranh không mệt mỏi của nhân dân Việt Nam vì độc lập dân tộc đã gợi cảm hứng mạnh mẽ cho người dân Bangladesh, khiến nhiều người dân Bangladesh luôn có tình cảm ngưỡng mộ và quý mến mỗi khi nhắc đến hai chữ “Việt Nam”. 

Nhưng giữa Việt Nam và Bangladesh được gắn kết không chỉ bởi những âm hưởng của quá khứ. Ngay trong thời hiện tại, Bangladesh, quốc gia có một phần lãnh thổ nằm trong lưu vực đồng bằng sông Hằng, luôn mong muốn được kết nối sâu hơn với ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng trong khuôn khổ hợp tác Mekong-sông Hằng.

 Chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã làm sâu sắc thêm quan hệ giữa Việt Nam và Bangladesh, khi hàng loạt lĩnh vực được lãnh đạo hai nước bàn thảo nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia cửa ngõ của Nam Á và Đông Nam Á. Con số mục tiêu đạt kim ngạch thương mại hai chiều tăng lên gần 2 tỷ USD vào năm 2020 hoàn toàn khả thi nếu tính đến tiềm năng dân số trẻ và biết phát huy những ưu thế của kinh tế mỗi nước...       

Thành phố không ngủ

Còn có một yếu tố nữa không xuất hiện trong các văn bản ký kết nhân chuyến thăm Bangladesh của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, nhưng đóng vai trò vô cùng quan trọng để tạo lập một tương lai tươi sáng cho hợp tác Việt Nam - Bangladesh: Đức tính chăm chỉ, cần cù của người dân hai nước.

Sự cần cù đó hiển hiện sống động trên đường phố Dhaka. Dưới ánh mặt trời rực rỡ của thủ đô Bangladesh, có thể dễ dàng chứng kiến những dòng người cuồn cuộn trong công cuộc mưu sinh, với ngàn ngạt hàng hóa được bày bán, những chuyến xe sơn nhiều màu sắc chật ních người và hàng hóa. Có cảm giác như thành phố thủ đô của Bangladesh không bao giờ ngừng chuyển động, không bao giờ ngủ!

Một Dhaka đầy sức sống đang chuyển mình, với những công trình xây dựng nơi nơi. Người dân Bangladesh không cam chịu nghèo khó mà luôn tìm mọi cách để vươn lên trong công cuộc mưu sinh, vì một ngày mai tốt đẹp hơn. Nó cũng lý giải cho việc nhiều năm trước, một người Bangladesh có tên là Muhammad Yunus đã hãnh diện giành giải thưởng Nobel Hòa bình danh giá với chương trình từng nổi danh một thời-tín dụng nhỏ dành cho người nghèo, giúp những người nghèo Bangladesh có cơ hội tiếp cận được với nguồn vốn để cải thiện đời sống... 

Người dân Bangladesh luôn niềm nở đón chào các vị khách đến với mình và điều này thể hiện rõ trong những ngày Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng Phu nhân dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm cấp Nhà nước Bangladesh. Chuyến thăm đã khép lại, nhưng ấn tượng về một cuộc sống sôi động dưới ánh mặt trời Dhaka của những người dân Bangladesh đã tiếp thêm niềm tin về một ngày mai tươi sáng trong quan hệ Việt Nam - Bangladesh.

Bài và ảnh: YÊN BA (từ Dhaka, Bangladesh) (Ghi nhanh của phóng viên Báo Quân đội nhân dân)